Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều nay 27/11, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Đại biểu Quốc hội, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng phát biểu tại Quốc hội chiều ngày 27/11 – Ảnh: CN
Tham gia thảo luận, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội đã có một số ý kiến về áp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với sản xuất ô tô chuyên dùng, máy điều hòa nhiệt độ và mặt hàng xăng dầu.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng phân tích, việc sản xuất các loại ô tô chuyên dùng như xe cứu thương, xe chở tiền, xe chở phạm nhân, xe ô tô chuyên dùng khác hiện gặp rất nhiều vướng mắc về chính sách thuế TTĐB.
Cụ thể, để sản xuất xe cứu thương, các doanh nghiệp sẽ phải sử dụng đầu vào là một chiếc xe loại 9 chỗ hoặc 12 chỗ chưa được gắn nội thất. Những chiếc xe “nguyên liệu đầu vào” này thuộc diện chịu thuế TTĐB, với mức thuế suất có thể lên đến 50%. Nhà sản xuất khi mua “nguyên liệu đầu vào” này đã phải trả thuế thông qua giá mua xe.
Sau khi cải tạo loại xe thương mại này thành xe cứu thương và bán ra, thì sản phẩm này thuộc diện không chịu thuế TTĐB. Các doanh nghiệp không được khấu trừ hay hoàn thuế đối với số thuế TTĐB đầu vào. Kết quả là chi phí sản xuất các loại ô tô cứu thương tại Việt Nam tăng từ 35 – 40%. Với giá xe cứu thương khoảng 1 tỷ đồng mỗi chiếc, thì nhà nước đang thu thuế TTĐB khoảng 250 – 300 triệu đồng cho mỗi chiếc xe cứu thương.
Theo đại biểu, như vậy sẽ làm tăng chi phí y tế, giảm khả năng tiếp cận dịch vụ của người bệnh, đồng thời nhấn mạnh, chỉ có trường hợp xe cứu thương nhập khẩu nguyên chiếc thì mới tránh được toàn bộ nghĩa vụ thuế TTĐB. Điều này, gây triệt tiêu sản xuất trong nước, gây thiệt hại lớn cho ngành cơ khí ứng dụng. Do đó, đề nghị Quốc hội xem xét cơ chế khấu trừ hoặc hoàn thuế TTĐB đã nộp ở đầu vào nhằm hỗ trợ ngành sản xuất ô tô chuyên dùng trong nước.
Đối với mặt hàng máy điều hoà nhiệt độ (ĐHNĐ), đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng mặt hàng này đã phải chịu thuế TTĐB từ năm 1998 với mức thuế suất 20% và đã được giảm xuống 10% vào năm 2008. Trước đây, máy ĐHNĐ có thể được coi là mặt hàng xa xỉ, nhưng hiện nay thiết bị này đã trở thành mặt hàng thiết yếu, phục vụ cuộc sống hàng ngày.
Đại biểu phân tích: Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, việc duy trì nhiệt độ phòng phù hợp có tác dụng rất tốt trong việc nâng cao năng suất lao động trí óc. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với Việt Nam khi chúng ta có định hướng phát triển kinh tế tri thức như hiện nay. Có lẽ Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới đánh thuế TTĐB đối với máy ĐHNĐ. Các nước khác kiểm soát điều hoà theo 2 khía cạnh khác, một là kiểm soát dung môi làm lạnh, hai là mức tiêu thụ điện năng.
Việt Nam đã có quy định kiểm soát dung môi làm lạnh, theo hướng giảm hạn ngạch nhập khẩu các dung môi làm lạnh gây tác động tiêu cực đến tầng ozone và gây hiệu ứng nhà kính. Bên cạnh đó, cũng đã có quy định về hiệu suất năng lượng đối với ĐHNĐ và ngày càng theo hướng tăng hiệu suất năng lượng tối thiểu.
Do đó, đại biểu khẳng định việc tiếp tục duy trì thuế TTĐB đối với máy ĐHNĐ là không còn phù hợp và cần được bãi bỏ để giảm chi phí cho người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Đối với mặt hàng xăng dầu, đại biểu Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh, hiện nay, mặt hàng này phải “gánh” hai loại thuế mang tính chất hạn chế tiêu dùng là thuế TTĐB và thuế bảo vệ môi trường. Đây là cách đánh thuế không phổ biến trên thế giới, bởi các quốc gia thường chỉ áp dụng một trong hai loại thuế này.
Xăng dầu vốn không phải mặt hàng xa xỉ, và mục tiêu chính của thuế TTĐB trong trường hợp này là bảo vệ môi trường. Vì vậy, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề xuất nghiên cứu bỏ thuế TTĐB đối với mặt hàng xăng dầu, đồng thời điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường để phù hợp hơn với mục tiêu kiểm soát tiêu dùng và bảo vệ môi trường.
Cẩm Nhung – Thanh Tuân
Nguồn: https://baoquangtri.vn/dai-bieu-quoc-hoi-ha-sy-dong-tham-gia-thao-luan-ve-du-thao-luat-thue-tieu-thu-dac-biet-sua-doi-190025.htm