Tối 15/11, huyện Triệu Phong long trọng tổ chức lễ đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì và Bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2023. UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Quang Tùng; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang; Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đào Mạnh Hùng; các ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh; Mẹ Việt Nam anh hùng tham dự lễ.
Về phía khách mời có Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương Phương Đình Anh; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các cơ quan trung ương và địa phương là con em quê hương Triệu Phong; đại diện lãnh đạo huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh; các tổ chức tôn giáo, hội đồng hương Triệu Phong, Quảng Trị tại các tỉnh, thành phố trong nước; đại diện lãnh đạo các xã, phường trước đây thuộc huyện Triệu Phong, các xã, thị trấn là Nhân dân Triệu Phong lên lập nghiệp tại huyện Hướng Hóa.
Mảnh đất giàu truyền thống cách mạng
Đọc diễn văn tại buổi lễ, Bí thư Huyện ủy Triệu Phong Trần Xuân Anh đã khái quát lại lịch sử, truyền thống anh hùng trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giải phóng dân tộc, quá trình xây dựng và phát triển huyện Triệu Phong.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Tùng thực hiện nghi thức trao Huân chương Độc lập hạng Nhì cho huyện Triệu Phong – Ảnh: P.V
Triệu Phong là vùng đất có lịch sử hình thành lâu đời trong tiến trình khai mở về phương Nam của các thế hệ người Việt. Danh xưng Triệu Phong xuất hiện lần đầu tiên với tư cách là đơn vị hành chính cấp phủ thuộc Thừa tuyên Thuận Hóa được ghi nhận vào năm Quang Thuận thứ 10 – 1469, sau khi vua Lê Thánh Tông cho định lại bản đồ trong cả nước. Tên Triệu Phong có nghĩa là một sự khởi đầu thịnh vượng, tốt đẹp. Trải qua thăng trầm của lịch sử, vùng đất này với nhiều tên gọi khác nhau, địa giới nhiều lần thay đổi, từ Võ/Vũ Xương, Đăng Xương, Thuận Xương và ngày nay là Triệu Phong.
Dưới thời các chúa Nguyễn 1558 – 1626, Ái Tử – Trà Bát – Dinh Cát được chúa Tiên Nguyễn Hoàng và chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên chọn làm nơi đặt lỵ sở, thủ phủ cai quản toàn bộ 2 xứ Thuận Hóa và Quảng Nam.
Tại Triệu Phong đã sớm ra đời những tổ chức cộng sản đầu tiên của tỉnh Quảng Trị, là nơi thành lập Tỉnh ủy Quảng Trị lâm thời vào ngày 21/4/1930. Đồng thời là nơi sản sinh nhiều chí sĩ yêu nước, trí thức, lãnh đạo cách mạng tiêu biểu như: Tổng Bí thư Lê Duẩn, Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực, Phó Thủ tướng Trần Quỳnh, Đại tướng Đoàn Khuê…
Sau ngày quê hương được giải phóng, Đảng bộ và Nhân dân Triệu Phong tiếp tục nỗ lực phấn đấu, biến thách thức thành cơ hội, khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế, huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tạo sự bứt phá trong sự nghiệp đổi mới và phát triển của huyện.
Phát huy nội lực, tranh thủ các nguồn lực xây dựng NTM
Triển khai xây dựng NTM, huyện Triệu Phong gặp không ít khó khăn, thách thức với xuất phát điểm thấp, nông nghiệp chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu nền kinh tế, công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển chậm, tỉ lệ hộ nghèo chiếm 23,1%, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 10 triệu đồng/người/năm, bình quân chung các xã chỉ đạt 4,6 tiêu chí NTM, huyện chưa có tiêu chí nào đạt chuẩn…
Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Tùng trao Bằng công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2023 cho huyện Triệu Phong – Ảnh: PV
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tinh thần đoàn kết, sự đồng lòng, đồng sức, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, huyện Triệu Phong đã đạt nhiều thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là trong công cuộc xây dựng NTM.
Huyện đã hoàn thành quy hoạch vùng huyện đến năm 2040, định hướng đến năm 2050. Nền kinh tế của huyện duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, bình quân đạt trên 10%/năm. Bộ mặt nông thôn, đô thị ngày càng khởi sắc, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện, nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 68,5 triệu đồng, tăng 6,8 lần so với năm 2011, hộ nghèo giảm xuống còn 3,3%, giảm 6,9 lần. Các giá trị văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể được quan tâm bảo tồn, tôn tạo, khai thác và phát huy.
Dấu ấn đậm nét và là kinh nghiệm thực tiễn của huyện trong xây dựng NTM là phát huy nội lực, tranh thủ các nguồn lực, đẩy mạnh phong trào hiến đất, hiến cây, hiến công, hiến kế, đóng góp kinh phí xây dựng NTM.
Trong hơn 10 năm, toàn huyện vận động Nhân dân tự nguyện đóng góp lắp đặt các tuyến đường điện chiếu sáng với tổng chiều dài 325 km, hiến hơn 100.000 m2 đất, hàng trăm ngàn ngày công và huy động được hơn 1.600 tỉ đồng, trong đó Nhân dân đóng góp 129 tỉ đồng để xây dựng các công trình phúc lợi, thiết chế văn hóa, giao thông, đường hoa, hàng rào xanh, xây dựng khu dân cư kiểu mẫu… Nhờ đó, toàn huyện đã có 17/17 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó có 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, hoàn thành 100% các tiêu chí huyện NTM.
Tiền đề quan trọng để hướng đến NTM kiểu mẫu, NTM thông minh
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Tùng chúc mừng và biểu dương những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Triệu Phong đã đạt được. Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, kết quả đạt chuẩn huyện NTM của Triệu Phong hôm nay chỉ là bước khởi đầu, là cơ sở quan trọng để tiếp tục xây dựng NTM ở mức cao hơn, hướng đến NTM kiểu mẫu, NTM thông minh…
Để thực hiện được điều đó, đề nghị Đảng bộ, chính quyền, quân và Nhân dân huyện Triệu Phong cần tiếp tục phát huy cao độ truyền thống cách mạng và những thành quả đã đạt được trong thời gian qua.
Tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: triển khai quy hoạch tỉnh Quảng Trị và quy hoạch vùng huyện Triệu Phong giai đoạn 2021 – 2030 tầm nhìn đến 2050 đã được phê duyệt, phát huy những lợi thế, tiềm năng của địa phương, hình thành không gian và cơ cấu phát triển kinh tế hợp lý cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Chỉ đạo rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch xây dựng NTM gắn với thực hiện chủ trương tái cơ cấu kinh tế, đảm bảo phù hợp với quy hoạch.
Tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án để tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí, đặc biệt chú trọng tiêu chí về sản xuất và môi trường, bảo đảm tính bền vững trong xây dựng NTM.
Tăng cường cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp huyện, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng bộ máy tinh gọn hiệu lực, hiệu quả, đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa – xã hội hài hòa với tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, tạo động lực thúc đẩy phát triển bền vững. Thực hiện có hiệu quả các chính sách xã hội, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống Nhân dân. Giữ vững và tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đề cao vai trò tự quản ở các khu dân cư.
Tiếp tục chăm lo công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Tùng đã trao Huân chương Độc lập hạng Nhì và Bằng công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2023 cho huyện Triệu Phong.
Sau phần lễ là chương trình nghệ thuật với chủ đề: “Triệu Phong – Niềm tin và Khát vọng”, chương trình gồm 3 phần: Trầm tích Triệu Phong, Mảnh đất địa linh nhân kiệt và Triệu Phong – Khúc ca ngày mới.
Chương trình nghệ thuật tái hiện lại lịch sử hình thành, phát triển, tinh thần đấu tranh anh dũng, quật cường của quân và dân Triệu Phong trong 2 cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và quá trình dựng xây, phát triển của huyện.
P.V
Nguồn: https://baoquangtri.vn/huyen-trieu-phong-don-nhan-huan-chuong-doc-lap-hang-nhi-va-bang-cong-nhan-dat-chuan-nong-thon-moi-nam-2023-189781.htm