Chiều nay 15/11, tại huyện Hải Lăng, Công ty Cổ phần Nông nghiệp hữu cơ thương mại Quảng Trị tổ chức hội nghị lấy ý kiến thực hiện Đề án “Phát triển đàn bò thịt chất lượng cao gắn với xây dựng Trung tâm thực nghiệm và chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp và liên kết tiêu thụ sản phẩm”.
Các đại biểu dự hội nghị tham quan mô hình nuôi bò lai tại Trung tâm thực nghiệm và chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp của Công ty Cổ phần nông nghiệp hữu cơ thương mại Quảng Trị – Ảnh: N.B
Ngày 7/10/2024, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2404/QĐ-UBND phê duyệt Đề án: “Phát triển đàn bò thịt chất lượng cao gắn với xây dựng Trung tâm thực nghiệm và chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp và liên kết tiêu thụ sản phẩm”.
Đề án này thực hiện tại Trung tâm thực nghiệm và chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp (gọi tắt là Trung tâm) trực thuộc Công ty Cổ phần nông nghiệp hữu cơ thương mại Quảng Trị (Công ty CPNNHCTM Quảng Trị), tại xã Hải Định, huyện Hải Lăng.
Thời gian thực hiện đề án từ năm 2023 – 2027. Công ty CPNNHCTM Quảng Trị triển khai thực hiện đề án; tổng kinh phí thực hiện đề án hơn 16,6 tỉ đồng từ nguồn vốn tự có của doanh nghiệp và vốn doanh nghiệp vay ngân hàng.
Mục tiêu chung của đề án là thông qua hoạt động của Trung tâm về nuôi thực nghiệm bò sinh sản, bò thịt, mua bán giống, cung cấp dịch vụ về thức ăn, tiêu thụ bò thịt. Cung cấp các thông tin phục vụ các cơ quan chức năng của tỉnh tham khảo trong xây dựng các định hướng, giải pháp phát triển đàn bò thịt và nguồn bò giống chất lượng tốt tại địa phương, góp phần hình thành chuỗi giá trị bò thịt chất lượng cao tại Quảng Trị.
Tổ chức chăn nuôi đàn bò giống do Công ty Cổ phần Giống gia súc Hà Nội (Công ty CPGGS Hà Nội) chuyển giao; tổ chức chăn nuôi thực nghiệm và đề xuất các giải pháp phát triển đàn bê giống và bò thịt chất lượng cao tại địa phương. Triển khai các nghiên cứu, thử nghiệm các cây trồng, vật nuôi khác.
Đại biểu tham gia ý kiến về phát triển đàn bò thịt chất lượng cao – Ảnh: N.B
Tổ chức nuôi thực nghiệm bò cái giống lai Senepol, lai Zebu nuôi sinh sản, bò lai BBB nuôi thịt tại Trung tâm để theo dõi, đánh giá khả năng sinh trưởng, sinh sản và phát triển của đàn bò trong điều kiện chăn nuôi tại Quảng Trị, góp phần phát triển chăn nuôi bò chất lượng cao theo hướng thâm canh, liên kết chuỗi giá trị, tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, sức cạnh tranh cao. Đồng thời, xây dựng Trung tâm trở thành đầu mối tổ chức cung cấp bò giống chất lượng cao và trở thành hạt nhân trong chuỗi liên kết phát triển bò thịt chất lượng cao của tỉnh.
Trên cơ sở đề án được phê duyệt, Công ty CPNNHCTM Quảng Trị đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Sau một thời gian nuôi đàn bò giống do Công ty CPGGS Hà Nội chuyển giao đến nay, đàn bò cái 80 con và 20 con bò thịt (giống F1 BBB) có dấu hiệu phát triển khả quan. Qua nghiên cứu nhiều mô hình chăn nuôi bò trong nước, quốc tế, Công ty CPNNHCTM Quảng Trị dự kiến sẽ chăn nuôi thêm các giống bò mới như: lai bò Senepol, Red Sind, Brahmam với bò BBB từ đàn bê sinh ra tại Trung tâm và mua thêm giống bò lai Charolaise, Red Angus.
Bên cạnh đó, Công ty CPNNHCTM Quảng Trị sẽ tổ chức liên kết xây dựng mô hình chăn nuôi nông hộ; lựa chọn 2 – 3 hộ gia đình để chăn nuôi bò sinh sản giống mới (F1 BBB) và bò thịt lai BBB từ nguồn bê giống của Trung tâm. Nghiên cứu chuyển giao một số bò cái giống tiếp nhận từ Công ty CPGGS Hà Nội cho các hộ gia đình nuôi.
Đồng thời xây dựng định hướng phát triển đàn bò giống chất lượng cao tại Quảng Trị từ chăn nuôi nông hộ, sử dụng đàn bò cái nền tốt (máu lai trên 50%, trọng lượng bò mẹ trưởng thành trên 300kg) như: Brahman, Senepol, Red Angus, Charolaise vì có tầm vóc lớn, phù hợp điều kiện khí hậu, nguồn thức ăn tại chỗ. Mô hình chăn nuôi nông hộ được đề xuất từ 3 – 5 bò cái, kết hợp cả nuôi sinh sản và nuôi bò thịt từ nguồn giống tại chỗ với quy mô 8 – 10 con/ hộ; sử dụng đệm lót sinh học để giải quyết vấn đề môi trường và tạo nguồn phân hữu cơ cho trồng trọt.
Đại biểu dự hội nghị đã tham gia thảo luận, góp ý để thực hiện đề án một cách hiệu quả trong thời gian tới, trong đó tập trung phân tích, đánh giá tính thực tiễn của đề án; việc tận dụng nguyên liệu rơm rạ từ vùng lúa Hải Lăng để làm thức ăn cho bò; giải pháp bảo vệ môi trường, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi bò lai theo mô hình nông hộ cho thanh niên phát triển kinh tế.
Vân Trang
Nguồn: https://baoquangtri.vn/phat-trien-dan-bo-thit-chat-luong-cao-gan-voi-chuyen-giao-ky-thuat-nong-nghiep-lien-ket-tieu-thu-san-pham-189759.htm