Chiều nay 4/11, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch năm 2025 và một số nội dung quan trọng khác.
Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng phát biểu tại Quốc hội chiều ngày 4/11 – Ảnh: NL
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, Ủy viên Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội bày tỏ sự đồng tình với nhiều nội dung trong báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về tình hình kinh tế – xã hội năm 2024 và dự kiến các nhóm giải pháp đưa ra cho năm 2025.
Trong đó, cần ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới. Trong thời gian tới, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm, có giải pháp căn cơ để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phát triển xanh.
Bên cạnh đó, dành nguồn lực đầu tư công giai đoạn 2026 – 2030 xây dựng Đề án chống xâm ngập mặn và Đề án chống sạt lở gắn với di dân tái định cư, ưu tiên đặc biệt cho những vùng bờ sông, bờ biển, vùng núi có nguy cơ sạt lở, ảnh hưởng đến cuộc sống, việc làm và an toàn tính mạng của người dân. “Chúng ta cần có những giải pháp mạnh mẽ từ sớm, từ xa, không thể mỗi đợt thiên tai lại cướp đi sinh mạng hàng trăm, hàng nghìn người như thời gian vừa qua”, đại biểu nhấn mạnh.
Về vấn đề tài sản công, đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo Bộ Tài chính xử lý dứt điểm các trụ sở cơ quan trung ương đóng trên địa bàn địa phương do đã xây mới hoặc chuyển đi nơi khác.
Đại biểu nêu điển hình trụ sở Tòa án nhân dân TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị với diện tích hơn 2000 m2, tọa lạc tại vị trí đắc địa của thành phố đã bị bỏ hoang từ năm 2016 đến nay, mặc dù tỉnh Quảng Trị và Tòa án nhân dân Tối cao đã phối hợp đề nghị Bộ Tài chính cho phép bán đấu giá hoặc chuyển cho địa phương nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm gây lãng phí, tạo dự luận không tốt trong cử tri và Nhân dân.
Về việc thực hiện chủ trương sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, đề nghị Quốc hội cần có đánh giá toàn diện và thực chất vì trong khi ngân sách nhà nước chi gần 70% để trả lương và chi thường xuyên nhưng theo báo cáo của Bộ Nội vụ tại kỳ họp này về sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế thì đã cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra.
Về điểm nghẽn của thể chế, đại biểu nêu tại kỳ họp Quốc hội này, cụm từ được nhắc đến rất nhiều từ phiên khai mạc cho đến các phiên thảo luận: “Thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Quốc hội đã bàn rất nhiều đề xuất từ Chính phủ nhằm tháo gỡ vướng mắc về thể chế trong đó có 5 luật về đầu tư và 7 luật về tài chính, ngân sách.
Theo khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về các luật về đầu tư có nhiều điểm mới đột phá, giải phóng được sức sản xuất, khơi thông được các nguồn lực, nhất là những lĩnh vực mới, đại biểu cho rằng để gỡ được điểm nghẽn thể chế, cần có nhân lực mà nguồn nhân lực cũng đang bị nghẽn. Đồng thời, phản ánh thực trạng nhân lực khu vực công chuyển sang khu vực tư đang diễn ra nhiều, trong đó phần lớn là nhân lực chất lượng cao, việc thu hút nhân tài vào khu vực công cũng gặp khó khăn nhất định, mức lương khởi điểm không đủ thuê nhà ở các thành phố lớn, từ đó có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, vì nhân sự ở khu vực công là nhân sự làm chính sách.
Theo đó, đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng, hiện Chính phủ chưa có đề xuất nào tháo gỡ điểm nghẽn về nguồn nhân lực đang rất khó khăn này và đề nghị nên có chính sách đột phá từ chính khâu này thì mới có thể gỡ được những điểm nghẽn đang cản trở sự phát triển của đất nước.
Nguyễn Lý
Nguồn: https://baoquangtri.vn/dai-bieu-quoc-hoi-ha-sy-dong-tham-gia-thao-luan-ve-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-189485.htm