Nhiều năm qua, Sở Tài Nguyên và Môi trường Quảng Trị cùng các sở, ngành, cơ quan chức năng liên quan đã triển khai các dự án trồng rừng ngập mặn nhằm phát huy tác dụng chắn sóng, bảo vệ đê điều, chống triều cường, xói lở đất, cải thiện môi trường sinh thái, giảm thiểu biến đổi khí hậu, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân ở một số vùng ven biển phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Khi bình minh, khung cảnh ở cù lao Bắc Phước, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong trở nên yên bình, trong lành – Ảnh: N.B
Quảng Trị có vùng bãi ngang và cửa lạch khá rộng lớn phân bổ trải dài theo đường bờ biển khoảng 75 km. Hằng năm, những vùng đất ven biển này thường gánh chịu sự tác động tiêu cực do thiên tai gây ra. Người dân sinh sống ở nơi đây luôn nơm nớp lo âu tình trạng xâm nhập mặn, hạn hán, nước lũ dâng cao cuốn trôi đê điều, tàn phá ruộng đồng, ao hồ, làng mạc. Để giúp người dân nơi đây an tâm sinh sống, tỉnh Quảng Trị đã quan tâm đầu tư xây dựng nhiều tuyến đê biển kiên cố, quy mô và chỉ đạo địa phương đẩy mạnh việc trồng rừng ngập mặn nhằm bảo vệ đê điều, cải thiện môi trường sinh thái, giảm thiểu biến đổi khi hậu.
Khoảng 10 năm trở lại đây, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các sở, ngành, đơn vị liên quan đã tăng cường công tác trồng rừng ngập mặn ở các xã thuộc vùng bãi ngang, cửa lạch trên địa bàn tỉnh. Chỉ tính riêng từ năm 2015- 2021, Sở Tài Nguyên và Môi trường đã triển khai hai dự án trồng rừng ngập mặn quy mô đó là:
Dự án Phục hồi và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn gắn liền với sinh kế bền vững tại khu vực hạ lưu sông Bến Hải, sông Thạch Hãn nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Dự án Xây dựng mô hình rừng ngập mặn tỉnh Quảng Trị. Dự án Phục hồi và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn gắn liền với sinh kế bền vững tại khu vực hạ lưu sông Bến Hải, sông Thạch Hãn nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu được thực hiện từ năm 2015-2020.
Mục tiêu của dự án là trồng và phát triển rừng ngập mặn tại khu vực bãi bồi giúp ổn định vùng bãi, sử dụng đa mục tiêu, nâng cao hiệu quả kinh tế biển; tạo và phục hồi các đai rừng ngập mặn để bảo vệ cho sự phát triển bền vững của các hệ sinh thái ven biển; nâng cao tác dụng chắn sóng bảo vệ đê sông, mở rộng đất đai, bảo vệ sản xuất vùng bãi bồi ngoài đê.
Đồng thời nâng cao nhận thức của người dân về giá trị và tầm quan trọng của trồng rừng bảo vệ, rừng phòng hộ, đặc biệt là tại các vùng xung yếu như đê, kè sông, ven biển ngập triều hướng tới tăng thu nhập cho người dân vùng ven biển. Dự án này được triển khai trên địa bàn các xã Triệu Độ, Triệu Phước, Triệu An (Triệu Phong) và xã Gio Mai, Trung Hải ( Gio Linh) với tổng diện tích 60,01ha rừng ngập mặn (cây bần chua).
Rừng bần chua ở thôn Bắc Phước, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong vào mùa đơm hoa – Ảnh: N.B
Dự án Xây dựng mô hình rừng ngập mặn tỉnh Quảng Trị, được triển khai từ năm 2017-2021 trên địa bàn xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong. Mục tiêu của dự án là trồng mới 1 ha rừng ngập mặn (cây bần chua) nhằm bảo vệ đê, giảm thiểu thiên tai, sạt lở, xâm nhập mặn, bảo vệ sản xuất vùng bãi bồi ngoài đê. Qua đó nâng cao nhận thức về giá trị và tầm quan trọng của trồng rừng cho người dân vùng ven biển.
Sau nhiều năm triển khai dự án trồng rừng ngập mặn, đến nay đã phát huy tác dụng, đem lại hiệu quả, lợi ích thiết thực cho người dân. Bây giờ, dạo quanh một vòng từ xã Triệu Độ đến các xã Triệu Phước, Triệu An rồi ra Gio Mai, Trung Hải sẽ thấy những cánh rừng ngập mặn xanh mướt chạy bao quanh bảo vệ đê điều, ruộng đồng, ao hồ, làng mạc để người dân an tâm sinh sống. Bên cạnh đó, rừng ngập mặn ở các địa phương trên còn tạo ra hệ sinh thái đa dạng khiến không khí trong lành và môi trường sống lý tưởng cho thủy hải sản, các loài chim sinh sống.
Cù lao Bắc Phước là một vùng đất nằm về phía Bắc của xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong, nó được bao quanh bởi hai nhánh sông Hiếu, Thạch Hãn, có tổng diện tích khoảng 4 km2 , với khoảng 330 hộ dân, hơn 1.500 nhân khẩu. Quay ngược lại ba thập niên về trước, cù lao Bắc Phước gắn liền với những bãi sình lầy ngập mặn, người dân nơi đây phải oằn mình gánh chịu sự khắc nghiệt của thiên tai.
Mùa nắng, người dân Bắc Phước phải đối diện với sương muối, xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt, nước sản xuất. Mùa mưa bão, dòng nước lũ từ thượng nguồn ồ ạt đổ về kết hợp với sóng biển, triều cường dâng cao khiến cù lao chìm trong biển nước. Sau mỗi trận lũ, người dân Bắc Phước lại phải huy động nhân công để đắp, vá đê biển, làm lại đường giao thông. Điệp khúc ấy cứ lặp đi, lặp lại từ mùa bão lũ năm này sang năm khác và đất đai giữa cù lao cứ thế trôi dần ra biển cả mênh mông.
Năm 2006, tuyến đê biển ở thôn Bắc Phước được xây dựng hoàn thành với tổng chiều dài 7,8 km và lập tức phát huy được tác dụng chắn sóng, ngăn mặn giữ ngọt, chống lại triều cường, xói lở đất, bảo vệ làng mạc. Để bảo vệ đê biển trước sự tàn phá của thiên nhiên, từ năm 2010-2021, các cơ quan chức năng đã liên tiếp cho trồng cây bần chua bao quanh lấy cù lao Bắc Phước nhằm tạo ra bức tường xanh ngăn sóng dữ.
Đê biển kết hợp với rừng bần chua đã hạn chế gần như tối đa sự tác động của sóng biển, nước lũ, triều cường, tăng cường khả năng lắng đọng phù sa, ngăn mặn giữ ngọt, cải thiện môi trường sinh thái và giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu. Nhờ đó mà việc sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản ở Bắc Phước ngày càng thuận lợi, gần 120 ha đất sản xuất nông nghiệp và trên 150 ha nuôi trồng thủy sản nước lợ luôn đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Hoàng hôn ở rừng bần chua cù lao Bắc Phước – Ảnh: N.B
Từ những năm 2015-2017, khi rừng bần chua ở Bắc Phước bắt đầu vươn lên cao giữa những đầm nuôi thủy sản ven biển, lá và tán cây che chắn được gió Đông từ biển thổi vào thì đàn cò tìm về trú ngụ, sinh sống nơi đây ngày một nhiều. Bên cạnh đó, hệ thống rễ của những cây bần chua là môi trường sống rất lý tưởng của các loài tôm, cá nhỏ. Và mỗi khi thủy triều rút xuống, trong lớp lớp rễ cây bần chua đan xen vào nhau luôn sót lại nhiều sinh vật, phù du, tôm, cá nhỏ. Đó là nguồn thức ăn dồi dào mà thiên nhiên ban tặng cho đàn cò trắng nơi đây.
Dần dần về sau này, đàn cò làm tổ, sinh sản nhanh nên số lượng đã tăng lên hàng nghìn con và luôn được UBND xã Triệu Phước, Ban cán sự thôn, người dân Bắc Phước cùng nhau chung tay bảo vệ. Thời gian gần đây, ở rừng ngập mặn, ngoài đàn cò trắng hàng nghìn con thì còn có rất nhiều loài chim khác cũng tìm về trú ngụ, sinh sống dài lâu như: vạc, cu gáy, diệc, sáo… tạo nên một quần thể sinh học đa dạng, phong phú.
Bên cạnh đó, những năm trở lại đây, rừng ngập mặn ở các xã Triệu Độ, Triệu An (huyện Triệu Phong) và xã Gio Mai, Trung Hải (huyện Gio Linh) cũng đã phát huy tích cực hiệu quả chắn sóng, bồi lắng phù sa, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, đem đến cuộc sống ấm no cho nhiều người dân vùng bãi ngang, cửa lạch…
Nhơn Bốn
Nguồn: https://baoquangtri.vn/trong-rung-ngap-man-cai-thien-moi-truong-sinh-thai-189475.htm