VOV.VN – Bão số 4 đổ bộ vào bờ và nhanh chóng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Cơn bão này không mạnh nhưng cán bộ, nhân dân và những lực lượng nòng cốt ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị – vùng được dự báo là nơi bão đổ bộ trực tiếp đã không chủ quan, thực hiện các phương án phòng tránh từ sớm một cách khẩn trương, quyết liệt.
Ngay khi có dự báo về áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Bình đã chủ động kết nối thông tin liên lạc, kêu gọi tàu thuyền tìm nơi tránh trú, không đi vào vùng nguy hiểm. Chỉ trong 1 ngày từ 18/9 đến 19/9, tất cả tàu cá và ngư dân tỉnh Quảng Bình đã vào bờ neo đậu an toàn. Những ngư dân có tàu đánh bắt gần bờ còn dùng xe cẩu kéo tàu lên bờ, đưa về nhà bảo quản.
Ngay lúc đó, các đồn Biên phòng tuyến biển tại Quảng Bình luôn theo dõi chặt chẽ hải trình, nhật ký các tàu cá để kịp thời liên lạc, hỗ trợ ngư dân. Cán bộ, chiến sĩ các đồn được chia thành nhiều tổ công tác giúp ngư dân sắp xếp, hướng dẫn tàu cá vào nơi neo đậu an toàn, thực hiện nghiêm túc lệnh cấm biển. Tiếp đó, bộ đội hỗ trợ nhân dân ở các vùng biển bãi ngang đưa thuyền lên bờ cao tránh gió và triều cường, tổ chức chằng buộc, gia cố, bảo đảm an toàn cho các bốt tại trạm kiểm soát biên phòng, nhà dân ven biển.
Ông Nguyễn Trường Lâm, ở thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới cho biết, người dân vốn quen với gió bão nhưng không ai dám chủ quan trong ứng phó nên việc kéo thuyền lên cao, cột lại nhà cửa đã được thực hiện từ sớm. “Mỗi lần nghe bão vào gần bờ cách khoảng 300km- 400km là người dân ở đây đều khẩn trương di dời. Công điện của tỉnh gửi xuống cấp thành phố đều triển khai nghiêm túc, cán bộ ở xã phát loa thông báo kêu gọi bà con, trước mắt giữ an toàn tài sản sau đó giằng chống nhà cửa và di dời để đảm bảo an toàn người và tài sản. Năm nào cứ nghe bão vào là người dân ở khu vực cửa sông Nhật Lệ này đều lo ứng phó, di dời, không ai dám ở lại trên cửa sông này”.
Dự báo hoàn lưu của bão số 4 sẽ gây ra mưa lớn, các đồn Biên phòng trên tuyến biên giới tại tỉnh Quảng Bình đã rà soát, nắm tình hình, kịp thời phát hiện các điểm có nguy cơ sạt lở, lũ quét, ngập sâu để cảnh báo bà con di dời. Cùng với tuyên truyền, hướng dẫn bà con thực hiện phương án “4 tại chỗ”, các đồn Biên phòng cũng chủ động chuẩn bị nguồn lương thực, thực phẩm thiết yếu để trong trường hợp khẩn cấp sẽ sơ tán bà con đến ở tại các đồn, trạm Kiểm soát Biên phòng.
Trước bão, tỉnh Quảng Bình đã rà soát, phát hiện 164 điểm sạt lở và nguy cơ sạt lở núi, khu dân cư, bờ sông, biển trên toàn tỉnh. Trong số này, vị trí sạt lở nghiêm trọng ở khu vực sườn núi Cây Sường, thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình rất dễ xảy ra thảm họa sạt lở vùi lấp khi có mưa lớn. Khi hoàn lưu của bão gây mưa lớn tại tỉnh Quảng Bình, chính quyền địa phương đã quyết liệt di dời người dân ở khu vực này đến địa điểm an toàn. Các công tác chuẩn bị về lương thực, thực phẩm đề phòng mưa lớn dài ngày rất chu đáo, đầy đủ. UBND tỉnh Quảng Bình cũng ra công điện khẩn, yêu cầu huyện Minh Hóa khẩn trương thực hiện việc di dời dân vùng nguy hiểm sạt lở đất núi vùng nguy hiểm.
Mặt khác, tỉnh Quảng Bình còn yêu cầu cưỡng chế đối với các trường hợp không tuân thủ chỉ đạo về phòng chống thiên tai, kiểm điểm những cán bộ, đảng viên không chấp hành, thiếu gương mẫu trước nhân dân trong công tác ứng phó. Bà Cao Thị Hoa Nguyệt, tổ trưởng tổ dân phố 8, thị trấn Quy Đạt thông tin: “Vào mùa mưa thì cán bộ tổ dân phố, cấp ủy, chính quyền, mặt trận xuống cơ sở túc trực, có phương án di dời bà con ở đây đến trụ sở UBND xã cũ, tại đó có nhà 2 tầng để phục vụ bà con tạm trú. Tình hình cứ mùa mưa mà có sạt lở như thế này là rất nguy hiểm cho bà con”.
Tại tỉnh Quảng Bình, ngoài lực lượng nòng cốt là Quân đội, Biên phòng và Công an, địa phương thành lập đội xung kích phòng chống thiên tai với hơn 12.000 người tại 151 xã, phường thị trấn. Các lực lượng này có nhiệm vụ sơ tán người, phương tiện, tài sản, cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội theo sự điều động của người có thẩm quyền.
Trong khi đó, tại nhiều vùng nông thôn Quảng Trị, trước đây, đời sống người dân còn khó khăn, đa số bà con làm nhà rường mái ngói hoặc nhà cấp 4 lợp tôn tạm bợ. Vì vậy, gần như nhà nào cũng làm cái đôn, bồ hoặc sập đựng lúa. Đặc biệt là cái đôn (chồ) làm bằng gỗ, hình vuông, cao 2 mét, rộng khoảng 2 mét rất vững chãi. Cái đôn này dùng để đựng lúa nhưng khi có bão lớn, cả gia đình ngồi vào trong đó trú tránh bão, cho dù bão có làm sập nhà tốc mái thì mọi người vẫn an toàn.
Trường hợp nhà không có đôn đựng lúa thì bà con đóng một cái phản gỗ nằm ngủ. Khi có gió bão, bà con chui xuống lót chiếu nằm dưới tấm phản gỗ, dù nhà có sập, tốc mái, bà con vẫn an toàn, vì tấm phản gỗ rất chắc chắn. Bây giờ, kinh tế phát triển, đời sống bà con khá lên, nhiều người làm nhà kiên cố để tránh bão nhưng nhiều nhà ở vùng nông thôn vẫn còn giữ cái đôn, sập, bồ đựng lúa, rất hữu ích mỗi khi xảy ra bão.
Còn đối với người dân ở vùng thấp lụt, bà con còn làm thêm các rầm, tra ngay chính căn giữa căn nhà rường. Và nhà nào cũng có một chiếc thuyền nan nhỏ. Trên các rầm, tra đó, bà con trữ lương lực, thức ăn khô như muối vừng, mắm, khoai lang luộc, củi khô, dầu hỏa, bếp (để trong một cái thau nhôm) và một số dụng cụ như rựa, búa, đèn pin…
Mỗi lần lụt ngập nhà, bà con di chuyển lên ngồi trên rầm, tra để tránh. Nhờ chủ động chuẩn bị lương thực trước nên bà con có thể nấu ăn trong vòng 5 đến 7 ngày chờ nước lũ rút. Ông Trịnh Đình Châu ở xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị cho rằng, kinh nghiệm này đã giúp bà con hạn chế thiệt hại rất đáng kể khi bão lũ xảy ra. “Mỗi lần bão vào, chúng tôi đưa cả gia đình vào trong chồ đựng lúa để ngồi và có thêm những chiếc phản. Nếu gió to gây sập nhà thì chồ đựng lúa bằng gỗ vẫn có thể giữ được an toàn tính mạng con người. Ở đây vào năm 1985 có bão lớn, nhiều nhà sập, tốc mái, có nhà sập nhưng may có phản gỗ, chồ đựng lúa đó 4 5 người ngồi trong đó, tường sập vào nhưng chồ, phản gỗ đó vẫn giúp giữ được tính mạng con người”.
Ứng phó với bão số 4 vừa qua, lãnh đạo các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình đã chia thành nhiều tổ công tác trực tiếp xuống các địa phương kiểm tra tình hình và chỉ đạo công tác phòng tránh thiên tai. Các tỉnh đặc biệt lưu ý về công tác sơ tán dân ở các vùng xung yếu, vùng nguy cơ ngập lũ, sạt lở ở vùng miền núi. Những nơi người dân có tâm lý chủ quan, chưa muốn sơ tán đến nơi ở tạm tránh mưa bão thì lực lượng chức năng vận động, thậm chí cưỡng chế di dời để đảm bảo an toàn tính mạng con người.
Dù bão số 4 không mạnh nhưng 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị đã sơ tán di dời hàng ngàn hộ dân ở vùng nguy hiểm. Công tác phòng tránh tuân thủ theo các kịch bản phòng chống thiên tai, ứng phó linh hoạt theo từng cấp độ thiên tai, đồng bộ từ miền núi đến đồng bằng, ven biển. Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, công tác ứng phó phải thực hiện từ sớm khi bão còn ngoài khơi, công tác chỉ đạo phải sát thực tế và quyết liệt thì mới giảm thiểu được thiệt hại do thiên tai. “Những vùng có nguy cơ sạt lở đất lũ ống, lũ quét thì chính quyền địa phương phải tìm những địa điểm để di dời dân, rồi các khu vực nhà dân mà đảm bảo an toàn. Và tuyên tuyền cho người dân sẵn sàng khi có lệnh thì phải di dời về nơi tránh trú bão an toàn. Biện pháp di dời là phải dứt khoát, những hộ dân nào mà không châp hành thì phải cưỡng chế”.
VOV.vn
Nguồn: https://vov.vn/xa-hoi/kinh-nghiem-ung-pho-bao-so-4-khong-chu-quan-va-quyet-liet-phong-tu-som-post1122858.vov