(Chinhphu.vn) – Dự báo trong ngày 17/9, áp thấp nhiệt đới sẽ đi vào Biển Đông trở thành cơn bão số 4. Bộ NNPTNN đã ban hành công điện chỉ đạo chủ động ứng phó.
Dự báo vị trí và đường đi của áp thấp nhiệt đới (bão số 4). Ảnh NCHMF
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: Ngày 16/9, một áp thấp nhiệt đới đang hoạt động trên vùng biển phía Đông đảo Lu Dông (Philippinnes).
Hồi 07 giờ ngày 17/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,9 độ Vĩ Bắc; 120,9 độ Kinh Đông, trên đất liền đảo Lu Dông (Philippin).
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-61km/h), giật cấp 9; di chuyển chủ yếu theo hướng Tây khoảng 15-20km/h.
Dự báo diễn biến áp thấp nhiệt đới (trong 24 đến 48 giờ tới)
Thời điểm dự báo | Hướng, tốc độ | Vị trí | Cường độ | Vùng nguy hiểm | Cấp độ rủi ro thiên tai (Khu vực chịu ảnh hưởng) |
07h/18/9 | Tây Tây Nam, khoảng 25km/h, di chuyển vào Biển Đông, mạnh lên thành bão | 16,5 N-115,0E; trên khu vực Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 270km về phía Đông | Cấp 8, giật cấp 10 | 15,0N-19,0N; phía Đông kinh tuyến 113.5E | Cấp 3: khu vực Bắc Biển Đông |
07h/19/9 | Tây, 15-20km/h | 16,5N-111,0E; trên khu vực phía Tây quần đảo Hoàng Sa | Cấp 9, giật cấp 10 | 15,0N-19,0N; 109,5E-117,0E | Cấp 3: khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm khu vực quần đảo Hoàng Sa) |
Cảnh báo diễn biến bão (từ 48 đến 72 giờ tới)
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km.
Dự báo tác động
Trên biển: Vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8 (62-74km/h), giật cấp 10 (89-102km/h), biển động mạnh.
Nước dâng, sóng lớn: Vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông sóng biển cao 2,0-4,0m, từ chiều ngày 17/9 tăng lên 3,0-5,0m.
Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn.
Ở Huyền Trân có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8-9; ở vùng biển phía Tây khu vực Nam Biển Đông (Bao gồm vùng vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6, có lúc cấp 7; Trường Sa có gió giật cấp 7.
Hiện nay (17/9), dải hội tụ nhiệt đới có trục ở khoảng 15-18 độ Vĩ Bắc nối với áp thấp nhiệt đới hồi 01h ngày 17/9 có vị trí ở khoảng 17.0 độ Vĩ Bắc, 122.0 độ Kinh Đông; kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh đang gây mưa rào và dông ở vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông, khu vực Giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau.
Dự báo diễn biến trong 24h tới:
Thời điểm dự báo | Vùng biển ảnh hưởng | Gió mạnh | Độ cao sóng | ||
Cấp gió
(cấp Bô-pho) |
Hướng | Độ cao (mét) | Hướng | ||
Ngày và đêm 17/9 | Từ Ninh Thuận đến Cà Mau; phía Nam của khu vực Giữa Biển Đông, khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) | Cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9. Biển động mạnh. | Tây Nam | 2,0-5,0 | Tây Nam |
Từ Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan | Cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8. Biển động. | Tây Nam | 2,0-3,0m | Tây Nam | |
Phía Đông của khu vực vực Bắc Biển Đông | Cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10. Biển động mạnh. | Nhiều hướng | 2,0-5,0 | Nhiều hướng |
Ngoài ra, ngày và đêm 17/9, ở vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan, khu vực Bắc, Giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) có mưa rào và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7-8.
Hiện nay, mực nước triều tại khu vực ven biển phía Tây của Nam Bộ đang ở mức cao, cần đề phòng mực nước dâng bất thường gây sạt lở đê biển.
Cảnh báo, ngày và đêm 18/9:
– Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 10; biển động mạnh; sóng biển cao 3,0-5,0m.
– Vùng biển phía Bắc khu vực Giữa Biển Đông có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; biển động mạnh; sóng biển cao 3,0-5,0m.
– Vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau, vùng biển phía Nam của khu vực Giữa Biển Đông và khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9; biển động mạnh; sóng biển cao 2,0-5,0m.
– Vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang và Vịnh Thái Lan có gió Tây Nam cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8; biển động; sóng biển cao từ 2,0-3,0m.
Cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển: cấp 2.
Dự báo tác động: Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên các khu vực trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của lốc xoáy, gió mạnh và sóng lớn.
Từ khoảng đêm 20-23/9 có khả năng xuất hiện mưa lớn trên diện rộng
Nhận định hình thế thời tiết từ đêm 18/09 đến ngày 26/09 (biến đổi thời tiết từ 3-10 ngày):
– Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ: từ khoảng đêm 20-23/9 có khả năng xuất hiện mưa lớn trên diện rộng.
– Khu vực Trung và Nam Trung Bộ: có mưa rào và dông rải rác (mưa tập trung vào chiều tối và đêm).
– Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ: có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to đến khoảng ngày 19/9; sau có mưa rào và rải rác có dông, cục bộ có nơi mưa to (thời gian mưa tập trung vào chiều và đêm).
Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Khả năng tác động đến môi trường, điều kiện sống, cơ sở hạ tầng, các hoạt động kinh tế-xã hội
– Mưa lớn và mưa lớn cục bộ có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp. Đề phòng mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị.
– Mưa dông kèm theo các hiện tượng lốc, sét và gió giật mạnh có thể gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng.
Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 4 với 2 kịch bản đổ bộ
Nhận định về diễn biến áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông trên TTXVN, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Nguyễn Văn Hưởng cho biết, khoảng sáng 17/9, áp thấp nhiệt đới đi vào Biển Đông và ngày 18/9 mạnh lên thành bão (bão số 4) với sức gió mạnh cấp 8 khi di chuyển đến vùng biển giữa Biển Đông (khu vực Hoàng Sa).
Đối với bão số 4 có thể xảy ra 2 kịch bản.
Kịch bản thứ nhất: Bão có khả năng di chuyển về phía khu vực Trung Trung Bộ. Nếu diễn ra theo kịch bản này thì tác động của bão đối với khu vực trên sẽ có thể sớm hơn từ 1-2 ngày (khoảng ngày 19-20/9).
Kịch bản thứ hai: Bão đổi hướng và di chuyển theo hướng Tây Bắc đi về phía khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Nếu diễn ra theo kịch bản này thì tác động của bão đến đất liền sẽ vào cuối tuần này.
Đề cập đến các lưu ý đối với cơn bão này, ông Nguyễn Văn Hưởng cho biết, trước mắt cần chú ý về khả năng tác động của gió mạnh, sóng lớn trên khu vực phía Đông của khu vực Bắc của Biển Đông (phía Đông kinh tuyến 114; phía Bắc vĩ tuyến 14).
Theo đó, từ sáng 17/9, vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông có mưa rào, dông mạnh, gió mạnh cấp 7 (50-61km/h), giật cấp 9 (75-88km/h), biển động.
Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn.
Đối với việc ảnh hưởng của bão đến đất liền, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến tác động của bão vì nhiều khả năng bão sẽ có những thay đổi sau khi vào Biển Đông.
Bão số 4 có mạnh như siêu bão YAGI – bão số 3?
Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, vị trí hình thành của cơn áp thấp nhiệt đới hiện nay khá giống với siêu bão YAGI – bão số 3 (cùng ở khu vực phía Đông của đảo Luzon – Philippines).
Tuy nhiên, điều kiện môi trường hiện nay không được thuận lợi như cơn bão số 3 (YAGI) mà nó phải chia sẻ lượng ẩm với cơn bão Pulasan (đang hoạt động ở Tây Bắc Thái Bình Dương) vì thế khi vào Biển Đông, áp thấp nhiệt đới không mạnh ngay thành bão mà phải mất khoảng 1-2 ngày hoàn thiện cấu trúc để có thể phát triển thành bão.
Ngoài chịu tương tác với cơn bão Pulasan (đang hoạt động ở Tây Bắc Thái Bình Dương); khi vào Biển Đông trường dòng dẫn quy mô lớn từ áp cao cận nhiệt đới cũng đang có biến động nhiều.
Ngoài ra, vào khoảng sau ngày 19/9 còn có khả năng có khối không khí lạnh nhẹ đầu mùa từ phía Bắc di chuyển xuống, tất cả những điều kiện khí quyển hiện tại và tương lai khiến cho đường đi của áp thấp nhiệt đới, sau sẽ là cơn bão sẽ phức tạp hơn nhiều so với siêu bão YAGI.
“Tất cả các mô hình dự báo hiện tại của Việt Nam và quốc tế đều thống nhất cường độ của cơn bão này sẽ không mạnh như bão YAGI”, ông Nguyễn Văn Hưởng nhấn mạnh.
Theo dõi chặt chẽ, chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới
Theo TTXVN, ngày 16/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Công điện số 6851/CĐ-BNN-ĐĐ gửi UBND các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận; các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao; Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam chỉ đạo theo dõi chặt chẽ, chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới.
-
Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 4 với 2 kịch bản đổ bộĐỌC NGAY
Cụ thể, để chủ động ứng phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các bộ, ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới.
Quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Các bộ, ngành, địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu, đồng thời tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai).
Hệ thống Đài thông tin duyên hải và các cơ quan thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương tăng cường các biện pháp thông tin về diễn biến của áp thấp nhiệt đới đến các cấp chính quyền, chủ các phương tiện hoạt động trên biển và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó.
Cuối tháng 9, Biển Đông sẽ xuất hiện 1-2 cơn bão; cảnh báo mưa lũ dồn dập ở miền Trung
Dự báo về tình hình thời tiết thời gian tới, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho biết, thời tiết Bắc Bộ trong 7 ngày tới chủ yếu ít mưa, ngày nắng gián đoạn.
Từ nay đến hết ngày 17/9, khu vực Bắc Bộ trong đó trọng tâm là các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Quảng Ninh và Hải Phòng có mưa vừa, lượng mưa phổ biến 10-30mm/ngày, cục bộ có mưa to trên 50mm/ngày.
Từ nay đến hết tháng 9 trên khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện 1-2 cơn bão (khả năng tập trung vào 10 ngày cuối tháng 9) và có thể ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Cảnh báo có nguy cơ cao xảy ra mưa lũ dồn dập ở Trung Bộ trong thời kỳ mưa lũ tháng 10-11/2024.
Chinhphu.vn
Nguồn: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/tin-ap-thap-nhiet-doi-119240916115814904.htm