Trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều thách thức về ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên… thì việc phát triển kinh tế tuần hoàn được xác định là giải pháp tối ưu để hướng đến một nền kinh tế xanh, phát triển bền vững. Tuy nhiên, việc chuyển đổi các mô hình kinh tế hiện tại thành kinh tế tuần hoàn là thách thức lớn đối với tỉnh Quảng Trị.
Taxi điện được đưa vào hoạt động phục vụ vận tải hành khách ở Quảng Trị trong năm 2024 góp phần bảo vệ môi trường -Ảnh: T.N
Hiện nay, tỉnh Quảng Trị chưa có mô hình kinh tế tuần hoàn mà đang trong giai đoạn triển khai, áp dụng các tiêu chí của kinh tế tuần hoàn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và công tác quản lý môi trường, hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, thực hiện Quyết định 687/QĐ-TTg ngày 7/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã lồng ghép các mục tiêu về kinh tế tuần hoàn vào quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm và hàng năm; thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng thích ứng, chống chịu của nền kinh tế. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn nhận thức rõ hơn và bắt đầu áp dụng các giải pháp về sản xuất sạch nhằm giảm mức phát sinh chất thải, tiết kiệm tài nguyên, chi phí sản xuất.
Đề án định hướng thu hút đầu tư vào Quảng Trị giai đoạn 2023 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của UBND tỉnh ưu tiên khuyến khích thu hút đầu tư các dự án liên quan đến kinh tế tuần hoàn.
Theo đó, tỉnh tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xúc tiến các dự án đầu tư nước ngoài đáp ứng tiêu chí kinh tế tuần hoàn, trong đó chú trọng dự án có tính chất liên kết vùng gắn với chống biến đổi khí hậu, phát triển năng lượng tái tạo.
Hiện Quảng Trị có 20 dự án điện gió với công suất 742,2 MW, 3 dự án điện mặt trời với công suất 119,6 MW đang hoạt động. Đây là nguồn năng lượng sạch, hạn chế phát thải carbon và các chất gây ô nhiễm môi trường.
Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Hệ thống tuần hoàn áp dụng các quy trình tái sử dụng tạo ra các vòng khép kín (phế thải của một quy trình sản xuất này là nguyên, vật liệu của một quy trình sản xuất khác), từ đó giảm đến mức thấp nhất số lượng tài nguyên sử dụng đầu vào, phế thải tạo ra cũng như mức độ ô nhiễm môi trường. |
Quảng Trị đang tích cực lồng ghép các nội dung tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu vào các đồ án quy hoạch, các dự án đầu tư xây dựng; thí điểm sử dụng phương tiện bốn bánh chạy bằng điện để vận chuyển khách du lịch ở huyện đảo Cồn Cỏ.
Tỉnh chỉ đạo các cơ sở đăng kiểm xe cơ giới trên địa bàn thực hiện việc kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường với phương tiện theo đúng quy định của pháp luật; thông qua công tác đăng kiểm tổ chức tuyên truyền đến lái xe, chủ xe sử dụng xăng sinh học E5 nhằm góp phần bảo vệ môi trường.
Thực hiện lộ trình thay thế dần các phương tiện taxi sử dụng nhiên liệu hóa thạch truyền thống, năm 2024, Sở Giao thông vận tải đã hỗ trợ pháp lý cấp phép kinh doanh vận tải hành khách đường bộ cho hơn 200 xe taxi sử dụng năng lượng điện của Công ty Cổ phần Di chuyển Xanh và thông minh GSM chi nhánh Quảng Trị.
Tuy đạt được một số kết quả bước đầu nhưng theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, hầu hết doanh nghiệp trên địa bàn đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc đầu tư cho nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ cũng như năng lực để hấp thụ công nghệ mới hạn chế.
Quy mô sản xuất của các doanh nghiệp nhỏ, phần lớn được phát triển từ hộ gia đình nên gặp khó khăn về mô hình quản trị, không thể tự mình vận hành đầy đủ các hoạt động có tính chu kỳ của mô hình kinh tế tuần hoàn mà cần có sự hợp tác của nhiều doanh nghiệp lại với nhau để tạo thành một mô hình có quy mô lớn.
Trong khi đó, công tác phối hợp trong tư vấn, chuyển giao công nghệ trên địa bàn chưa phát triển. Tỉnh Quảng Trị thiếu các tổ chức trung gian thực hiện việc chuyển giao công nghệ trên các lĩnh vực; thiếu sự kết nối giữa các nhà khoa học, các viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp cũng như sự liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau. Các dự án đầu tư xanh đều cần thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường cao nên khó được tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi, khó thu hút doanh nghiệp tham gia.
Để hướng tới chuyển đổi, xây dựng các mô hình kinh tế tuần hoàn, bên cạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp và người dân, cơ quan chuyên môn cần tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu, vướng mắc của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác đầu tư công nghệ sạch để có biện pháp hỗ trợ hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ kịp thời.
Có chính sách thu hút, mời gọi các dự án đầu tư trong và ngoài nước đáp ứng tiêu chí kinh tế tuần hoàn; triển khai các nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ thân thiện với môi trường vào các ngành nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ liên quan.
Ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tiếp cận, áp dụng quy trình công nghệ, chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng kinh tế tuần hoàn.
Đẩy mạnh việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh, đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển đô thị thông minh.
Thực hiện giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng giao thông xanh; khuyến khích các loại phương tiện sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm, hiệu quả và công nghệ thân thiện với môi trường.
Thủy Ngọc
Nguồn: https://baoquangtri.vn/can-co-lo-trinh-thuc-day-phat-trien-kinh-te-tuan-hoan-188008.htm