Sáng nay 18/7, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Nguyễn Đăng Quang chủ trì phiên làm việc để thông qua dự thảo báo cáo về kiểm tra việc thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong tham mưu công tác quản lý, cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh đối với Sở Tài nguyên – Môi trường. Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Phan Văn Phụng tham dự.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang phát biểu kết luận phiên họp – Ảnh: Lê Minh
Dự thảo báo cáo kiểm tra nêu rõ: Qua kiểm tra, trong giai đoạn 2021 – 2023, chưa phát hiện có hành vi tham nhũng, tiêu cực trong tham mưu công tác quản lý, cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu thông thường đối với Sở Tài nguyên – Môi trường.
Bên cạnh đó, sở thực hiện tốt công tác cải cách hành chính; công khai, minh bạch trong quy trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân. Kịp thời thẩm định, trình UBND tỉnh quyết định cho thuê đất các dự án khai thác khoáng sản. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý hoạt động khoáng sản trung ương từ khâu quy hoạch, cấp phép, thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản (hoạt động khoáng sản). Từ đó, hoạt động khoáng sản ngày càng đi vào nền nếp, đóng góp vào ngân sách nhà nước 284,081 tỉ đồng.
Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Phan Văn Phụng phát biểu tại phiên họp – Ảnh: Lê Minh
Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động khoáng sản vẫn còn những tồn tại, hạn chế như việc phổ biến, quán triệt một số quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có lúc chưa đầy đủ, kịp thời; chưa tổ chức kiểm tra, giám sát chuyên đề trong đảng bộ cơ sở.
Công tác tham mưu về khoáng sản cho UBND tỉnh chưa đáp ứng nhu cầu phát triển KT – XH của địa phương tại một số thời điểm. Vẫn còn một số sai sót về đối tượng tham gia đấu giá quyền khai thác. Chưa kịp thời rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; chưa rà soát, đánh giá các yếu tố ảnh hưởng để xác định diện tích cụ thể khi đưa khu mỏ ra đấu giá đối với một số mỏ.
Thiếu đánh giá nguồn vật liệu đất đắp khi đề xuất UBND tỉnh bãi bỏ Quyết định số 27/2014/QĐ-UBND ngày 20/6/2014, làm ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu đất đắp cho các công trình, dự án trên địa bàn. Một số trường hợp đề xuất cấp phép không phù hợp tiến độ thực hiện dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Chậm làm thủ tục đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường đối với một số mỏ đã hết thời hạn theo giấy phép; một số trường hợp giải quyết hồ sơ chậm so với quy định. Công tác xác minh, giải quyết thông tin do báo chí phản ánh còn chậm; tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn vẫn còn xảy ra; hoạt động chế biến sâu khoáng sản còn hạn chế so với mục tiêu đề ra.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Trần Văn Quảng làm rõ một số nội dung tại phiên họp – Ảnh: Lê Minh
Nguyên nhân về khách quan là do quy định pháp luật về khoáng sản và các lĩnh vực có liên quan còn chồng chéo, bất cập. Về chủ quan, công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương ở một số nơi, thời điểm thiếu chặt chẽ.
Từ đó, đề nghị Sở Tài nguyên – Môi trường sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế; phát huy những mặt tích cực trong công tác tham mưu hoạt động khoáng sản nhằm phát huy tốt đa giá trị khoáng sản phục vụ phát triển KT – XH.
Phát biểu kết luận, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang đánh giá cao nỗ lực của Sở Tài nguyên – Môi trường trong công tác quản lý, cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, chia sẻ những khó khăn của ngành khi quản lý nhiều lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm.
Bên cạnh đó cho rằng, thời gian qua, các cơ quan chức năng chưa đánh giá đầy đủ tiềm năng, thế mạnh về khoáng sản của Quảng Trị để phát huy giá trị trong chiến lược phát triển của tỉnh; việc thay đổi pháp luật khiến địa phương phản ứng chậm trong công tác tham mưu lĩnh vực khoáng sản; công tác quy hoạch các mỏ khoáng sản chưa đạt so với yêu cầu đề ra, đặc biệt là các mỏ đất làm vật liệu san lấp và không đồng bộ đối với các quy hoạch khác.
Đề nghị Sở Tài nguyên – Môi trường sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế đã chỉ ra. Đồng thời, trong thời gian tới phải rà soát lại các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để đề xuất các giải pháp về bảo vệ, khai thác tài nguyên khoáng sản nhằm phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của tỉnh. Kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền về giải pháp trong hoạt động đấu giá, khai thác nguồn vật liệu đất đắp, nhằm phục vụ tốt yêu cầu về tiến độ của các công trình, dự án trọng điểm.
Tham mưu xây dựng cơ chế phối hợp phân cấp trong quản lý tài nguyên, khoáng sản. Tăng cường công tác quản lý đối với nguồn vật liệu đất đắp từ việc hạ độ cao; quản lý tốt khoáng sản để thúc đẩy phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến sâu khoáng sản. Hoạt động khai thác tài nguyên phải đảm bảo sự an toàn tối đa của người dân.
Lê Minh
Nguồn: https://baoquangtri.vn/bao-ve-khai-thac-tot-tai-nguyen-khoang-san-de-dap-ung-yeu-cau-phat-trien-ben-vung-cua-tinh-quang-tri-186995.htm