Trước diễn biến sạt lở bờ sông, bờ biển trong những năm qua, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành đề án ứng phó tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến năm 2030 với các nhóm, các giải pháp phù hợp, có sự sắp xếp thứ tự ưu tiên theo mức độ nguy hiểm và theo từng giai đoạn.
Kè biển Vịnh Mốc, xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh được sửa chữa, tạo sự yên tâm cho người dân sinh sống dọc bờ biển -Ảnh: L.A
Trên cơ sở đó, tập trung nghiên cứu, điều tra, đánh giá thực trạng; phân tích nguyên nhân, lựa chọn các giải pháp cụ thể cho từng giai đoạn, từng khu vực đảm bảo tính khả thi, đồng bộ và bền vững nhằm xử lý triệt để, hiệu quả đối với tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển, giảm thiểu tối đa thiệt hại và ổn định đời sống Nhân dân lâu dài trước tình hình biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng phức tạp.
Cụ thể, từ năm 20218 đến nay, mặc dù trong điều kiện ngân sách tỉnh còn hạn chế nhưng đã huy động nguồn lực đầu tư xây dựng hơn 66 km kè chống sạt lở dọc bờ sông, bờ biển, kết hợp phục vụ nhu cầu giao thông dân sinh, cải tạo môi sinh, môi trường, chỉnh trang đô thị phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương, với tổng kinh phí hơn 872 tỉ đồng.
Như các công trình: kè chống xói lở bờ sông Ô Lâu, kè chống xói lở khẩn cấp thượng lưu hai bờ sông Thác Ma, huyện Hải Lăng với chiều dài gần 9,3 km, tổng kinh phí hơn 82,1 tỉ đồng; kè bờ sông Hiếu đoạn qua xã Cam Thủy, xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ với chiều dài 926 m, kinh phí hơn 11,6 tỉ đồng; kè chống sạt lở khẩn cấp bờ sông Thạch Hãn đoạn tiếp giáp tuyến đường ĐH40a, xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong với chiều dài 634 m, kinh phí 7 tỉ đồng; sửa chữa, khắc phục khẩn cấp đê tả Bến Hải với chiều dài 382 m, kinh phí 2,3 tỉ đồng.
Đối với công trình bảo vệ bờ biển, đã hoàn thành một số dự án như: sửa chữa khẩn cấp kè biển Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch ( nay là xã Kim Thạch), huyện Vĩnh Linh với tổng chiều dài hơn 1,8 km, kinh phí 67 tỉ đồng; khắc phục sạt lở đê biển Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh với chiều dài 10 km, kinh phí 50 tỉ đồng…
Tiến hành nạo vét khơi thông dòng chảy tại một số trục tiêu thuộc các sông bị bồi lấp như sông Cánh Hòm, sông Vĩnh Định. Ngoài ra còn trồng cây chắn sóng bảo vệ bờ với diện tích hơn 70 ha dọc các tuyến đê cửa sông và đê biển gồm: đê hữu Thạch Hãn, đê tả Thạch Hãn, đê Vĩnh Thái, đê tả Bến Hải, đê hữu Bến Hải.
Nhìn chung, công tác xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển trong thời gian vừa qua đã mang lại những kết quả tích cực, việc đầu tư các công trình đảm bảo xử lý kịp thời tại một số khu vực đặc biệt nguy hiểm, bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhân dân và Nhà nước; nhiều giải pháp phi công trình được triển khai đã góp phần nâng cao năng lực và thay đổi ý thức của cộng đồng trong công tác phòng, chống thiên tai nói chung và ứng phó sạt lở, bờ sông, bờ biển nói riêng; tạo tâm lý ổn định cho người dân sinh sống dọc bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh.
Theo rà soát của Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 133,42 km chiều dài sạt lở bờ sông, bờ biển chưa được khắc phục, xử lý, bao gồm 26,96 km sạt lở đặc biệt nguy hiểm, 72,97 km sạt lở nguy hiểm, 33,49 km sạt lở bình thường.
Trong đó, đối với sạt lở bờ sông hầu như phát triển liên tục hai bên bờ các sông chính gồm hệ thống các sông Thạch Hãn, Bến Hải, Thác Ma – Ô Lâu. Tuỳ theo địa chất mà tốc độ xói lở bờ khác nhau, nơi thấp nhất từ 1 – 2 m/năm như bờ tả, hữu sông Thác Ma – Ô Lâu, sông Nhùng; nơi cao nhất từ 10 m – 15 m/năm như bờ tả, hữu các sông: Thạch Hãn, sông Hiếu, Bến Hải. Sạt lở bờ sông đã xâm thực sâu vào đất thổ cư và đất canh tác. Một số nơi đã phải di dời nhà ở như các xã: Triệu Long, Triệu Giang, huyện Triệu Phong; Hải Lệ, thị xã Quảng Trị.
Sạt lở bờ sông còn làm ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân tại các khu dân cư thuộc các huyện, thị xã, thành phố có người dân sinh sống hai bên bờ sông với tổng số hộ sống trong vùng bị ảnh hưởng hơn 4.520 hộ. Trong đó, số hộ hiện đang sống trong vùng thực sự nguy hiểm, cách mép sông dưới 20m là khoảng 800 hộ.
Đối với sạt lở bờ biển hằng năm vào mùa mưa bão, thực trạng biển lấn, sóng vỗ gây sạt lở bờ ảnh hưởng đến nhiều khu dân cư ven biển như đoạn qua xã Triệu Lăng, Triệu Vân, huyện Triệu Phong; đoạn qua các xã Trung Giang, Trung Hải, huyện Gio Linh bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng, cuốn trôi các lều quán kinh doanh dọc bờ biển, nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến đất thổ cư và tuyến đường quốc phòng ven biển…
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hồ Xuân Hòe, để ứng phó với tình hình sạt lở đảm bảo lâu dài, hiệu quả, thời gian tới, các sở, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của các tổ chức, cộng đồng và người dân về phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển để các tổ chức, cá nhân tự giác chấp hành.
Kiểm tra và xử lý quyết liệt, kịp thời các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ, sử dụng lòng, bờ, bãi sông và bờ biển, đặc biệt là các hoạt động xây dựng nhà ở, công trình ven sông, trên sông và khai thác cát, sỏi trái phép ở lòng sông, ven biển làm gia tăng nguy cơ sạt lở bờ sông, bờ biển. Quản lý chặt chẽ việc sử dụng và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn gắn với ổn định sinh kế của người dân nhằm hạn chế làm suy thoái rừng ngập mặn ven biển.
Thực hiện cắm biển cảnh báo sạt lở; tổ chức di dời các hộ dân đang sinh sống tại những khu vực đang có diễn biến sạt lở, nhất là những khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm để đảm bảo an toàn về người và tài sản.
Lập kế hoạch xây dựng công trình bảo vệ bờ tại những khu vực dân cư tập trung, cơ sở hạ tầng quan trọng không thể di dời. Quan trắc, đánh giá tình hình diễn biến sạt lở bờ sông, bờ biển và đề xuất các giải pháp xử lý ở các khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lở trong thời gian tới mang tính căn cơ và lâu dài.
Lê An
Nguồn: https://baoquangtri.vn/chu-dong-phong-chong-sat-lo-bo-song-bo-bien-186915.htm