Sáng nay 11/7, dưới sự chủ trì của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang; các phó chủ tịch HĐND tỉnh: Nguyễn Chiến Thắng, Nguyễn Trần Huy, HĐND tỉnh tiếp tục ngày làm việc thứ hai, kỳ họp thứ 26 khóa VIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026 với nội dung chất vấn và trả lời chấn vấn.
7 giờ 45 phút: Mở đầu phiên làm việc, đại diện Đoàn thư ký trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại các tổ đại biểu. Nhìn chung, các đại biểu thống nhất cao nội dung báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết, đề án trình tại kỳ họp.
Các đại biểu tham dự ngày làm việc thứ 2 – Kỳ họp thứ 26, HĐND tỉnh khóa VIII – Ảnh: H.T
Trong đó, đối với báo cáo của UBND tỉnh về tình hình KT – XH, QP – AN 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 trình kỳ họp, các đại biểu đã chỉ ra những tồn tại, khó khăn và thách thức đồng thời nêu ra các nguyên nhân và đề xuất các giải pháp để triển khai thực hiện hiệu quả trong thời gian tới.
Phiên chất vấn và giải trình các vấn đề đại biểu quan tâm tập trung vào nội dung là các chỉ tiêu phát triển KT – XH 6 tháng đầu năm, 4 nhóm vấn đề: đầu tư công; ngân sách và cơ chế, chính sách địa phương; thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, sử dụng rừng. |
Đoàn thư ký trình bày báo cáo tổng hợp thảo luận tổ của ngày làm việc đầu tiên – Ảnh: H.T
8 giờ 25 phút: Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư về các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế phân tích, tổng sản phẩm trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2024 ước tính tăng 5,02% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 6,52% của 6 tháng đầu năm 2023.
Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Trương Chí Trung báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công, kêu gọi xúc tiến đầu tư – Ảnh: H.T
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 3,34%, đóng góp 0,73 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp – xây dựng tăng 4,55%, đóng góp 1,19 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,14%, đóng góp 2,94 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 3,97%, đóng góp 0,16 điểm phần trăm.
Giải trình về nguyên nhân tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2024 thấp, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trương Chí Trung cho biết, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng thấp do thu hút đầu tư vào ngành này còn hạn chế, khó khăn về nguyên vật liệu. Những tháng đầu năm nay các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu như: dệt may, chế biến gỗ…số đơn hàng giảm mạnh nên tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2024 chỉ tăng 3,34%.
Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải rác quy mô nhỏ, sản xuất ổn định, có mở rộng một số cơ sở trên địa bàn nên tăng 10,13%. Ngành khai khoáng do nguồn quặng hạn chế, công tác quản lý khai thác khoáng sản ngày càng chặt chẽ nên tăng chậm 5,79%…
Từ thực tế đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư đưa ra các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm, cụ thể cho từng lĩnh vực.
5 nguyên nhân dẫn đến giải ngân vốn đầu tư chậm
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, có 5 nguyên nhân cơ bản: việc ban hành cơ chế chính sách, văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện dự án đầu tư công của Trung ương còn chậm gây khó khăn trong tổ chức thực hiện.
Công tác chuẩn bị dự án của một số chủ đầu tư chưa thực sự tốt.
Trình phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư dự án chưa phù hợp dẫn tới phải thực hiện điều chỉnh làm chậm quá trình thực hiện.
Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật là điểm nghẽn ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thực hiện.
Giải ngân của nhiều dự án đầu tư, trong đó có một số dự án trọng điểm, dự án ODA, dự án có kế hoạch vốn khá lớn…
Đề xuất các giải pháp: Tiếp tục chủ động, thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư đã được Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đề ra. Phát huy hiệu quả của các Ban chỉ đạo, Tổ công tác đôn đốc tiến độ, hỗ trợ thúc đẩy giải ngân. Chỉ đạo quyết liệt các giải pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện trên công trường so với hồ sơ dự thầu, hợp đồng thi công; kiên quyết xử lý đối với các nhà thầu vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết; chấn chính thay thế nhà thầu hoặc bổ sung nhà thầu phụ đối với các nhà thầu chưa đáp ứng năng lực làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân.
Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở xây dựng chuyên ngành tham mưu, đề xuất giải pháp nâng cao năng lực của chủ đầu tư, ban quản lý dự án để ngang tầm và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài chính tổ chức rà soát kế hoạch vốn năm 2024 và phần vốn còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 để tham mưu cấp có thẩm quyền sắp xếp, cân đối, khắc phục tình trạng thiếu vốn của một số công trình, dự án hoàn thành theo tiến độ, đồng thời bảo đảm giải ngân hết nguồn vốn kế hoạch trung hạn được giao.
Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Nội vụ nghiên cứu đề xuất giải pháp tăng cường nhân lực đủ mạnh để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng của các Trung tâm phát triển quỹ đất cấp tỉnh, cấp huyện.
Tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đảm bảo nguồn thu để thực hiện và giải ngân theo kế hoạch được giao.
Chủ động đề ra kế hoạch, giải pháp hiệu quả đẩy mạnh nguồn thu; rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục liên quan để sớm triển khai đấu giá đất quyền sử dụng đất, lựa chọn nhà đầu tư, giải phóng mặt bằng, sớm giao đất các dự án cho nhà đầu tư. Có cơ chế khuyến khích đối với các đơn vị, địa phương thực hiện vượt số thu so với kế hoạch được giao.
Đồng thời, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý vật liệu xây dựng trên địa bàn và các vấn đề liên quan đến việc khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng.
Kịp thời công bố định mức, đơn giá, chỉ số giá xây dựng, giá vật liệu xây dựng bảo đảm đầy đủ, phù hợp với giá thị trường, đúng quy định pháp luật, vừa góp phần nâng cao chất lượng công trình, nâng cao tính thuận tiện, hiệu quả trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng. ..
9 giờ 20 phút: Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Trần Văn Quảng làm rõ 4 vấn đề liên quan đến việc thu tiền đấu giá quyền sử dụng đất, Luật đất đai sửa đổi, quy định các khu vực cần xây dựng nhà ở, giá khởi điểm đấu giá đất.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Trần Văn Quảng báo cáo một số vấn đề liên quan đến lĩnh vực tài nguyên, môi trường và tình hình thực hiện đấu giá đất trên địa bàn- Ảnh: H.T
Theo báo cáo, về chỉ tiêu thu 295 tỉ đồng từ nguồn thu đấu giá đất, đến nay sở đã thực hiện thu 130 tỉ đồng, có 81 lô đất đã được UBND tỉnh phê duyệt, chờ áp giá khởi điểm dự kiến sẽ thu thêm 100 – 120 tỉ đồng.
Về nguồn thu đấu giá đất, Chủ tọa kỳ họp yêu cầu cần có căn cứ chắc chắn để khỏi điều chỉnh kế hoạch, bởi đến 30/6/2024 mới thu được 116 tỉ đồng từ nguồn đấu giá đất. Chưa tính đến đề án thanh lý trụ sở công, công việc này đòi hỏi lãnh đạo ngành Tài nguyên và Môi trường phải tích cực tham mưu mới có nguồn lực thu thực tế.
Đề nghị ngành cần tăng cường phối hợp tham mưu cho UBND tỉnh có phương án tối ưu trong điều kiện thách thức và nhiều rào cản cho mục tiêu đảm bảo nguồn thu ngân sách từ đấu giá đất.
Về giải pháp để thực hiện đất vật liệu san lấp trên địa bàn, hiện tỉnh đã cấp 13 mỏ, trữ lượng hơn 13,6 triệu khối. Sở đã mời doanh nghiệp đến hướng dẫn các thủ tục để đẩy nhanh tiến độ.
Vướng mắc hiện nay là việc thoả thuận với người dân để giải phóng mặt bằng trong khu vực mỏ được cấp. Về các mỏ đất lòng hồ đã cơ bản hoàn tất các thủ tục để khai thác.
Liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết 94 về việc thông qua công tác đo đạc, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính thường xuyên cấp huyện trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 – 2025 trên địa bàn huyện Vĩnh Linh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đã có phần giải trình cụ thể.
Theo đó, dự án, hồ sơ thực hiện đo vẽ trên địa bàn huyện còn tồn đọng nhiều. Khi đo vẽ có sự sai lệch, tăng giảm về diện tích so với trước đây do sự biến động về quản lý đất đai, phương thức đo bằng máy hiện đại so với thủ công như trước đây.
Do đó khi làm lại hồ sơ phải xác định nguồn gốc tăng giảm, liên quan đến việc xác nhận của các địa phương nên gặp nhều khó khăn. Nghị quyết 94 ra đời nhằm giải quyết các vấn đề này.
Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có một số địa phương triển khai thực hiện nghị quyết là TP. Đông Hà, các huyện: Triệu phong, Hải lăng, Cồn Cỏ, riêng Vĩnh Linh chưa thực hiện. Thời gian tới sở tăng cường chỉ đạo và cùng với địa phương tập trung tháo gỡ vướng mắc để triển khai thực hiện tại Vĩnh Linh.
Về triển khai Luật Đất đai 2024 đã bổ sung mới 78 điều, trên cơ sở đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo cụ thể, trong đó giao nhiệm vụ cho các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện.
Sở Tài nguyên và Môi trường có 14 nội dung cần xây dựng dự thảo nghị quyết, lấy ý kiến các sở, ngành, trình UBND tỉnh xem xét trước khi trình HĐND tỉnh thông qua |
Thanh Trúc – Hà Trang
Nguồn: https://baoquangtri.vn/ngay-lam-viec-thu-2-ky-hop-thu-26-hdnd-tinh-quang-tri-khoa-viii-chat-van-va-tra-loi-chat-van-186844.htm