Chiều nay 4/7, Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) để thẩm tra các nội dung trình kỳ họp thứ 26, HĐND tỉnh khóa VIII. Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh Hồ Thị Thu Hằng chủ trì buổi làm việc.
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa Xã hội HĐND tỉnh Hồ Thị Thu Hằng phát biểu tại buổi làm việc- Ảnh: NV
Nội dung thẩm tra gồm: kết quả thực hiện nhiệm vụ GD&ĐT 6 tháng đầu năm 2024; kết quả thực hiện một số nghị quyết của HĐND tỉnh trên lĩnh vực GD&ĐT; các tờ trình gồm: Quy định mức hỗ trợ đối với cơ sở giáo dục mầm non độc lập, dân lập, tư thục và giáo viên đang làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp; trợ cấp đối với trẻ em đang học ở cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp; Quy định về mức thu, cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục công lập từ năm học 2024 – 2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 31 ngày 14/12/2024 về quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập từ năm học 2017 – 2018 đến năm học 2020 – 2021 và Nghị quyết số 52 ngày 14/7/2022 về tiếp tục thực hiện mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục công lập theo Nghị quyết số 31 năm 2016 của HĐND tỉnh; Quy định nội dung mức chi thực hiện Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2024 – 2030.
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT, 6 tháng đầu năm 2024, sở tiếp tục rà soát, bố trí đủ giáo viên để triển khai thực hiện chương trình sách giáo khoa mới theo quy định. Công tác giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, bảo đảm trường học an toàn, lành mạnh, thân thiện được đẩy mạnh.
Chất lượng chuyên môn ở các cấp học, ngành học được nâng lên. Ngành tiếp tục thực hiện đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh, đổi mới đánh giá học sinh tiểu học theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học, chú trọng việc đánh giá thường xuyên để tư vấn, hỗ trợ học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập.
Các trường tiếp tục đổi mới phương pháp và hình thức dạy học, đánh giá kết quả học tập của học sinh; chỉ đạo việc triển khai giáo dục khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học theo phương pháp giáo dục STEM trong giáo dục trung học… Tính đến ngày 31/5/2024, tổng số trường đạt chuẩn quốc gia là 198/365 (chỉ tính khối các trường công lập).
Quá trình thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh thuộc lĩnh vực giáo dục, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số khó khăn như vẫn còn nhiều phòng học tạm, phòng học mượn, phòng học xuống cấp chưa được thay thế. Vì vậy, kiến nghị UBND tỉnh quan tâm cân đối, bố trí ngân sách địa phương đầu tư xây dựng phòng học trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025; chỉ đạo UBND huyện, thị xã, thành phố bố trí nguồn ngân sách địa phương được giao quản lý và nguồn từ chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư xây dựng xóa phòng học tạm, phòng học mượn, phòng học xuống cấp…
Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh Hồ Thị Thu Hằng đề nghị Sở GD&ĐT cần có quy định cụ thể sát với tình hình thực tiễn hơn ở địa phương về vấn đề cho các trường tự chủ tài chính để trường học chủ động hơn trong công tác tuyển sinh đầu cấp. Quan tâm chỉ đạo trường học giáo dục toàn diện để rút ngắn khoảng cách chất lượng giáo dục giữa vùng thuận lợi với vùng khó khăn.
Về nội dung các tờ trình, Ban Văn hóa – Xã hội cơ bản đồng tình với quan điểm và phương án mà Sở GD&ĐT xây dựng. Những nội dung còn có quan điểm khác nhau giữa Sở GD&ĐT với các đại biểu dự buổi làm việc, Ban Văn hóa – Xã hội sẽ có buổi họp phân tích làm rõ để khi HĐND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách có tính khả thi cao, thúc đẩy ngành GD&ĐT phát triển.
Nguyễn Vinh
Nguồn: https://baoquangtri.vn/tham-tra-cac-noi-dung-ve-giao-duc-va-dao-tao-trinh-ky-hop-thu-26-hdnd-tinh-khoa-viii-186687.htm