Thời tiết nắng nóng gay gắt với nền nhiệt cao sẽ làm cho đàn gia súc, gia cầm giảm sức đề kháng, dễ mắc bệnh, ảnh hưởng xấu đến khả năng sinh trưởng. Để bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh Quảng Trị đã khuyến cáo người chăn nuôi cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng nhằm hạn chế thiệt hại về kinh tế và nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Người dâm khóm Tây Chính, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa làm chuồng trại thông thoáng, cung cấp đầy đủ thức ăn để tăng sức đề kháng cho bò trong mùa nắng nóng – Ảnh: L.A
Với kinh nghiệm chăn nuôi trâu, bò nhiều năm, anh Lê Hường ở tại khóm Tây Chính, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa đã chủ động triển khai các biện pháp chống nắng nóng cho đàn gia súc của mình.
Theo anh Hường, chăn nuôi trâu, bò chủ yếu là chuồng mở nên anh chỉ sử dụng các biện pháp chống nóng cơ bản như: giữ chuồng trại thông thoáng; lắp đặt hệ thống bạt che nắng có thể tháo mở được xung quanh chuồng trại; phủ thêm rơm, lá cây lên mái; gắn thêm quạt điện để làm mát cho đàn vật nuôi khi nắng nóng cao điểm.
Ngoài ra, đặc tính sinh lý của trâu, bò là chịu nóng kém, hiệu quả chăn nuôi thấp. Do vậy, anh đã chủ động dự trữ thức ăn thô xanh, tăng lượng thức ăn tinh và bổ sung thêm vitamin C, khoáng chất trong khẩu phần ăn.
Cung cấp đầy đủ nước uống và tắm mát thường xuyên cho đàn trâu, bò. Bên cạnh đó, anh còn tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh như: vệ sinh tiêu độc chuồng trại và các dụng cụ chăn nuôi; tiêm đầy đủ các loại vắc xin cho đàn gia súc để tăng cường khả năng miễn dịch; phun thuốc diệt ve, ruồi… là trung gian truyền bệnh cho trâu, bò.
Trang trại chăn nuôi gà của anh Nguyễn Văn Đăng ở tại thôn Diên Khánh, xã Hải Dương, huyện Hải Lăng thường xuyên nuôi khoảng 16.000 – 20.000 con gà. Bước vào giai đoạn nắng nóng, cùng với việc giảm bớt tổng đàn để đảm bảo mật độ nuôi phù hợp, anh đã chủ động kiểm tra lại chuồng trại, chuẩn bị các phương án chống nóng cho đàn gà.
Thời điểm nắng nóng, hệ thống quạt thông gió và giàn mát bằng hơi nước trong chuồng đều được anh cho hoạt động hết công suất để thổi hơi nóng, khí độc sinh từ chất thải của gà ra bên ngoài, đảm bảo chuồng trại luôn mát mẻ. Ngoài ra, anh còn đầu tư lắp đặt thêm hệ thống phun sương làm mát trên mái và bên ngoài chuồng trại.
Theo kinh nghiệm của anh Đăng, chăn nuôi gà theo quy mô công nghiệp, dạng chuồng nuôi kín, người chăn nuôi cần kiểm tra và thực hiện nghiêm việc trực kỹ thuật, đề phòng mất điện hoặc các hệ thống làm mát trong chuồng bị trục trặc, lỗi kỹ thuật, không đảm bảo vận hành. Nếu có điều kiện nên lắp đặt các hệ thống cảnh báo tự động, đầu tư máy phát điện để kịp thời khắc phục các sự cố về kỹ thuật xảy ra.
Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y (CN&TY) huyện Hải Lăng Trần Quốc Lượng thông tin, ngay từ đầu mùa nắng nóng, đơn vị đã phối hợp với các địa phương tích cực tuyên truyền, hướng dẫn nông dân các biện pháp chống nắng nóng cho đàn vật nuôi.
“Trường hợp thấy gia súc, gia cầm có biểu hiện bệnh, lây lan nhanh cần báo ngay cán bộ thú y cơ sở để can thiệp kịp thời. Khi đàn gia súc, gia cầm có biểu hiện dịch bệnh, cần thực hiện tốt các quy định về phòng chống dịch bệnh, tuyệt đối không được bán chạy, chấp hành nghiêm hướng dẫn của chính quyền địa phương và cán bộ thú y để khống chế ngăn chặn dịch, không để bùng phát lây lan trên diện rộng”, ông Lượng nhấn mạnh.
Toàn tỉnh hiện có hơn 83.300 con trâu, bò, gần 233.500 con lợn và trên 3,9 triệu con gia cầm các loại. Phó Chi cục trưởng Chi cục CN&TY Đào Văn An cho biết, theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, thời gian tới, thời tiết tiếp tục có nắng nóng đặc biệt gay gắt với nền nhiệt cao.
Đây là điều kiện bất lợi làm giảm sức đề kháng của vật nuôi và và là điều kiện thuận lợi để nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm có nguy cơ phát sinh, lây lan như: tiêu chảy, lở mồm long móng, tai xanh, cảm nóng, tụ huyết trùng trên trâu, bò…
Vì vậy, người chăn nuôi tuyệt đối không thả rông đàn gia súc vào thời gian nắng nóng trong ngày; thường xuyên tắm mát để giảm nhiệt độ cho cơ thể và phòng, chống các bệnh ngoài da; nuôi nhốt tại chuồng hoặc tại khu vực có cây xanh, bóng mát.
Bảo đảm chuồng trại cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát, thích hợp với từng đối tượng vật nuôi; phủ lá, rơm, trồng cây dây leo lên mái chuồng trại để chống nóng trực tiếp; phun nước lên mái hoặc phun sương trong chuồng nuôi. Tăng cường dự trữ thức ăn thô xanh; tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi bằng cách cho uống Bcomplex, vitamin C, chất điện giải, men tiêu hóa…
Đối với những trang trại có quy mô lớn, khuyến cáo giảm mật độ chăn nuôi, giãn thời gian các lứa nuôi. Đối với chuồng kín, phải thường xuyên kiểm tra nhiệt độ chuồng nuôi, đầu tư máy phát điện tránh trường hợp mất điện, cải tạo chuồng nuôi thông thoáng hoặc sử dụng quạt hút gió để tăng cường đối lưu không khí, giảm nhiệt độ và khí độc trong chuồng.
Bên cạnh đó, các hộ chăn nuôi cần tăng cường vệ sinh chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi; phun thuốc sát trùng theo định kỳ. Theo dõi, giám sát chặt chẽ tình trạng của đàn vật nuôi để kịp thời phát hiện gia súc, gia cầm bị bệnh để cách ly, điều trị và xử lý kịp thời, nhất là với các bệnh đường tiêu hóa, hô hấp và các bệnh truyền nhiễm. Chủ động tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm theo đúng quy định.
“Sau những đợt nắng nóng kéo dài, đàn gia súc, gia cầm thường mệt mỏi, sức đề kháng giảm, tăng nguy cơ mắc bệnh, giảm lượng sữa, trứng… nên người chăn nuôi cần có phương án bổ sung kịp thời các vitamin, dinh dưỡng và khoáng chất… nhằm nâng cao sức khỏe cho đàn vật nuôi. Tăng cường chăm sóc gia súc non do sức đề kháng của chúng thấp hơn các con trưởng thành”, ông An lưu ý thêm.
Lê An
Nguồn: https://baoquangtri.vn/chu-dong-bao-ve-dan-vat-nuoi-trong-mua-nang-nong-186639.htm