Sáng nay 19/6, tại phiên họp toàn thể của Quốc hội, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, các đại biểu đã thảo luận về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035.
Tham gia phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng đã trình bày những ý kiến, góp phần làm rõ hơn các nội dung và mục tiêu của chủ trương quan trọng này.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng phát biểu tại Quốc hội sáng ngày 19/6 – Ảnh: TT
Đại biểu khẳng định: Chủ trương đầu tư Chương trình MTQG về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 là một quyết định đúng đắn và cần thiết. Chương trình được xây dựng công phu với tầm nhìn dài hạn, bao gồm 10 nội dung thành phần, 153 chỉ tiêu chi tiết, 42 nhiệm vụ cụ thể và 186 hoạt động chi tiết, thể hiện khát vọng bứt phá vươn lên trong sự nghiệp chấn hưng và phát triển văn hóa nước nhà.
Để chương trình đạt được hiệu quả như mong muốn, đại biểu Hoàng Đức Thắng đề xuất:
Đối với sự tham gia của người dân và xã hội hóa, đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tham gia của người dân và cộng đồng trong thực hiện chương trình. Chương trình hướng đến nhiều đối tượng và không gian rộng lớn, vì vậy theo đại biểu sự tham gia của người dân là yếu tố then chốt đảm bảo thành công. Cần rà soát, bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích và tạo điều kiện cho sự tham gia của đông đảo Nhân dân vào các hoạt động văn hóa. Người dân là chủ thể sáng tạo và thụ hưởng các giá trị văn hóa, do đó việc thúc đẩy sự tham gia của họ sẽ đảm bảo tính bền vững và lan tỏa của chương trình.
Đối với phát huy vai trò của doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế, đại biểu cho rằng, cần khẳng định vị trí và vai trò quan trọng của doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế trong phát triển văn hóa. Các doanh nghiệp không chỉ là bệ đỡ cho những sản phẩm văn hóa thăng hoa mà còn cần thiết có các chính sách ưu đãi để khuyến khích họ đầu tư vào lĩnh vực này. Sự gắn kết giữa phát triển văn hóa và kinh tế sẽ tạo ra sự phát triển bền vững và toàn diện. Văn hóa và kinh tế có mối quan hệ biện chứng, phát triển văn hóa sẽ thúc đẩy kinh tế và ngược lại.
Đối với khắc phục sự đứt gãy và duy trì tính liên tục trong các chương trình văn hóa, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu và thiết kế cơ chế để đảm bảo sự liên tục và bền vững cho chương trình, tránh tình trạng đứt gãy và cắt khúc. Thực tế cho thấy, sự đứt gãy của một số chương trình văn hóa trước đây đã gây ra nhiều khó khăn trong việc kế thừa và phát triển liên tục. Sau khi kết thúc chương trình vào năm 2035, cần có kế hoạch và định hướng tiếp tục phát huy những giá trị mà chương trình đã mang lại, để duy trì dòng chảy văn hóa liên tục và bền vững.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng cũng đưa ra các giải pháp cụ thể để bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phong phú tại tỉnh Quảng Trị, gồm:
Tiếp tục tập trung đầu tư bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa vật thể quan trọng như Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải, Thành Cổ Quảng Trị; Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn; Địa đạo Vịnh Mốc và các di tích lịch sử khác. Đại biểu khẳng định, đây không chỉ là các điểm đến du lịch quan trọng mà còn mang ý nghĩa lịch sử và tâm linh sâu sắc. Việc bảo tồn các di sản này không chỉ góp phần vào việc giữ gìn giá trị lịch sử mà còn tạo ra sức hút du lịch, phát triển kinh tế địa phương.
Tập trung bảo tồn và phát huy các lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như Lễ hội chợ Đình Bích La, Lễ hội Cầu Ngư, Lễ hội Thống nhất non sông, Lễ hội hoa đăng trên sông Thạch Hãn, Lễ hội A riêu ping, Lễ hội Mừng lúa mới của dân tộc Vân Kiều, Pa Kô, hò giã gạo, hát bài chòi,… Những lễ hội này không chỉ giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống mà còn tạo ra không gian để cộng đồng gắn kết, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng nhấn mạnh: Trong khi Quốc hội đang thảo luận về Chương trình mục tiêu quốc gia này thì tỉnh Quảng Trị đang khẩn trương chuẩn bị cho Lễ hội vì Hòa bình sẽ khai mạc vào ngày 6/7/2024, gắn với Tháng 7 – tháng tri ân, đền ơn đáp nghĩa. Đây là một sáng tạo độc đáo về ước nguyện và khát vọng hòa bình cho dân tộc Việt Nam và cho cả nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Lịch sử đã chọn Quảng Trị làm nơi đối đầu lịch sử và do đó Quảng Trị đã trở thành bảo tàng sống của cuộc chiến tranh giải phóng vĩ đại của dân tộc. Và hôm nay, lịch sử trao gửi cho Quảng Trị sứ mệnh cao cả cho ước nguyện và khát vọng Vì Hòa bình.
Lễ hội Vì Hòa bình xứng đáng là lễ hội quốc gia mang tầm ý nghĩa thời đại và bảo tàng “Ký ức chiến tranh và khát vọng hòa bình” tại Quảng Trị rất xứng đáng được đưa vào danh mục đầu tư của Chương trình MTQG về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 để Vĩnh Linh lũy thép, Hiền Lương – Bến Hải, Đường 9 – Khe Sanh, Cồn Tiên – Dốc Miếu, Thành Cổ Quảng Trị…sống mãi với thời gian, trường tồn cùng dân tộc và nhân loại.
Thanh Tuân – Cẩm Nhung
Nguồn: https://baoquangtri.vn/dbqh-tinh-quang-tri-hoang-duc-thang-gop-y-chu-truong-dau-tu-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-ve-phat-trien-van-hoa-186294.htm