Thời gian qua, bám sát sự chỉ đạo của UBND huyện Triệu Phong, người dân các địa phương trong huyện đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để sản xuất nông nghiệp như gieo sạ hàng, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái, cơ giới hóa các khâu sản xuất… nên năng suất cây trồng tăng lên đáng kể.
Nhân viên Trạm Thú y Triệu Phong tiêm vắc xin phòng dịch cho đàn vịt -Ảnh: T.V
Bên cạnh đó, những năm gần đây, cơ cấu giống lúa chất lượng cao được gieo trồng chiếm trên 80% diện tích đồng ruộng, trong đó giống lúa Hà Phát 3, HG12, Thiên Ưu 8 được đưa vào sản xuất đại trà. Vụ đông xuân năm 2023- 2024, năng suất lúa bình quân đạt 63,89 tạ/ha.
Cùng với đẩy mạnh sản xuất lúa, huyện Triệu Phong mở rộng diện tích cây màu, cây công nghiệp ngắn ngày và chăn nuôi. Theo đó, diện tích cây màu, cây công nghiệp ngắn ngày, rau, đậu các loại 3.799 ha, đạt kế hoạch đề ra. Tổng đàn gia súc, gia cầm năm sau cao hơn năm trước. Theo thống kê của UBND huyện, đến ngày 1/4/2024, tổng đàn gia súc toàn huyện đạt 42.600 con, đàn gia cầm 870.000 con…
Tuy vậy, theo đánh giá của UBND huyện Triệu Phong, bên cạnh kết quả đạt được, thực trạng phát triển nền nông nghiệp của huyện vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập. Theo đó, việc xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, hữu cơ chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia nên khó triển khai thực hiện. Một số hợp tác xã (HTX) chuyển đổi cơ cấu giống lúa chậm, việc gieo trồng giống lúa mới còn hạn chế, chưa mạnh dạn chuyển đổi diện tích lúa khó tưới nước, kém hiệu quả sang cây trồng cạn giá trị cao hơn như ngô, lạc, ớt, rau màu.
Tình trạng chăn nuôi nông hộ quy mô nhỏ lẻ vẫn chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu quy mô chăn nuôi; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn hạn chế, chưa được đầu tư đúng mức. Trong lúc đó, thị trường tiêu thụ không ổn định, chi phí đầu vào tăng, giá thành sản xuất cao nhưng giá bán sản phẩm của người chăn nuôi thấp kéo dài nên lợi nhuận chỉ ở mức “lấy công làm lãi”.
Một khó khăn nữa là, nhiều năm dịch bệnh diễn biến khó lường và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát ảnh hưởng hoạt động sản xuất, chăn nuôi, trong lúc đó việc xử lý môi trường chăn nuôi còn bất cập. Việc hỗ trợ, cung ứng vắc xin tiêm phòng trong chăn nuôi và hóa chất xử lý ao hồ trong nuôi trồng thủy sản chưa kịp thời. Một số vắc xin phòng dịch bệnh cho vật nuôi có giá cao nên tỉ lệ tiêm phòng còn thấp.
Bên cạnh đó, phần lớn HTX hoạt động đơn thuần theo tính chất mùa vụ, chưa xây dựng được phương án sản xuất- kinh doanh hằng năm cũng như kế hoạch hoạt động dài hạn. Nguyên nhân của thực trạng này là do HTX có quy mô nhỏ, chủ yếu quy mô cấp thôn để cung cấp dịch vụ thiết yếu về thủy lợi, bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp. Trong lúc đó việc nắm bắt thông tin giá cả thị trường chậm nên chưa đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng của xã viên.
Để tháo gỡ khó khăn đó, ngay trong vụ hè thu năm 2024, UBND huyện Triệu Phong yêu cầu các địa phương chỉ đạo mỗi HTX lựa chọn cơ cấu giống thích hợp, chỉ bố trí 3 – 4 loại giống lúa chủ lực, khuyến khích đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong thâm canh theo hướng an toàn, bền vững.
Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện tiếp tục chỉ đạo một số HTX sản xuất khảo nghiệm các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao, thời gian sinh trưởng ngắn, kháng được sâu bệnh hại, đánh giá năng suất, chất lượng và hiệu quả của từng loại giống để có cơ sở nhân rộng trên địa bàn, thay thế dần một số giống lúa sản xuất nhiều năm, năng suất thấp, bị nhiễm sâu bệnh nặng.
Đối với chăn nuôi, triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật, tăng cường giám sát dịch bệnh đến tận hộ chăn nuôi nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các ổ dịch, hạn chế tối đa sự lây lan gây thiệt hại cho người chăn nuôi. Đồng thời đẩy mạnh chăn nuôi theo quy mô trang trại, công nghiệp công nghệ cao, nhất là các địa phương đã được UBND tỉnh phê duyệt trong quy hoạch vùng huyện. Tiếp tục triển khai quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, rà soát quy hoạch chuyển đổi diện tích sản xuất nông nghiệp hiệu quả thấp sang thâm canh trồng cỏ và ngô sinh khối cung cấp thức ăn chăn nuôi.
Đối với nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình nuôi tôm công nghệ cao theo quy trình 2, 3 giai đoạn thích nghi với biến đổi khí hậu cũng như hướng dẫn, vận động người dân nhân rộng mô hình nuôi tôm thâm canh bằng chế phẩm sinh học, mô hình nuôi tôm 2, 3 giai đoạn theo công nghệ Biofloc.
Đối với nuôi trồng thủy sản, triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra theo Chỉ thị số 32 ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển bền vững ngành thuỷ sản, Chỉ thị số 30 ngày 28/3/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch số 63 ngày 24/3/2023 của UBND huyện.
Cùng với đó, tăng cường công tác tuyên truyền, triển khai Luật Thủy sản năm 2017 để người dân nắm bắt và thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật Thủy sản. Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục ngư dân và các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động thủy sản thực hiện tốt Thông tư số 01 ngày 18/1/2022 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, đồng thời sớm khắc phục tồn tại, hạn chế trong việc khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU).
UBND các xã, thị trấn căn cứ điều kiện của địa phương, bám sát nội dung các nghị quyết của Huyện ủy, HĐND huyện Triệu Phong về phát triển kinh tế nông nghiệp. Qua đó tiến hành rà soát, xây dựng kế hoạch cơ cấu lại sản xuất nông- lâm- ngư nghiệp trên địa bàn theo hướng chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thực hiện thâm canh và sản xuất lúa chất lượng cao.
Các HTX xây dựng kế hoạch sản xuất- kinh doanh dịch vụ tổng hợp, bảo đảm dịch vụ giống cây trồng, phân bón và vật tư, dịch vụ bảo vệ thực vật, tổ chức sản xuất giống lúa xác nhận và xây dựng các mô hình tiến bộ kỹ thuật để chuyển đổi thâm canh cây trồng, vật nuôi và nuôi trồng thuỷ sản hiệu quả…
Tuấn Việt