Trước dự báo tình hình hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn sẽ xảy ra trên diện rộng và khốc liệt hơn mọi năm, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đang chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo an toàn cho sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu thiệt hại do hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn gây ra.
Trạm bơm Thủy Khê đảm bảo nguồn nước tưới cho sản xuất nông nghiệp ở Gio Linh – Ảnh: L.A
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, tổng nguồn nước các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh hiện đạt khoảng 67%, riêng hồ chứa thủy lợi – thủy điện Quảng Trị đạt khoảng 72% so với dung tích thiết kế. Trong khi, theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên mùa khô năm nay nắng nóng kéo dài và gay gắt hơn trung bình nhiều năm. Nhiệt độ trung bình có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5 – 1,5 độ C. Tổng lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm từ 20 – 30%.
Đặc biệt, lượng dòng chảy trên sông Bến Hải từ tháng 5 – 7/2024 chỉ đạt từ 10,1 – 17,2% và thấp hơn từ 82,8 – 89,9% so với trung bình nhiều năm cùng kỳ. Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hồ Xuân Hòe nhận định, với lượng nước hiện có của các hồ đập và xu thế thời tiết như dự báo thì vụ hè thu sẽ xảy ra nguy cơ thiếu nước, hạn hán và xâm nhập mặn diện rộng trên toàn tỉnh.
Việc cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là trong giai đoạn cây lúa làm đòng, trổ bông. Qua tính toán cân đối lượng nước, diện tích thiếu nước cần thực hiện các giải pháp bơm hỗ trợ là hơn 3.280 ha; trong đó, diện tích do Công ty TNHH MTV Quản lý, khai thác công trình thủy lợi đảm nhiệm là khoảng 1.960 ha, diện tích do các địa phương đảm nhiệm hơn 1.320 ha. Diện tích cần chuyển đổi trong vụ hè thu là khoảng 738 ha.
Ông Hồ Xuân Hòe cho biết thêm, để chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất vụ hè thu, ngành nông nghiệp đã chủ động triển khai các giải pháp ứng phó như: khuyến cáo nông dân tăng cường áp dụng các giải pháp tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm cho cây trồng; trường hợp xảy ra thiếu nước, ưu tiên cung cấp cho sinh hoạt, cây trồng có kinh tế cao và nhu cầu thiết yếu khác; thực hiện việc tích trữ nước phân tán theo quy mô nhỏ theo hộ gia đình, nhóm hộ đảm bảo cung cấp nhu cầu tối thiểu cho sinh hoạt, chăn nuôi, cây trồng cạn.
Thực hiện các giải pháp thủy lợi như nạo vét cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đào ao, giếng, đắp đập tạm ngăn mặn, lắp trạm bơm dã chiến giúp khơi thông dòng chảy, tận dụng khai thác tối đa nguồn nước hồi quy. Bố trí cơ cấu mùa vụ gieo trồng phù hợp, ưu tiên sử dụng các giống cây trồng có thời gian sinh trưởng ngắn, giống chịu hạn, hiệu quả kinh tế cao.
Xây dựng kế hoạch điều tiết nước theo vùng, liên vùng, cấp nước luân phiên vào các giai đoạn cần thiết của cây lúa; đảm bảo đủ nước tưới, nhất là giai đoạn làm đòng, trổ bông. Phối hợp với Công ty Thủy điện Quảng Trị và các chủ hồ chứa thủy điện trên địa bàn xây dựng, thống nhất kế hoạch điều tiết cho vùng hạ du nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Rà soát, xác định các khu vực có nguy cơ bị thiếu nước sinh hoạt nông thôn, đánh giá khả năng nguồn nước cấp cho sinh hoạt để xây dựng phương án và tổ chức triển khai các biện pháp cấp nước sạch cho người dân như thiết lập các điểm cấp nước tập trung, kéo dài tuyến ống cấp nước, hỗ trợ thiết bị trữ nước, sử dụng các phương tiện lưu động chuyên chở nước cung cấp đến các cụm dân cư.
Về phía các địa phương, đề nghị khẩn trương thực hiện chuyển đổi 738 ha đất trồng lúa thiếu nước sang cây trồng cạn phù hợp với đặc điểm canh tác, thổ nhưỡng từng vùng. Đồng thời, vận hành hiệu quả các hệ thống, công trình thủy lợi để lấy nước, chủ động trữ nước bảo đảm đáp ứng nhu cầu tối thiểu nước tưới cho cây trồng khi xảy ra thiếu nước, hạn chế thiệt hại đối với sản xuất, kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp.
Xác định các khu vực có nguy cơ xảy ra thiếu nước sinh hoạt để chủ động tổ chức triển khai giải pháp bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho Nhân dân, không để người dân thiếu nước sinh hoạt. Trường hợp cần thiết phải huy động lực lượng, phương tiện vận chuyển nước để cung cấp cho người dân. “Ngành nông nghiệp cũng đã đề xuất UBND tỉnh phê duyệt nguồn kinh phí hỗ trợ chống hạn hơn 12,7 tỉ đồng”, ông Hòe thông tin.
Lê An