Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng vừa ký quyết định phê duyệt kế hoạch triển khai Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực và ngành hàng sắn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu của kế hoạch nhằm từng bước phát triển cây công nghiệp chủ lực có quy mô theo hướng hàng hóa, tập trung sản xuất gắn với chế biến, xây dựng thương hiệu và phát triển bền vững, đồng thời phát triển ngành hàng sắn ổn định, hiệu quả.
Cán bộ Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa trao đổi với người dân về cách chăm sóc cây sắn – Ảnh: HT
Xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo ra giá trị kinh tế cao, thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ổn định đời sống Nhân dân, phát triển KT-XH.
Phấn đấu đến năm 2030, duy trì ổn định diện tích các loại cây công nghiệp chủ lực (cao su 20.000 – 21.000 ha, cà phê 4.000 – 5.000 ha, hồ tiêu 2.500 – 2.700 ha); rà soát, quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, hình thành các vùng cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản, hồ tiêu hữu cơ; đẩy mạnh trồng mới, tái canh đối với diện tích cây công nghiệp dài ngày thoái hóa già cỗi, hiệu quả kinh tế thấp.
Đối với ngành sắn, phấn đấu duy trì diện tích trồng sắn hàng năm đạt 10.500 ha, sản lượng khoảng từ 200.000 đến 220.000 tấn; diện tích trồng sắn áp dụng quy trình canh tác bền vững đạt trên 50%; kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1.500 tỉ đồng.
Tầm nhìn đến năm 2050, phát triển bền vững các cây công nghiệp chủ lực của tỉnh thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn; đẩy mạnh đầu tư chế biến sâu, đa dạng hóa loại hình sản phẩm; 60% – 70% diện tích trồng sắn áp dụng quy trình canh tác bền vững, sản phẩm củ sắn tươi dùng để chế biến sâu đạt trên 90%…
Được biết, hiện nay toàn tỉnh đang phát triển ổn định gần 25.000 ha các loại cây công nghiệp dài ngày, giúp gia tăng thu nhập cho người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, với diện tích hàng năm từ 11.000 – 12.000 ha, cây sắn là một trong những loại cây trồng truyền thống, lâu đời đã góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số với mức thu nhập bình quân từ 30 – 40 triệu đồng/ha.
Hà Trang