Công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB) luôn được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, sự hỗ trợ của các sở, ban, ngành, sự đồng thuận của người dân nên từ năm 2015 đến nay, huyện Hải Lăng cơ bản bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư đúng thời hạn để xây dựng công trình trên địa bàn huyện.
Các phương tiện cơ giới tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công Khu Công nghiệp Quảng Trị – Ảnh: N.V
Tuy vậy, bên cạnh kết quả đạt được, trong công tác GPMB vẫn còn gặp một số khó khăn như nhiều thửa đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên rất khó khăn trong quá trình xác định thời điểm, nguồn gốc, quá trình sử dụng để áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ về đất đai theo đúng quy định pháp luật. Hồ sơ địa chính được lập qua các thời kỳ có nhiều sai sót, không đầy đủ, không phù hợp với hiện trạng sử dụng đất nên khi thực hiện lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ, thu hồi đất gặp khó khăn.
Công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân có địa phương gặp không ít khó khăn do nhiều người dân cố tình cản trở quá trình thu hồi đất, không chịu bàn giao mặt bằng khi đã có quyết định thu hồi đất, thậm chí có trường hợp đã nhận tiền nhưng không chịu bàn giao mặt bằng, có trường hợp được tuyên truyền vận động nhiều lần nhưng cương quyết không nhận tiền bồi thường, hỗ trợ GPMB.
Mới đây, để dự án Khu Công nghiệp Quảng Trị (giai đoạn 1) và Khu Bến cảng Mỹ Thủy (giai đoạn 1) không bị chậm trễ trong việc bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư, huyện Hải Lăng triển khai đồng bộ các giải pháp để làm tốt hơn công tác GPMB. Hiện nay, dự án Khu Công nghiệp Quảng Trị đã hoàn thành GPMB trên diện tích 96,01 ha liên quan đến đất đai, tài sản của hàng trăm hộ dân gồm 39 ngôi nhà, 439 lăng mộ với tổng kinh phí bồi thường GPMB hơn 122 tỉ đồng và dự án đã được khởi công ngày 15/12/2023.
Dự án Khu Bến cảng Mỹ Thủy đã hoàn thành GPMB giai đoạn 1 với diện tích 125,49 ha, tổng số tiền chi trả bồi thường, hỗ trợ cho người dân là 97,32 tỉ đồng đã đảm bảo các điều kiện về mặt bằng cho nhà đầu tư triển khai thi công công trình từ ngày 25/3/2024.
Ông Cái Quốc Quản, Trưởng thôn Tân Xuân Thọ, xã Hải Trường cho biết, người dân rất phấn khởi, đồng tình với chủ trương xây dựng dự án, vì sau khi Khu Công nghiệp đi vào hoạt động sẽ tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân cũng như đóng góp ngân sách cho nhà nước, do đó thôn tích cực tham gia với các cấp, ngành để làm tốt công tác GPMB.
Cùng quan điểm với ông Quản, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hải Trường Trương Minh Thành mong muốn Khu Công nghiệp Quảng Trị sớm đi vào hoạt động để tạo động lực phát triển kinh tế cho huyện Hải Lăng nói riêng và tỉnh Quảng Trị nói chung. Với ý nghĩa đó, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Hải Trường làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất để công tác GPMB đúng luật, đáp ứng tâm tư nguyện vọng chính đáng của người dân nằm trong vùng dự án.
Chia sẻ về vấn đề này, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hải Lăng Hoàng Thị Phương Nam cho biết, để đạt được tiến độ và tạo được sự đồng thuận trong Nhân dân, cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị huyện Hải Lăng luôn vận dụng linh hoạt tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thực hiện công tác GPMB. Qua đó chú trọng gần dân, sát dân, tôn trọng và giải quyết quyền lợi chính đáng của người dân và đề cao vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên nằm trong vùng dự án.
Huyện Hải Lăng thành lập Ban Chỉ đạo GPMB do Bí thư Huyện ủy làm trưởng ban; Ban Tuyên truyền, vận động GPMB cấp huyện do Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy làm trưởng ban, đồng thời chỉ đạo mỗi công trình, dự án theo phân cấp thành lập tổ tuyên truyền, vận động với thành phần phù hợp. Các thành viên trong tổ phải nắm chắc nội dung của dự án, hiểu rõ lĩnh vực cần vận động, thuyết phục để thực hiện.
Theo đó, việc tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người dân theo phương châm “đến từng ngõ – gõ từng nhà – rà từng đối tượng”, “đối tượng nào, phương pháp ấy”… đồng thời tranh thủ ý kiến người cao tuổi, có uy tín, lực lượng nòng cốt ở địa phương cũng như phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, công chức, đảng viên trong thực hiện GPMB.
Cùng với đó, trong quá trình chỉ đạo triển khai thực hiện công tác GPMB phải đúng trình tự, thủ tục, tuân thủ Luật Đất đai và các quy định khác của pháp luật có liên quan từ khâu quy hoạch, công bố quy hoạch, chủ trương thu hồi đất đến việc rà soát, lập hồ sơ thu hồi đất, kiểm đếm, lập và thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB cũng như công tác tái định cư, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, quản lý mốc giới đã GPMB. Trong đó, xác định việc kiểm đếm và lập phương án bồi thường chính xác và công khai kết quả đo đạc, kiểm đếm, phương án bồi thường, kịp thời giải quyết kiến nghị của Nhân dân.
Mặt khác, thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình đo đạc, xác định diện tích, loại đất, thửa đất, thiết lập hồ sơ GPMB, kiên quyết không để xảy ra trường hợp cố tình làm sai lệch hồ sơ để trục lợi. Sau khi phương án được phê duyệt tiến hành chi trả tiền cho người dân nhanh chóng, kịp thời, công khai, minh bạch, giúp người dân có nguồn lực sớm ổn định đời sống sau khi thu hồi đất.
Bà Hoàng Thị Phương Nam chia sẻ thêm, bài học kinh nghiệm được rút ra trong công tác GPMB của Hải Lăng thì nhiều nhưng trong đó phải kể đến các cấp, ngành trong huyện đã quan tâm thực sự đến quyền lợi của người dân. Nếu các quy định của nhà nước về bồi thường, hỗ trợ GPMB đã áp dụng mức tối đa nhưng người dân còn thiệt thòi thì phải nghiên cứu, vận dụng các quy định khác, nguồn hỗ trợ khác. Khi người dân thấy được sự quan tâm, trăn trở vì dân của cấp ủy, chính quyền thì sẽ tạo được niềm tin, sự đồng thuận, đồng lòng.
Để thực hiện được điều đó, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Hải Lăng thường xuyên quán triệt lời dạy của Bác: “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng” nên phải công khai, công bằng, minh bạch là yêu cầu quan trọng hàng đầu trong bồi thường GPMB. Theo đó, trong công tác GPMB phải xác định mức bồi thường, hỗ trợ phải chuẩn xác, không được sai sót, tránh làm lợi cho người này, bất lợi cho người kia, từ đó gây ra nghi ngờ, giảm lòng tin của Nhân dân sẽ gây hiệu ứng bất lợi cho công tác GPMB.
Nguyễn Vinh