Tuổi đời còn khá trẻ, song anh Nguyễn Đình Hợp (sinh năm 1991), Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Đông Luật, xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh đã xây dựng thành công nhiều mô hình kinh tế khác nhau. Nhờ đó mà những năm qua, không chỉ tăng thu nhập cho gia đình, anh còn là một trong những điển hình được nhiều hộ dân trong vùng học hỏi, làm theo.
Anh Hợp đang hàn ráp bè khai thác titan – Ảnh: T.P
Dù không phải là thời điểm nghỉ lễ song chiều nào, cơ sở kinh doanh dịch vụ bãi tắm của vợ chồng anh Hợp cũng có khách ghé qua ăn uống, tắm biển. Tất bật dọn bàn ghế, bưng bê những món ăn phục vụ khách, ông chủ trẻ vui mừng thông tin rằng năm nay lượng khách tăng cao hơn so với mọi năm. “Đợt cao điểm nghỉ lễ 30/4 – 1/5, quán tôi hầu như không còn chỗ để ngồi. Khách đến đông, vợ chồng tôi làm quần quật từ sáng đến tối muộn không nghỉ tay, tuy nhiên thu nhập cũng nhờ đó mà tăng lên”, anh Hợp chia sẻ.
Nhìn cơ sở kinh doanh phát triển như hiện tại, ít ai biết được đôi vợ chồng trẻ ấy từng có một khoảng thời gian khởi nghiệp đầy gian nan. Anh Hợp tiết lộ, trước khi quyết định về quê lập nghiệp vào năm 2016, anh đã bôn ba nhiều nơi, làm nhiều công việc khác nhau. Trở về quê hương với nghề cơ khí học được khi còn sống ở TP. Hồ Chí Minh cùng số vốn ít ỏi tích góp được, anh quyết định mở xưởng cơ khí nhỏ tại địa phương. Ban đầu anh làm chỉ đơn giản là hàn chuồng gà, làm cửa sắt cho người dân trong xóm.
Lâu dần, nhờ chăm chỉ làm việc, sản phẩm làm ra có mẫu mã đẹp, chắc chắn nên được mọi người tin tưởng đặt các đơn hàng lớn hơn. Công việc cơ khí không chỉ tạo cho gia đình anh nguồn thu nhập ổn định hàng tháng mà còn tạo việc làm thường xuyên cho 2 – 3 lao động nhàn rỗi của địa phương với thù lao từ 3 – 4 triệu đồng/người/tháng.
Không dừng lại ở nghề cơ khí, cũng trong năm 2016, tận dụng lợi thế của quê hương Vĩnh Thái, vợ chồng anh Hợp đầu tư 200 triệu đồng để xây dựng cơ sở kinh doanh bãi tắm. Tuy nhiên, chưa được bao lâu thì sự cố môi trường biển Formosa xảy ra khiến việc kinh doanh của gia đình anh buộc phải dừng lại.
Đến năm 2018, khi mọi thứ đã trở lại bình thường, anh Hợp mới lần nữa mạnh dạn sửa sang, phát triển cơ sở kinh doanh. May mắn lần này, cơ sở kinh doanh của anh đã phát triển hiệu quả cho đến bây giờ. Qua mỗi năm, thu lãi từ việc kinh doanh bãi tắm, vợ chồng anh Hợp tiếp tục nâng cấp, sửa sang, mua sắm thêm cơ sở vật chất.
Đồng thời, anh cùng vợ còn chịu khó học hỏi cách chế biến món ăn ngon từ nhiều cơ sở ăn uống khác trên địa bàn để thu hút thêm nhiều khách du lịch. “Ngoài kinh doanh bãi tắm, tôi còn làm công việc đánh bắt hải sản như tôm, cá, mực lá…
Công việc này không chỉ giúp quán tôi luôn có được nguồn thực phẩm dồi dào, tươi ngon mà còn góp phần làm tăng thu nhập cho gia đình tôi bởi có thể làm quanh năm, trong khi kinh doanh bãi tắm chỉ kéo dài trong 4 – 5 tháng mùa hè”, anh Hợp cho hay.
Ngoài những mô hình trên, gia đình anh còn chăn nuôi lợn nái. Theo anh Hợp, chăn nuôi lợn nái vốn không phải là việc quá khó khăn.
Tuy nhiên, cần chú trọng tăng tần suất cho ăn; bổ sung nguồn nước sạch và tạo cho lợn môi trường thoải mái để việc chăn nuôi đỡ mất sức, lại đạt hiệu quả cao nhất. Từ các mô hình kinh tế nói trên đã mang lại cho vợ chồng anh nguồn thu nhập trên 250 triệu đồng mỗi năm.
Không chỉ tập trung chăm lo phát triển kinh tế gia đình, trên cương vị là một chi hội trưởng, anh Hợp còn nhiệt tình giúp đỡ, trao đổi, hướng dẫn cho nhiều hội viên nông dân về kiến thức, kinh nghiệm thực tế trong chăn nuôi, trồng trọt.
Anh cũng là một trong những cán bộ hội nhiệt tình, năng nổ với công tác hội ở cơ sở và tích cực tham gia các hoạt động tại khu dân cư; tích cực tuyên truyền vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, tăng thu nhập cho gia đình, góp phần xây dựng nông thôn mới. Nhờ vậy mà anh Hợp được hội viên trong chi hội quý mến, tin yêu, được hội nông dân các cấp đánh giá cao.
Không dừng lại ở đây, anh Hợp cho biết bản thân đang ấp ủ nhiều mô hình, dự án tiềm năng trong thời gian tới.
Chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng mô hình kinh tế, anh Hợp cho biết: “Theo tôi muốn làm kinh tế hiệu quả thì bản thân phải chủ động tìm hiểu, có sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Khi đã có kiến thức về mô hình cần làm cùng với sự quyết tâm, tôi tin sẽ đạt được thành công”.
Trúc Phương