Ngư dân Quảng Trị đang bước vào vụ đánh bắt cá Nam, nhưng hiện nay lao động trẻ tuổi ở vùng ven biển hầu như đã không còn theo nghề biển mà lựa chọn đến các tỉnh, thành phố lớn làm việc hoặc đi lao động ở nước ngoài để có thu nhập cao và ổn định hơn.
Hình ảnh minh họa – Ảnh: S.T
Bên cạnh đó, lao động đi biển có kinh nghiệm thì tuổi ngày càng cao nên cũng dần bỏ nghề biển. Thực trạng này khiến các chủ tàu cá công suất lớn gặp không ít khó khăn trong việc ra khơi đánh bắt hải sản.
Trong mỗi chuyến ra khơi, với công suất 410 CV, tàu cá của anh Lương Văn Hậu ở thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh cần khoảng 15 bạn thuyền. Thời gian gần đây, do thiếu người nên tàu anh chỉ có từ 10 – 12 lao động cho mỗi chuyến vươn khơi. Thiếu hụt lao động đã khiến năng suất, sản lượng hải sản khai thác của tàu anh giảm sút nhiều so với lúc trước. Anh Hậu cho biết, việc thuê lao động tại chỗ hiện nay rất khó.
Là địa phương có số lượng tàu đánh bắt xa bờ lớn trong tỉnh nhưng ở thị trấn Cửa Việt hiện nay, phần lớn các gia đình đầu tư cho con đi lao động nước ngoài hoặc du học nên lượng người trẻ từ 18 – 45 tuổi ở nhà rất ít. Theo thống kê, hiện nay tỉnh Quảng Trị có hơn 2.300 tàu thuyền các loại với tổng công suất trên 120.000 CV, trong đó có 230 tàu xa bờ với trang thiết bị hiện đại. Hiện số lượng lao động về ngành khai thác thủy sản có trên 6.000 người.
Tuy nhiên, theo các cơ quan chức năng, số lượng thuyền viên thường xuyên thay đổi và có sự xáo trộn, thậm chí một số chưa được đào tạo, tập huấn. Ngư dân các địa phương ven biển của tỉnh hiện nay đang bước vào vụ cá Nam – vụ đánh bắt chính trong năm nên nhu cầu lao động về ngành nghề khai thác càng trở nên cấp thiết.
Được biết, để giải quyết nhu cầu trước mắt, nhiều chủ tàu đã thuê lao động từ các địa phương lân cận như: Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Ngãi… Các chủ tàu cá công suất lớn ở tỉnh Quảng Trị cho biết, hiện nay các bạn thuyền có thu nhập từ 10 – 12 triệu đồng sau mỗi chuyến đi biển trong khoảng thời gian nửa tháng.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hữu Vinh cho biết: Trước thực trạng thiếu hụt lao động khai thác hải sản, sở đã giao các đơn vị trực thuộc phối hợp với các địa phương ven biển tăng cường thông tin tuyên truyền, phát huy vai trò của ngành nghề, lợi thế của địa phương để nỗ lực tham gia lao động trên biển nhằm duy trì nghề, tăng cường bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Đức Việt