“Chín năm làm một Điện Biên / Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”. Lời thơ ấy, ngân nga trong tôi khi lần đầu đến thăm thành phố Điện Biên Phủ.
Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ – Ảnh: HHN
Cuối năm ngoái trong tiết trời ấm áp hơi se lạnh, năm văn nghệ sĩ (4 Phú Thọ, 1 Đà Lạt) thăm xứ hoa Ban, khi cả tỉnh đang nỗ lực chỉnh trang chuẩn bị “Kỷ niệm 70 Năm chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5/1954 – 7/5/2024”. Tôi vô cùng kinh ngạc và thích thú khám phá, săn ảnh Điện Biên đang lớn mạnh từng ngày, thành điểm du lịch nổi tiếng Việt Nam và thế giới. Tìm hiểu lịch sử thấy rằng, tên gọi Điện Biên do vua Thiệu Trị đặt năm 1841. “Điện” nghĩa là vững chãi, “Biên” là biên giới, “Điện Biên” tức là miền biên cương vững chãi.
Lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp- Ảnh: HHN
Năm 1954, thực dân Pháp đổ quân xuống lòng chảo Điện Biên Phủ xây dựng căn cứ chiến lược, nhằm khống chế thôn tính Đông Dương và phía nam Trung Quốc. Trận chiến Điện Biên Phủ năm 1954, giữa quân đội Việt Nam (do tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy) và quân đội Pháp (do tướng De Castries chỉ huy) diễn ra rất ác liệt. Trong trận này, Việt Nam bằng sức người, trí thông minh và lòng quả cảm đã chuyển pháo binh lên những quả đồi xung quanh tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tiến công vào sườn và đầu não quân đội Pháp, làm nên “Chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu”.
Đồi A1- Ảnh: HHN
Trận Điện Biên Phủ, là chiến thắng vang dội nhất trong lịch sử chiến tranh của Việt Nam chấm dứt hơn 80 năm đô hộ của thực dân Pháp, là chiến thắng vĩ đại nhất của các nước Đông Nam Á chống lại một cường quốc phương Tây.
Hố bộc phá 1.000kg- Ảnh: HHN
Sau năm 1954, địa bàn Điện Biên Phủ thuộc huyện Điện Biên, tỉnh Lai Châu (cũ). Từ năm 1958, một Nông trường Quân đội được xây dựng tại đây, đã thu hút di dân vùng đồng bằng Bắc bộ, biến Điện Biên từ thị trấn nông trường, thành thị trấn huyện lỵ. Năm 1992, Điện Biên Phủ trở thành thị xã tỉnh lỵ Lai Châu. Năm 2003, được nâng cấp thành phố Điện Biên Phủ trực thuộc tỉnh Lai Châu.
Hầm tướng De Castries- Ảnh: HHN
Năm 2004, tỉnh Điện Biên được thành lập – thành phố Điện Biên Phủ là tỉnh lỵ. Điện Biên Phủ có diện tích tự nhiên 306,6 km2, dân số hơn 85.000 người với 14 dân tộc anh em chung sống. Thành phố Điện Biên Phủ nằm ở cực Tây Bắc tổ quốc, có cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, đất đai màu mỡ, bằng phẳng được tạo bởi cánh đồng Mường Thanh (dài 20 km, rộng 6 km), bao bọc xung quanh là vùng núi rừng trùng điệp, hùng vĩ. Quần thể di tích Điện Biên Phủ được xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia năm 1962.
Tranh chiến thắng Điện Biên Phủ- Ảnh: HHN
Ngày nay, Điện Biên Phủ là điểm du lịch hấp dẫn và độc đáo. Cùng với việc tham quan trận địa, du khách còn được thưởng ngoạn thung lũng Mường Thanh, các ngôi làng thuần Việt bản địa và nhiều danh thắng độc đáo. Cách biên giới Lào 30 km, nên Điện Biên Phủ là Trung tâm thương mại quan trọng. Hàng hóa từ đây luân chuyển sang Lào, Thái Lan và miền bắc Việt Nam.
Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ – Ảnh: HHN
Thành phố Điện Biên Phủ đã và đang thực hiện nhiều dự án KT-XH quan trọng, như: Nâng cấp mạng lưới giao thông hiện đại thông minh, Xây dựng nhiều khu du lịch, khách sạn – nhà hàng mới, phong phú hấp dẫn…
Bảo tàng Điện Biên – Ảnh: HHN
Đặc biệt, tại Hội thảo khoa học tỉnh Điện Biên (tháng 3/2024) Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, tuy Điện Biên còn là tỉnh nghèo, nhưng tiềm ẩn nhiều tiềm năng, lợi thế. Nếu Điện Biên xác định du lịch là mũi nhọn, thì điều quan trọng nhất là phải phát hiện, khơi dậy, phát triển mạnh mẽ những tiềm năng còn tiềm ẩn. Để làm được điều đó, Điện Biên cần thực hiện tốt các vấn đề sau.
Điện Biên ngày mới – Ảnh: HHN
Thứ nhất, cần chỉ ra những thách thức đối với lĩnh vực du lịch, có giải pháp vượt qua khó khăn, thách thức.
Thứ hai, phải xây dựng được những giải pháp có tính chìa khóa, định hướng, chiến lược, đột phá để phát triển du lịch.
Thứ ba, phải quan tâm lựa chọn, giới thiệu những sản phẩm du lịch độc đáo, vừa mang tính đặc sắc, đặc sản địa phương, nhưng phải gắn với giá trị lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ.
Thứ tư, phải nhanh chóng kết nối du lịch Điện Biên với mạng lưới du lịch quốc gia và quốc tế. Chú trọng ứng dụng công nghệ 4.0 để giới thiệu, quảng bá các giá trị du lịch, văn hóa, lịch sử của Điện Biên, từ đó tạo nguồn cảm hứng, thu hút nhiều hơn du khách.
Cuối cùng, Điện Biên cần đẩy mạnh liên kết 4 nhà (Nhà nước, Nhà khoa học, Nhà doanh nghiệp, Nhà nông) trong phát triển du lịch, lấy mô hình du lịch cộng đồng làm trung tâm, gắn với phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững, du lịch các-bon.
Bất kỳ, người Việt Nam nào cũng mơ ước một lần đến Điện Biên Phủ du lịch và trải nghiệm. Với riêng tôi, lần đầu đến Điện Biên được thưởng ngoạn nhiều di tích, thắng cảnh kỳ thú, chụp nhiều ảnh đẹp, được giao lưu với văn nghệ sĩ và người dân Điện Biên hiền hòa mến khách, thưởng thức nhiều món ăn bản địa nhớ đời, được ngủ ngon giữa đại ngàn biên ải êm đềm, vững chãi – là phần thưởng vô giá. Lòng tôi trào dâng niềm tự hào về Điện Biên Phủ và tình yêu quê hương, đất nước. Tôi hứa với lòng mình, sẽ thăm lại Điện Biên “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” nhiều lần nữa
Hà Hữu Nết