Lâu nay, kinh tế hộ gia đình được xem là nền tảng vững chắc trong xây dựng và phát triển KT – XH tại các địa phương. Nhờ lựa chọn phát triển mô hình kinh tế đa dạng, phù hợp, lại chăm chỉ, cần cù, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh không chỉ có nguồn thu nhập ổn định mà còn tạo việc làm cho lao động tại địa phương.
Được bố mẹ truyền dạy lại nghề nên hai anh em anh Lê Chí Thức và chị Lê Thị Phương Loan đều có cơ sở sản xuất đậu phụ cho riêng mình.
Trung bình một ngày, chị Loan sử dụng 1 tấn hạt đậu nành để sản xuất đậu phụ – Ảnh: N.P
Năm 2021, vợ chồng chị Loan đầu tư 150 triệu đồng mua sắm máy móc, thiết bị, xây dựng cơ sở sản xuất và kinh doanh đậu nóng tại chợ Phiên Cam Lộ. Nhờ chú trọng về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, ngay từ thời điểm mới mở cửa, sản phẩm của chị được nhiều người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn. Trung bình mỗi ngày, vợ chồng chị Loan sử dụng hơn 1 tấn hạt đậu nành để sản xuất đậu phụ.
Ngoài sản phẩm đậu phụ tươi được bán với giá 5.000 đồng/miếng, cơ sở của chị còn kinh doanh thêm đậu phụ rán, nước đậu, đậu hũ… “Vào những ngày rằm, ăn chay hằng tháng, số lượng khách đến mua đậu phụ gấp đôi ngày bình thường. Nghề làm đậu phụ bây giờ có nhiều khâu sử dụng máy móc nên đỡ vất vả hơn”, chị Loan bộc bạch.
Chị cũng tiết lộ thêm, mỗi tháng sau khi trừ toàn bộ chi phí, vợ chồng chị thu lợi nhuận từ 10 – 12 triệu đồng, nhờ vậy kinh tế gia đình ổn định hơn trước.
So với chị Loan, gia đình anh Thức gắn bó với nghề làm đậu phụ trong thời gian dài hơn. Trung bình mỗi ngày, cơ sở sản xuất đậu phụ của gia đình anh Thức tại thôn Cam Vũ 3, xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ, sử dụng hơn 2 tấn hạt đậu nành để làm ra sản phẩm bỏ mối cho tiểu thương tại các chợ trên địa bàn huyện Cam Lộ, TP. Đông Hà.
“Tôi sử dụng đậu nành nguyên chất và men ủ tự nhiên, tuyệt đối không dùng thêm các nguyên liệu hay chất phụ gia. May mắn là những năm qua, sản phẩm của vợ chồng tôi luôn được khách hàng gần xa tin tưởng, ủng hộ”, anh Thức cho biết.
Công việc này mang lại cho vợ chồng anh nguồn thu hàng trăm triệu đồng/năm. Không những thế, anh chị còn tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động tại địa phương với mức tiền công 6 triệu đồng/người/ tháng. Thời gian gần đây, tận dụng phụ phẩm thu được sau khi làm đậu phụ, vợ chồng anh Thức còn nuôi thêm lợn thịt để tăng thu nhập cho gia đình.
Gia đình chị Ngô Thị Liên, xã Trung Nam, huyện Vĩnh Linh, từng thuộc diện hộ nghèo. Tuy nhiên, nhờ thay đổi suy nghĩ làm ăn, không tập trung vào trồng lúa mà phát triển đa dạng các mô hình kinh tế khác, kinh tế gia đình chị được cải thiện.
Tận dụng lợi thế của địa phương, chị trồng thêm 8 sào cao su; trồng luân canh rau màu, khoai, môn, sắn, dưa hấu… trên diện tích 10 sào đất đỏ.
Vài năm trở lại đây, nhận thấy nghề nuôi bò, heo giống chuyên đi phối tinh trực tiếp cho con cái sinh sản “ăn nên làm ra”, vợ chồng chị đầu tư tiền mua 3 con heo và 2 con bò đực. Trung bình mỗi ngày, gia đình chị thu được 500 ngàn đồng từ việc cho heo, bò đi phối giống này.
Cần cù, chịu khó, tranh thủ thời gian, chị Liên còn làm thêm nghề “tay trái” là may quần áo, rèm màn cho các hộ gia đình lân cận trên địa bàn xã. Trung bình mỗi năm, từ các mô hình kinh tế nói trên, gia đình chị thu nhập hơn 200 triệu đồng. Vợ chồng chị cũng chính thức thoát nghèo từ năm 2008.
Ngoài làm ruộng, chị Liên nhận may quần áo, rèm màn để phát triển kinh tế gia đình – Ảnh: N.P
Tại xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, gia đình anh Hồ Sỹ Dưỡng là một trong những điển hình về phát triển kinh tế hộ.
“Ra riêng với hai bàn tay trắng, thứ vợ chồng tôi có được là sự chịu khó, chăm chỉ. Bởi tôi biết ngoài làm việc ra, không còn cách nào khác để thoát nghèo”, anh Dưỡng nhớ lại.
Trên diện tích gần 1 ha đất cát được bố mẹ cho, anh chị nỗ lực lao động, trồng nhiều loại cây rau ngắn ngày như mướp khía, môn nịt, sắn, ném… Về sau, anh Dưỡng bàn với vợ mua lợn nái, lợn thịt, bò, gà về nuôi. Thời điểm nhiều nhất, đàn lợn của gia đình anh phát triển lên 35 con. Đến mùa, anh còn làm thêm công việc đánh bắt cá, câu mực lá.
Mỗi năm, từ mô hình chăn nuôi, trồng trọt đa cây, đa con; đánh bắt thủy sản mang lại cho gia đình anh Dưỡng nguồn thu gần 200 triệu đồng.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Thái Nguyễn Hữu Thành, việc phát triển kinh tế từ hộ gia đình trên địa bàn xã Vĩnh Thái đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, chất lượng cuộc sống người dân ngày càng nâng cao. “Thời gian tới, Hội Nông dân xã Vĩnh Thái tiếp tục tham mưu UBND xã tạo điều kiện cho các hộ phát triển kinh tế bằng cách liên kết với các ngân hàng để hỗ trợ nguồn vốn vay; tập trung phát triển mô hình kinh tế phù hợp với lợi thế ở địa phương”, anh Thành khẳng định.
Toàn tỉnh hiện có trên 100.000 hội viên nông dân. Thời gian qua, nhiều mô hình kinh tế hộ gia đình của hội viên làm ăn có hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo tại các địa phương. “Việc phát triển kinh tế hộ gia đình là động lực, tiền đề để phát triển kinh tế tập thể.
Do đó, lãnh đạo, chính quyền các cấp luôn quan tâm, hỗ trợ người dân trong việc triển khai kỹ thuật, hỗ trợ thêm cây trồng, con giống, vật tư để sản xuất hiệu quả.
Đồng thời, khuyến khích thành lập các HTX, tổ hợp tác để người dân liên kết sản xuất, thúc đẩy việc phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung”, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lê Văn Mẫn cho biết.
Nam Phương