Là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa, thời gian qua, TP. Đông Hà đã có nhiều chủ trương, giải pháp để đầu tư bảo tồn, tôn tạo cũng như phát huy giá trị của hệ thống di tích lịch sử, văn hóa (LSVH) phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Bia di tích Cầu sắt Xóm Đò được TP. Đông Hà đầu tư tôn tạo năm 2020 – Ảnh: V.H
Trên địa bàn TP. Đông Hà hiện có 21 di tích LSVH, gồm: 1 di tích quốc gia đặc biệt, 1 di tích quốc gia và 19 di tích cấp tỉnh. Trong 21 di tích LSVH, có 4 di tích thuộc loại hình văn hoá nghệ thuật, 17 di tích loại hình lịch sử.
Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin TP. Đông Hà Lê Cửu Long cho biết: “Chịu nhiều hậu quả nặng nề của chiến tranh và tác động của thiên tai khắc nghiệt cũng như quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng nên nhiều di tích LSVH trên địa bàn bị xuống cấp. Trước thực tế này, với sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, thời gian qua công tác nghiên cứu, bảo vệ, tu bổ và phát huy giá trị các di tích LSVH được quan tâm với nhiều giải pháp đồng bộ.
Nổi bật là công tác điều tra, quy hoạch, khoanh vùng quản lý các di tích được thực hiện đồng bộ từ việc lập hồ sơ, thiết lập bản đồ di tích, cắm mốc chỉ giới, bảo vệ. Phân cấp quản lý và chỉ đạo, hướng dẫn các phường quan tâm thực hiện tốt công tác bảo vệ, tôn tạo các di tích. Triển khai xây dựng bia, biển ở các di tích để khẳng định vị trí di tích, cấp độ di tích và giới thiệu di tích để tuyên truyền lịch sử cách mạng, văn hóa cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Huy động nhiều nguồn lực để trùng tu, tôn tạo các di tích…”.
Cùng với đó, UBND TP. Đông Hà chỉ đạo Phòng Văn hóa – Thông tin phối hợp Phòng Quản lý đô thị để đưa các điểm di tích vào quy hoạch chi tiết các phân khu các phường; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan, UBND các phường triển khai rà soát điều chỉnh quy hoạch liên quan đến việc chồng lấn quy hoạch về khoanh vùng bảo vệ các di tích trên địa bàn thành phố làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc của các di tích.
Thực hiện số hóa thông tin các di tích lịch sử và gắn các bảng QR-Code tại di tích Nhà vòm sân bay – Phường 5 và Nhà ga Lô cốt – Phường 1 để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong và ngoài tỉnh trong việc tìm kiếm thông tin khi đến thăm các di tích. Hiện nay, có 18 di tích được khoanh vùng bảo vệ, 18 di tích đã hoàn thiện hồ sơ khoa học, 2 di tích đã được đưa vào kế hoạch năm 2024 và dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2024.
Từ năm 2014 đến nay, thành phố đã bố trí gần 6,1 tỉ đồng để thực hiện đầu tư, tôn tạo các di tích xuống cấp nghiêm trọng hoặc có nguy cơ mất dấu. Như năm 2017, bố trí hơn 932,2 triệu đồng tu bổ, sửa chữa Di tích Nhà ga Lô cốt – Phường 1 và Di tích Nhà vòm sân bay – Phường 5; năm 2018 bố trí trên 654,1 triệu đồng xây dựng bia di tích Ngã ba Gia Độ – phường Đông Giang và Bia di tích Đôộng Bồ Chao – phường Đông Thanh; năm 2020 bố trí trên 1,7 tỉ đồng xây dựng công trình Bia di tích và khuôn viên Chợ Hôm – Nhà thờ họ Nguyễn Khắc tại phường Đông Lễ và công trình Bia di tích Cầu sắt Xóm Đò và Địa điểm tổ chức lễ thả hoa tại phường Đông Thanh…
Là người quan tâm đến các di tích LSVH của địa phương, ông Hồ Văn Thoại, ở phường Đông Thanh cho biết: “Thời gian qua, tôi thấy nhiều di tích LSVH ở Đông Hà đã được đầu tư nâng cấp. Ví dụ như ngay trên địa bàn Đông Thanh, Bia di tích Cầu sắt Xóm Đò và Địa điểm tổ chức lễ thả hoa trên sông Hiếu đã được đầu tư tôn tạo.
Việc này là rất cần thiết bởi các di tích LSVH không chỉ là nhịp cầu nối liền quá khứ với hiện tại và tương lai, có ý nghĩa giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ mà còn là điểm tựa tinh thần vững chắc để cả cộng đồng phát triển về mọi mặt”.
Công tác bảo tồn, tôn tạo cũng như phát huy giá trị hệ thống di tích LSVH ở Đông Hà vẫn còn không ít khó khăn. Nhất là kinh phí bố trí cho công tác này từ ngân sách nhà nước, nguồn xã hội hóa còn rất hạn chế, chưa theo kịp với yêu cầu nhiệm vụ. Một số di tích còn gặp vướng mắc về đất đai trong vùng bảo vệ.
Toàn bộ khu vực bảo vệ I và bảo vệ II của Di tích quốc gia đặc biệt Cảng quân sự Đông Hà với tổng diện tích 1,52 ha hiện xuống cấp trầm trọng, hoang tàn, nhếch nhác và chưa thể cắm mốc, lập hồ sơ pháp lý và khoanh vùng bảo vệ theo quy định, gây mất mỹ quan, môi trường đô thị và có nguy cơ mất dấu tích gốc của di tích…
Để phát huy giá trị hệ thống di tích LSVH trên địa bàn, Đông Hà đang triển khai nhiều giải pháp. Trọng tâm là thực hiện các kế hoạch, đề án đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích trên địa bàn theo Nghị quyết số 167/NQ-HĐND ngày 9/12/2021 của HĐND tỉnh về đầu tư bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp hệ thống di tích LSVH tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022 – 2025.
Tập trung xử lý tình trạng chồng lấn quy hoạch, vướng mắc về đất đai trong vùng bảo vệ di tích để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ pháp lý và đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các di tích còn lại… Đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu các di tích LSVH trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang mạng xã hội, trong trường học, cộng đồng dân cư để vừa bảo vệ vừa phát huy giá trị các di tích.
Vũ Hoàng