Trong định hướng phát triển giai đoạn 2020-2025, huyện Vĩnh Linh xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đó là xây dựng thị trấn Bến Quan đạt tiêu chí đô thị loại V; mở rộng và phát triển thị trấn theo hướng đô thị kinh tế tổng hợp, là một trục trong tam giác các đô thị Hồ Xá – Cửa Tùng – Bến Quan kết nối ba vùng kinh tế trọng điểm của huyện Vĩnh Linh để cùng phát triển. Vào những ngày tháng Tư lịch sử này, chúng tôi có dịp lên miền Tây Vĩnh Linh, ghé thăm thị trấn Bến Quan, một vùng đất thấm đẫm chất sử thi, nơi ghi dấu nhiều chiến công trong các cuộc trường chinh cứu nước, nơi mà khát vọng xây dựng Bến Quan trở thành phố núi trẻ trung, năng động và giấc mơ “từ rừng lên phố” nay đã trở thành hiện thực với nhiều dự cảm và hy vọng.
Trung tâm thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh hôm nay -Ảnh: Đ.T
Nông trường xanh màu áo lính
Trong hành trình làm báo, tôi đã đến địa danh Bến Quan nhiều lần. Một bút ký khá dày dặn tôi viết năm 1992 với hình minh họa thật gợi của họa sĩ Trần Nguyên Lưu, đăng trên báo Quảng Trị mùa thu năm 1992 cũng viết về miền đất rất đỗi thân thuộc này với tựa đề “Bãi Hà mênh mông”.
Nằm về phía Tây Bắc huyện Vĩnh Linh, trong quá khứ, nơi đây từng có lối thượng đạo xuyên Việt mà quan, quân nhiều triều đại phong kiến đã đi qua. Lối thượng đạo này là con đường xuất bôn ra căn cứ kháng chiến chống Pháp phía Tây Quảng Bình của vị Vua yêu nước Hàm Nghi và đoàn tùy tùng khi Sơn phòng Tân Sở ở vùng Cùa bị giặc bao vây.
Trong kháng chiến chống Pháp, lối thượng đạo trở thành tuyến giao liên huyết mạch nối vùng tự do Liên khu IV với Liên khu V. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, con đường nhỏ này được mở rộng, trở thành nhánh Đông của tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại đi qua Bến Quan.
Vùng Bến Quan – Bãi Hà- Nông trường Quyết Thắng trở thành hậu cứ vững chắc của khu vực Vĩnh Linh qua hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm; là nơi đặt Sở chỉ huy của Mặt trận B5. Địa bàn Bến Quan là cửa ngõ thọc sâu vào mặt trận Đường 9 và Bắc Quảng Trị; là hậu cứ, “bàn đạp” của nhiều đơn vị bộ đội chủ lực tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Trên địa bàn Thôn 3, thị trấn Bến Quan hiện có Bia lưu niệm Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia: Trận địa tên lửa T5 của Trung đoàn Tên lửa 238, nơi ghi dấu một sự kiện hào hùng, từng gây chấn động dư luận thế giới, đó là lần đầu tiên, máy bay ném bom chiến lược B52 tối tân nhất của Không lực Hoa Kỳ bị bắn rơi trên chiến trường Việt Nam. Di tích này đã được Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch xếp hạng tại Quyết định số 3998/QĐ-BVHTTDL ngày 10/1/2010.
Sau chín năm trường kỳ kháng chiến, ngày 20/7/1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta kết thúc thắng lợi.
Theo quy định của Hiệp định Giơ- ne- vơ, đất nước ta tạm thời chia cắt tại Vĩ tuyến 17, cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, chờ đến tháng 7/1956 thì tiến hành tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Tuy nhiên, sự lật lọng của chính phủ độc tài Ngô Đình Diệm được Mỹ hà hơi tiếp sức đã thực hiện dã tâm chia cắt lâu dài đất nước ta.
Từ đây, cả dân tộc Việt Nam bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ và tay sai kéo dài hơn hai mươi năm để hiện thực hóa khát vọng thống nhất non sông. Trước tình hình đó, để bảo vệ và xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa trở thành hậu phương vững chắc cho cách mạng miền Nam, Đảng, Nhà nước ta tổ chức chuyển một số đơn vị quân đội sang làm kinh tế theo mô hình nông trường quân đội nhằm bố trí lại chiến lược phòng thủ, mở rộng khu dân cư, thực hiện đường lối chiến tranh nhân dân, đưa nông thôn miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội thông qua con đường hợp tác hóa nông thôn.
“Sự ra đời của một đơn vị hành chính cấp thị trấn trên miền Tây Vĩnh Linh là sự ghi nhận những nỗ lực phi thường của những người tiên phong đi mở đất và chính thức đánh dấu bước phát triển mới của mảnh đất và con người nơi đây. Trong chặng đường đổi mới, đó cũng chính là cội nguồn sức mạnh, sự kết nối liên tục truyền thống vẻ vang giữa Đảng bộ Nông trường Quyết Thắng với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị trấn Bến Quan hôm nay…”. |
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Sư đoàn 325 được Đảng, Nhà nước, Tổng Quân ủy Trung ương giao nhiệm vụ đóng quân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình và khu vực Vĩnh Linh để vừa bảo vệ giới tuyến, xây dựng kinh tế, vừa đảm bảo quốc phòng- an ninh. Xét thấy vị trí đặc biệt quan trọng đối với khu vực địa đầu giới tuyến và với miền Bắc xã hội chủ nghĩa, ngày 19/8/1958, trên mảnh đất miền Tây Vĩnh Linh thuộc xã Vĩnh Hà, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 332, Trung đoàn 18, Sư đoàn 325 có tăng cường một số đơn vị thuộc các đơn vị bạn được giao nhiệm vụ thành lập Nông trường Quyết Thắng. Cùng với quyết định thành lập nông trường, Ban Thường vụ Khu ủy Vĩnh Linh quyết định thành lập Đảng bộ Nông trường Quyết Thắng trên cơ sở toàn bộ đảng viên, chi bộ đại đội, đảng ủy tiểu đoàn từ quân đội chuyển sang. Đảng bộ Nông trường Quyết Thắng là một trong 36 đảng bộ nông trường quân đội đầu tiên được thành lập sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc.
Khi thành lập, Nông trường Quyết Thắng được Chính phủ quy hoạch, giao sử dụng 1.200 ha đất đồi thuộc các xã Vĩnh Long, Vĩnh Hà, Vĩnh Khê để phát triển các loại cây công nghiệp như cao su, chè, hồ tiêu và chăn nuôi trâu, bò, lợn, nuôi cá nước ngọt, đồng thời tổ chức xây dựng địa bàn chiến lược trong tuyến phòng thủ chiến đấu của khu vực Vĩnh Linh, làm “bàn đạp” chi viện cho chiến trường Bắc Quảng Trị. Mục tiêu là xây dựng Nông trường Quyết Thắng thành khu vực giàu về kinh tế, mạnh về chính trị, vững về quốc phòng ở vị trí “phên dậu” miền Tây giới tuyến.
Khi mới thành lập, Nông trường Quyết Thắng vẫn giữ nguyên cách thức quản lý, tổ chức, biên chế và điều hành của quân đội. Công nhân hưởng lương và phụ cấp theo quân hàm, khẩu phần ăn theo chế độ cung cấp của quân đội. Từ năm 1961, cán bộ, công nhân viên Nông trường Quyết Thắng không hưởng lương của quân đội nữa. Nông trường tổ chức “lễ hạ sao”, anh em bộ đội trở thành công nhân nông trường, trực thuộc Bộ Nông trường, hưởng lương theo ngạch, bậc công nhân nông nghiệp…
Chỉ trong gần 8 năm, với sức mạnh đoàn kết và ý chí quyết tâm của người lính Cụ Hồ, nông trường đã hoàn thành việc khai hoang, kiến thiết cơ bản. Đến cuối năm 1964, nông trường đã trồng được 1.014 ha cây cao su, 54 ha cây chè, 32,5 ha cây hồ tiêu và hàng trăm héc ta rau màu các loại. Nông trường có đàn trâu, bò trên 2.200 con, đàn lợn 600 con, có xưởng sửa chữa cơ khí và nhiều công trình xây dựng cơ bản khác phục vụ sản xuất, sinh hoạt.
Có thể nói, trên mảnh đất thị trấn Bến Quan lịch sử, mỗi tấc đất, mỗi ngọn núi, khúc sông, từng công trình, từng thung lũng, ngọn đồi đều thấm máu, mồ hôi, nước mắt của bao thế hệ đi trước. Những cư dân của thị trấn Bến Quan hôm nay là hậu duệ của những người lính Cụ Hồ tiên phong đến khai phá vùng đất mới nơi miền Tây Vĩnh Linh. Đây là lớp người đầu tiên xây dựng Nông trường Quyết Thắng trở thành đơn vị Anh hùng Lao động. Lớp người “tiền khai khẩn” đó đồng thời cũng là những người sau này đặt nền móng xây dựng nên Đảng bộ thị trấn Bến Quan vững mạnh hôm nay.
Đô thị xanh giữa miền rừng
Đến năm 1994, cụm dân cư Nông trường Quyết Thắng hội đủ những đặc điểm kinh tế- văn hóa xã hội và yêu cầu quản lý nhà nước, xét đề nghị của các cấp có thẩm quyền của huyện Vĩnh Linh và tỉnh Quảng Trị, Chính phủ ban hành Nghị định số 79/NĐ-CP ngày 1/8/1994 về việc thành lập thị trấn Bến Quan, thuộc huyện Vĩnh Linh. Thời kỳ này, diện tích thị trấn là 419 ha, dân số 3.421 người, 1.064 hộ. Từ đây, Bến Quan mang một trọng trách mới: xây dựng đô thị loại V nơi miền rừng Vĩnh Linh.
Căn nhà mới giữa vườn cao su xanh tốt của cư dân thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh -Ảnh: Đ.T
Bến Quan có địa hình khá phức tạp, nhiều khe suối, đồi núi, giao thông đi lại khó khăn nhưng bù lại đây là địa phương có nhiều tiềm năng trong việc đầu tư phát triển các loại cây công nghiệp, lâm nghiệp, xây dựng các mô hình kinh tế trang trại kết hợp, là địa bàn trung tâm, có đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 9D, Tỉnh lộ ĐT 571 đi qua, nơi giao thương hàng hóa của các xã miền Tây Vĩnh Linh.
Trong phát triển kinh tế, lĩnh vực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp chiếm tỉ trọng cao, trở thành thế mạnh của thị trấn. Người dân đã tập trung khai thác tiềm năng thế mạnh đất đai gò đồi, xác định mũi nhọn là cây cao su và cây lâm nghiệp, chăn nuôi gia súc.
Bên cạnh đó, quy hoạch cải tạo vườn tạp, phát triển mô hình vườn rừng, đưa nhiều giống cây mới có giá trị hàng hóa vào thay thế những loại cây có giá trị kinh tế thấp, cùng với việc duy trì diện tích nuôi cá nước ngọt và diện tích sản xuất lúa hằng năm.
Lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng và thương mại dịch vụ có nhiều chuyển dịch tích cực, tạo ra các hoạt động trao đổi lưu thông hàng hóa phong phú, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.
Đặc biệt trong những năm qua, nhiệm vụ xây dựng thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh luôn được Đảng ủy, UBND, các hội, đoàn thể thị trấn Bến Quan hết sức quan tâm, nỗ lực phấn đấu, chung tay xây dựng và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Trong đó, quy hoạch chung đô thị đã được UBND tỉnh phê duyệt và công bố công khai; các cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp sửa chữa, trong đó có trụ sở UBND thị trấn, 3 trường học, nhà văn hóa ở 5 xóm; số hộ có nhà xây kiên cố, phù hợp với kiến trúc chung đạt 90%. Toàn thị trấn có 35,55 km đường giao thông, trong đó có 4 km đường bê tông nhựa, 15,6 km đường láng nhựa, 14,45 km đường bê tông xi măng.
Các tuyến đường hằng năm được nâng cấp, sửa chữa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa và đi lại của người dân. Điện đã về đến hầu khắp các khu dân cư; chương trình “thắp sáng đường quê” tại 5 khóm đạt tỉ lệ đến 95%.
Từ một vùng điều kiện sống còn nhiều hạn chế, đến nay 100% hộ gia đình ở Bến Quan đã có nước sạch để dùng; 99,6% hộ gia đình có nhà vệ sinh, nhà tắm, bể chứa nước sạch.
Thị trấn đã thực hiện tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành như ứng dụng hệ thống một cửa điện tử, sử dụng các phần mềm dùng chung, ứng dụng chữ ký số. Các lĩnh vực văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục… có nhiều khởi sắc.
Một đặc điểm nổi bật của thị trấn Bến Quan đó là nguồn gốc dân cư được tập hợp từ nhiều vùng, miền trong cả nước, được hình thành trong quá trình xây dựng và phát triển Nông trường Quyết Thắng cùng về nơi miền Tây Vĩnh Linh này an cư, lạc nghiệp.
Mặc dù không có mối quan hệ dòng tộc, làng xã truyền thống nhưng cộng đồng dân cư thị trấn Bến Quan lại gắn kết chặt chẽ với nhau trong tình đồng chí, đồng đội và tính tiên phong của giai cấp công nhân.
Đến cuối năm 2023, thị trấn có 1.059 hộ đạt tiêu chí gia đình văn hóa ba năm liền, chiếm tỉ lệ 92,6%; 5/5 khóm được UBND huyện công nhận khóm văn hóa. Điều đáng mừng nữa là thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đã đạt 66 triệu đồng; tỉ lệ hộ nghèo đa chiều thấp hơn quy định chung của địa phương, toàn thị trấn hiện chỉ có 11/1.156 hộ, chiếm tỉ lệ 0,95%…
Bây giờ, đi qua thị trấn Bến Quan, ta dễ dàng bắt gặp những đoạn phố xá mới nhộn nhịp như chốn thị thành. Tháng 8 này, cùng với sự kiện kỷ niệm 70 năm truyền thống Vĩnh Linh, thị trấn Bến Quan cũng sẽ chạm mốc tuổi 30 tráng kiện.
30 năm, từ một nông trường miền rừng heo hút trở thành một đô thị mới năng động bên tuyến đường Hồ Chí Minh huyết mạch, Bến Quan đã biết tựa vào truyền thống lịch sử sâu dày và ý chí muôn người như một cùng chăm lo cho tương lai để tạo nên nguồn nội lực to lớn đủ sức đi đến ấm no, hạnh phúc, giàu đẹp trong tương lai gần…
Đào Tâm Thanh