Chiều nay 12/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam chủ trì cuộc họp nghe báo cáo phương án thiết kế tôn tạo các khu di tích quốc gia đặc biệt thuộc Chương trình Bảo tồn và Phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025, gồm: Dự án Khu di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị và các địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu, bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị; Công viên thống nhất tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải; Phương án kiến trúc công trình Nhà trưng bày di tích Quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam kết luận cuộc họp – Ảnh: L.A
Theo báo cáo của đơn vị tư vấn thiết kế là liên danh Công ty Cổ phần Mỹ thuật và Xây dựng Việt Nam – Công ty Cổ phần Tư vấn chất lượng công trình xanh, đối với Dự án Công viên thống nhất tại Khu di tích quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải, phương án thiết kế tôn tạo gồm: thiết kế, quy hoạch lại toàn bộ sân vườn cảnh quan khu vực bờ Bắc với diện tích khoảng 6.000m2. Tu bổ, tôn tạo các hạng mục trong di tích gồm: kỳ đài, nhà liên hợp, cầu Hiền Lương, nhà làm việc Ban quản lý, nhà tiếp đón, cải tạo khu vệ sinh bờ Nam và xây dựng mới biểu tượng khát vọng hòa bình.
Đối với dự án Khu di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị và các địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu, bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị gồm: bảo tồn, tôn tạo một số hạng mục tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị, nhà thờ Long Hưng và Trường Bồ Đề.
Hai dự án trên do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện từ năm 2023 – 2025
Tại cuộc họp, các đại biểu cũng nghe Công ty Cổ phần Tư vấn và Mỹ thuật Thành Nam báo cáo phương án kiến trúc công trình Nhà trưng bày Di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị.
Sau khi nghe ý kiến góp ý của các đại biểu, kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam nhấn mạnh, đây là dự án tôn tạo các di tích quốc gia nên yêu cầu đơn vị tư vấn phải tuân thủ đúng quy hoạch.
Đề nghị, đối với dự án Công viên Thống nhất tại Khu di tích quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải được thực hiện trên nguyên tắc phải tôn trọng di tích, không làm mới, bê tông hóa di tích; lựa chọn loại vật liệu xây dựng phù hợp, đảm bảo tính nguyên bản đã được công nhận. Cải tạo cảnh quan phù hợp, ưu tiên tỉ lệ cây xanh.
Lưu ý, đơn vị tư vấn nghiên cứu phương án thay thế cáp và hệ thống kéo cờ tại kỳ đài, xác định vị trí xây dựng cột mốc Vĩ tuyến 17 thích hợp để tạo thành điểm check in cho du khách; cải tạo toàn bộ phần bên dưới kỳ đài thành phòng chiếu phim chất lượng cao và các dịch vụ đi kèm.
Đối với Dự án Khu di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị và các địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu, bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị, yêu cầu phương án tôn tạo phải tuân thủ nguyên tắc giữ nguyên trạng Thành Cổ Quảng Trị; tính nguyên bản, quy mô và hình thức kiến trúc công trình còn gìn giữ được của nhà thờ Long Hưng và Trường Bồ Đề.
Đối với cải tạo cảnh quan hồ nước bên ngoài Thành Cổ Quảng Trị, yêu cầu đặt ra là nước trong hồ phải được luân chuyển để tạo môi trường sống thuận lợi cho các loài thủy sinh; việc xây dựng bổ sung hành lang tham quan bằng thép xung quanh Nhà lao xá cần tính toán lộ trình phù hợp cho du khách.
Đối với phương án kiến trúc công trình Nhà trưng bày di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý phải giữ nguyên tên gọi là Bảo tàng Thành Cổ Quảng Trị. Định hướng thiết kế phải áp dụng công nghệ cao, hiện đại, ưu tiên số hóa, 3D để tái hiện sinh động câu chuyện về 81 ngày đêm chiến đấu, bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị. Tận dụng tối đa không gian trưng bày và tính toán phương án vận hành tối ưu.
Đồng thời, gợi mở ý tưởng thiết kế theo 2 hướng, hướng truyền thống theo thiết kế của thời vua Minh Mạng; hướng hiện đại nghiên cứu cách điệu hình tượng chiếc mũ tai bèo, chiếc chuông…, trong đó ưu tiên hình tượng mũ tai bèo. Xác định vị trí xây dựng mới nằm phía sau vị trí hiện tại nhằm giảm áp lực cho tượng đài trung tâm.
Yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh xây dựng lộ trình thực hiện cụ thể để đảm bảo tiến độ đề ra.
Lê An