Hôm nay 12/4, UBND tỉnh và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam tổ chức họp thảo luận về kế hoạch triển khai thực hiện Dự án xây dựng Trung tâm Bảo trợ xã hội và Phục hồi chức năng cho người khuyết tật tỉnh Quảng Trị. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam; Giám đốc KOICA tại Việt Nam Lee Byung Hwa; đại diện Tổ chức Medipeace; các thành viên Ban chỉ đạo thực hiện dự án tham dự.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam phát biểu tại cuộc họp – Ảnh: T.T
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo dự án, trong quý I/2024, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2024 của dự án; phối hợp Tổ chức Medipeace thành lập nhóm vận hành lâm thời; đã và đang tổ chức các khóa đào tạo về công tác xã hội, phục hồi chức năng, hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu cho cán bộ tham gia thực hiện dự án.
Hiện đang hoàn thành dự thảo Đề án vị trí việc làm, chức năng nhiệm vụ của trung tâm. Thống nhất với Medipeace về danh sách trang thiết bị cho Trung tâm phục hồi chức năng theo nguyên tắc ưu tiên các trang thiết bị phục hồi chức năng cho người khuyết tật. Tổ chức các hoạt động hỗ trợ người khuyết tật tại cộng đồng và duy trì, phát triển các phòng phục hồi chức năng tại cộng đồng.
Trong quý II/2024 sẽ tập trung hoàn thành phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án, trình bố trí vốn năm 2024, lựa chọn nhà thầu thi công, giám sát xây dựng, tổ chức chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng….
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam chỉ đạo các ngành chức năng tập trung hoàn thiện các nội dung hai bên đã thống nhất – Ảnh: T.T
Trong thời gian qua, Medipeace đã triển khai các hoạt động xây dựng mạng lưới các phòng phục hồi chức năng tại các xã Hải Trường, Hải Quy (Hải Lăng), Gio An, Trung Hải (Gio Linh), Triệu Lăng (Triệu Phong) với mục tiêu kích hoạt các phòng phục hồi chức năng như một địa điểm để trẻ khuyết tật và phụ huynh có thể chia sẻ các hoạt động chung, xây dựng mạng lưới cộng đồng, nâng cao kỹ năng và năng lực của trẻ trong các hoạt động về âm nhạc, mỹ thuật, thực hiện các hoạt động đánh giá, can thiệp cho trẻ khuyết tật… tại các huyện Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh và TP. Đông Hà.
Theo kế hoạch, trong năm 2024, Medipeace thực hiện họp nhóm tự lực cha mẹ trẻ khuyết tật 20 lần ở 8 huyện trên địa bàn tỉnh.
Giám đốc KOICA tại Việt Nam Lee Byung Hwa thông báo một số nội dung Tổ chức Medipeace đã thực hiện thời gian qua – Ảnh: T.T
Tại cuộc họp, hai bên đã tập trung thảo luận chi tiết về triển khai các nội dung dự án trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam thống nhất với thiết kế đã được chỉnh sửa do đơn vị tư vấn trình bày. Đồng thời đề nghị các cơ quan thẩm định cần rút ngắn thời gian thẩm định nhưng phải đảm bảo đúng quy định, chất lượng hồ sơ.
Ngoài đơn vị tư vấn của Hàn Quốc, cần chọn đơn vị tư vấn có năng lực tại Việt Nam để thực hiện dự án này, các đơn vị tư vấn phải phối hợp chặt chẽ đẩy nhanh tiến độ thiết kế cơ sở (bao gồm thiết kế cơ sở về phòng cháy chữa cháy) để thực hiện các nội dung liên quan như: cấp giấy phép môi trường, lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi. Mục tiêu đặt ra phấn đấu tháng 8/2024 có thể khởi công dự án để chào mừng kỷ niệm 30 năm thành lập Văn phòng KOICA tại Việt Nam.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, bên cạnh thực hiện các thủ tục thi công công trình, cần tiến hành song song các hoạt động tập huấn, đào tạo nhân lực, xây dựng mạng lưới điều hành cũng như vận hành thử nghiệm để không ảnh hưởng tiến độ thực hiện dự án.
Yêu cầu Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp Tổ chức Medipeace hoàn thiện các nội dung đã thống nhất, đồng thời tích cực tham mưu Ban Chỉ đạo Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Bảo trợ xã hội và Phục hồi chức năng cho người khuyết tật tỉnh Quảng Trị để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án.
Thanh Trúc