Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất lúa trên địa bàn, thời gian qua, huyện Vĩnh Linh đã đẩy mạnh hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp và người dân thực hiện các dự án sản xuất lúa liên kết, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất và hình thành các vùng nguyên liệu lúa trên địa bàn.
Mô hình sản xuất lúa hữu cơ liên kết tiêu thụ sản phẩm với Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị tại xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh cho hiệu quả kinh tế cao – Ảnh: L.A
Đến nay, toàn huyện có khoảng 312 ha thực hiện sản xuất lúa liên kết, trong đó có hơn 210 ha sản xuất theo hướng hữu cơ với Công ty Cổ phần Tổng công ty Sông Gianh, Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị.
Mỗi héc ta sản xuất lúa liên kết theo hướng hữu cơ cho thu nhập cao hơn sản xuất lúa bình thường từ 2 – 3 triệu đồng. Đặc biệt, việc sản xuất lúa liên kết sử dụng quy trình khép kín, tập trung từ gieo cấy, thu hoạch lúa tươi tại ruộng sẽ giảm tổn thất sau thu hoạch từ 5% – 7%.
Theo kế hoạch, năm 2024, huyện Vĩnh Linh sẽ mở rộng diện tích thực hiện sản xuất lúa liên kết lên khoảng 400 ha, trong đó thực hiện sản xuất lúa hữu cơ liên kết là 250 ha.
Để thực hiện mục tiêu trên, huyện đang tập trung rà soát quy hoạch vùng sản xuất lúa hữu cơ ở vùng trọng điểm lúa của huyện gồm các xã Vĩnh Long, Vĩnh Thủy, Vĩnh Lâm. Đầu tư chỉnh trang đồng ruộng và dồn điền đổi thửa, hệ thống kênh thủy lợi cho các vùng sản xuất lúa liên kết. Hoàn thiện hệ thống sơ chế và chế biến lúa gạo Vĩnh Linh với tổng mức đầu tư gần 3 tỉ đồng.
Tăng cường chuyển giao và ứng dụng các loại giống có giá trị thương mại cao, xây dựng và phát triển chương trình thâm canh đồng bộ, ứng dụng quản lý sâu bệnh tổng hợp (IPM) trên lúa. Đồng thời, tăng cường mời gọi các doanh nghiệp đến liên kết tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ lúa gạo trên địa bàn huyện.
Lê An