Bằng việc lan tỏa những lợi ích thiết thực từ hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đến hội viên, đặc biệt là chị em phụ nữ ở nông thôn thời gian qua, hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) các cấp trong tỉnh đã góp phần cùng với chính quyền địa phương đẩy mạnh hơn nữa công tác chuyển đổi số khu vực nông thôn.
Thông qua phiên chợ quê không dùng tiền mặt do Hội LHPN xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ tổ chức, nhiều hội viên hiểu rõ hơn tiện ích của việc thanh toán không dùng tiền mặt – Ảnh: T.P
Từng tự thừa nhận mình là người “mù công nghệ”, nên khi nghe những thông tin như chuyển đổi số, công nghệ số…, bà Nguyễn Thị Lý, ở thôn Cam Vũ 1, xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ không mấy quan tâm. Mấy năm trước, bà được các con sắm cho một chiếc điện thoại thông minh nhưng chủ yếu dùng để xem youtube, lướt facebook trò chuyện cùng bạn bè chứ chưa từng sử dụng các ứng dụng như: smartbanking, MOMO bao giờ.
Thế rồi nhờ có sự tuyên truyền, hướng dẫn từ cán bộ Hội LHPN, bà Lý đã làm quen với khái niệm “thanh toán hàng hóa không dùng tiền mặt”; dần thao tác thành thạo hơn cách thanh toán bằng quét mã QR code. Tại phiên chợ quê không dùng tiền mặt do Hội LHPN xã Cam Thủy tổ chức, bà có mặt từ sớm, lựa mua hàng hóa từ gian hàng của các thôn khác và liên tục… quét mã.
Chia sẻ về cảm nhận của mình, bà Lý cho hay: “Thanh toán không dùng tiền mặt thật tiện lợi. Hồi trước đi chợ phải mang ví tiền, túi xách lỉnh kỉnh chứ bây giờ ra đường chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh; quét mã, bấm số tiền cần chuyển là xong. Tiền các con gửi về, tôi cứ để trong tài khoản như vậy, lúc nào mua hàng hóa, thanh toán cho nhanh”.
Không riêng bà Lý mà nhiều chị em hội viên trên địa bàn, đặc biệt là những người lâu nay vốn đã quen mua hàng bằng tiền mặt cũng tỏ ra thích thú với hình thức thanh toán không dùng tiền mặt tại phiên chợ quê đặc biệt này.
Chủ tịch Hội LHPN xã Cam Thủy Lê Thị Hà cho biết: Lâu nay, việc thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn chưa phổ biến. Nguyên nhân chủ yếu do người dân đã quen với việc dùng tiền mặt để trả khi mua hàng; đa số các cơ sở kinh doanh cũng không chấp nhận thanh toán qua ví điện tử nên khó có thể chấp nhận ngay các dịch vụ công nghệ điện tử mới này.
“Trong quá trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, xã Cam Thủy lựa chọn chuyển đổi số làm điểm nhấn. Thế nên, cùng với chính quyền địa phương, Hội LHPN xã mong muốn tạo nên sự đổi thay trong nhận thức của hội viên về chuyển đổi số mà trước hết là thanh toán hàng hóa không dùng tiền mặt.
Sau phiên chợ quê không dùng tiền mặt, nhiều chị em đã bắt đầu làm quen với hình thức thanh toán này. Sự thành công của phiên chợ sẽ là động lực để Hội LHPN xã triển khai nhiều hơn các hoạt động liên quan đến tiêu dùng không dùng tiền mặt nói riêng và chuyển đổi số nói chung”, chị Hà khẳng định.
Tại huyện Vĩnh Linh, nắm bắt được thực tế ở các tiệm tạp hóa, quán cà phê, chợ tại xã, thị trấn tập trung phần lớn chị em giao dịch, đây lại là đối tượng lớn được quan tâm để thúc đẩy chuyển đổi số nên Hội LHPN huyện đã tích cực phối hợp, tuyên truyền thông qua nhiều hình thức như: tuyên truyền trực tiếp, trên mạng xã hội… để nhiều chị em hiểu và áp dụng.
Dù chỉ là một chủ tiệm tạp hóa nhỏ ở vùng quê Trung Nam, song chị Nguyễn Thị Lan vẫn đăng ký tạo mã QR code để thuận tiện cho khách hàng khi đến mua, thanh toán hàng hóa.
Chị Lan cho hay: “Được cán bộ hội xuống tận nơi hướng dẫn, tôi hiểu hơn về lợi ích của việc thanh toán không dùng tiền mặt. Khách đến mua hàng khi nghe tôi đề nghị thanh toán bằng chuyển khoản đều vui vẻ thực hiện ngay. Cũng đơn giản lắm, làm theo hướng dẫn khoảng 5 – 7 phút đã có thể thanh toán được liền. Những người đã dùng quen chỉ mất chừng 3 phút là xong”.
Lợi ích có thể thấy rõ, tuy nhiên, Chủ tịch Hội LHPN huyện Vĩnh Linh Nguyễn Thị Tuyết cũng cho biết, việc tuyên truyền để người dân thay đổi hình thức thanh toán bằng tiền mặt vốn đã tồn tại lâu nay là điều không dễ. “Khó khăn lớn nhất của chúng tôi là cần phải làm thay đổi nhận thức của hội viên lớn tuổi bởi họ đã quá quen với việc mua, bán hàng hóa bằng tiền mặt, lại không rành sử dụng công nghệ.
Hội LHPN huyện đang tích cực phối hợp với các ban, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền bằng các hình thức đa dạng để hỗ trợ, hướng dẫn cho nhiều chị em, nhất là các tiểu thương kinh doanh ở vùng nông thôn làm quen hơn với hình thức thanh toán không dùng tiền mặt”, chị Tuyết nói.
Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Trần Thị Thanh Hà khẳng định: “Để thích ứng với thời đại công nghệ số, mỗi người dân nói chung, phụ nữ nói riêng, nhất là phụ nữ nông thôn cần phải trang bị, cập nhật các kiến thức về công nghệ, đặc biệt là các kiến thức hỗ trợ cho việc kinh doanh, sinh hoạt hằng ngày; tiếp thu các phương thức kinh doanh mới để kết nối thị trường, tiêu thụ sản phẩm, giúp nâng cao năng suất bán hàng, cải thiện dịch vụ, phát triển việc kinh doanh.
Hội LHPN các cấp trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ đẩy mạnh sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử, giao dịch thương mại điện tử, hướng tới việc thanh toán không dùng tiền mặt.
Thời gian tới, các cấp hội trong toàn tỉnh sẽ tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó coi trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ về chuyển đổi số. Đồng thời tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, phụ nữ thực hiện giao dịch thương mại điện tử; sử dụng điện thoại thông minh để tiếp cận thông tin theo hướng hiện đại, thu nhận kiến thức bổ ích theo nhu cầu”.
Trúc Phương