Tôi sinh ra ở nông thôn nên tuổi thơ được đắm mình trong mùi ngai ngái của đồng đất, mùi nồng nồng của rơm rạ quê nhà. Bạn bè tôi giờ mỗi đứa mỗi nơi. Có đứa qua xứ người lập nghiệp, có đứa làm dâu đất Bắc rồi cùng chồng tất tả ngược Nam…còn tôi, sống và làm việc nơi phố thị. Cứ mỗi lần nghe mùi cơm gạo mới thoảng trong gió chiều, nỗi nhớ quê nhà rưng rưng, se sắt.
Minh họa: L.N.DUY
Chao ôi! Nhớ cái mùi rơm rạ thân thuộc quyện chặt trong khói lam chiều của những năm tháng xa…xa đến nao lòng. Trong ký ức của tôi, cánh đồng quê như một bức tranh muôn màu sắc. Đó là những khóm hoa dại mọc ngập lối trên triền đê, rung rinh đợi nắng vào mỗi sớm mai. Đó là những bông cỏ may dùng dằng níu chân người đi như lời hò hẹn ngày quay trở lại. Vào mùa gặt, cánh đồng nhộn nhịp tiếng nói cười từ rất sớm.
Bấy giờ, chưa hiện đại hóa nông nghiệp như hiện nay, các mẹ, các chị nhanh tay gặt lúa, những tấm lưng áo đẫm mồ hôi, nón trắng nhấp nhô trên đồng như cánh cò gọi mùa sang. Trên đường quê, từng xe lúa chất đầy vội vã trở về để phơi cho kịp nắng.
Ngay từ đầu làng, nhà nào cũng có sân phơi trải đầy lúa vàng, đám trẻ con chúng tôi vẫn hay đi tới đi lui trên sân lúa gọi là “cày lúa” để lúa mau khô. Có những khi trời đang nắng oi, một cơn gió thổi mạnh, mây đen ùn ùn kéo về, cả nhà đang quây quần bên mâm cơm vội vã đứng dậy, chạy đua cùng cơn mưa chiều đỏng đảnh để “cứu lúa”.
Công việc nhà nông ngày mùa nối tiếp nhau. Chỉ đến khi lúa đã phơi xong thì mới thảnh thơi bên nồi cơm gạo mới.
Thoáng chốc, ruộng đã gặt xong. Đâu đâu cũng thấy rơm rạ ngút ngàn, vương cả trên những lối đi. Sau mùa gặt, ở quê tôi, nhà nào cũng có một cây rơm ở góc vườn. Tôi thương mùi rơm rạ quê nhà.
Nó cứ ngai ngái, quyện chặt vào sống mũi, cay cay, ấm nồng. Mùi rơm rạ thấm mùi mồ hôi nông dân ngày vác cuốc ra đồng, nắng đốt lưng còng; mùi của sự lam lũ, tảo tần của mẹ; mùi của niềm vui những vụ mùa bội thu và mùi nỗi buồn hằn sâu khóe mắt của người nông dân sau mỗi vụ mùa thất bát.
Mùi rơm rạ là mùi của đồng ruộng mà người con ở vùng thôn quê không thể nào quên được. Nhớ thương ngày cũ, thơm mùi rơm xưa nên với tôi “chỉ vừa mới tới bến quê/mùi rơm rạ/đã mụ mê/cả lòng” (Bằng Hữu). Nhiều khi, nơi phố thị ồn ào, giữa những nhọc nhằn mưu sinh, tôi chỉ muốn hít lấy một hơi thật sâu để nối miền ký ức.
Nhớ về những tháng ngày mình còn là đứa trẻ đầu trần, chân đất cuộn mình trong lớp rơm vàng chơi trò trốn tìm cùng bè bạn. Ký ức quê nhà luôn lắng sâu trong hương đồng, gió bãi. Nơi đó, có mùi rơm rạ ngai ngái, thoang thoảng rồi loang dần trong miền hoài niệm. Cái mùi rơm rạ chừng như đã quên lãng đâu đó, bất chợt bị đánh thức trong nỗi xốn xang.
Năm tháng qua đi, khi thảng thốt nhận ra mình không còn trẻ nữa, cánh đồng quê đã trở thành một phần ký ức không thể nào quên. Đó là tuổi thơ hồn nhiên, trong trẻo trong một đời người. Nhớ mùi rơm rạ, tôi mang theo những khát khao, những ước mơ để góp nhặt yêu thương cho riêng mình. Bất chợt, có sợi rơm vàng nào vương trong nắng gió chiều nay…
An Khanh