Vùng khơi hay vùng lộng luôn có loài cá hố được ngư dân ví là loài “cá biển mình rồng” do thân hình dài lấp lánh ánh bạc cùng vây chạy dọc sống lưng. Thời điểm này đang là vụ đánh bắt cá hố, nhiều ngư dân trong tỉnh có thu nhập khá từ việc đánh bắt loài cá này bằng lưới rê siêu bùng nhùng.
Thương lái thu mua cá hố ở Cảng cá Cửa Tùng – Ảnh: H.A
Loài cá linh thiêng
Đang tỉ mẩn ngồi vá từng tay lưới rê siêu bùng nhùng để chuẩn bị cho chuyến biển, khi nhắc đến loài cá hố rồng (có nơi còn gọi là cá mái chèo, hố ông hoặc ông phướn), ngư dân Trần Viết Thành ở Thôn 4, xã Gio Hải, huyện Gio Linh cho biết, trong tín ngưỡng tâm linh của ngư dân miền biển, đây là loài cá linh thiêng. Khi loài cá hố rồng “lụy bờ” (dạt vào bờ) luôn được ngư dân chôn cất, lập am để thờ tự, hương khói. Bởi giữa biển đêm mịt mùng lạnh giá hay giông tố bão bùng, ngư dân gặp nạn vẫn luôn le lói niềm hy vọng, niềm tin về sự cứu giúp của loài cá này.
Nhiều ngư dân gắn bó gần trọn vẹn đời người với biển khơi ở các làng biển suốt dọc vùng biển bãi ngang từ xã Hải Khê (huyện Hải Lăng) đến xã Vĩnh Thái (huyện Vĩnh Linh) vẫn lưu truyền bao câu chuyện về sự cứu giúp của loài cá hố; những lần loài cá này“lụy bờ” được ngư dân chôn cất bằng lễ nghi tôn kính nhất…
Loài cá hố rồng được ngư dân chôn cất thờ cúng có đặc điểm là thân màu trắng bạc có nhiều đốm xanh với chiều dài khoảng 4 – 8 m; trên lưng có vây màu đỏ và phần đầu có chùm râu dài… Khi cá hố rồng “lụy bờ” thì ngay trong ngày hôm ấy, các bô lão cao niên của làng biển bắt đầu công việc tìm mảnh đất cao ráo, gần biển để lập đàn cúng tế xin với thần linh, thổ địa được an táng cá hố rồng.
Nơi an táng phải có địa hình thoáng đãng, hướng nhìn ra biển. Nghi thức an táng cá hố rồng diễn ra linh đình trong 3 ngày. Hằng năm, cứ đến tết Nguyên đán, làng làm lễ tạ linh đình để cầu mưa thuận, gió hòa, biển được mùa tôm, cá…
Nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao
Trở về sau chuyến đánh bắt cá hố bằng lưới rê siêu bùng nhùng kéo dài gần 5 ngày, đêm ở ngư trường xung quanh đảo Cồn Cỏ, ngư dân Bùi Đình Hùng ở Khu phố 7, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh cho biết, những năm gần đây nhiều ngư dân thị trấn Cửa Việt, xã Gio Việt, Gio Hải (huyện Gio Linh), thị trấn Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh) đã đầu tư mua sắm lưới rê siêu bùng nhùng để đánh bắt cá hố cùng nhiều loại thủy hải sản khác.
Lưới rê siêu bùng nhùng được se từ sợi PE đơn sợi (thường có sợi mảnh hơn lưới rê bùng nhùng thông thường) nên khi thả lưới vào nước biển, sợi lưới bung ra tạo thành nhiều búi nhỏ có màu sắc giống với màu sắc của nước biển, làm cho cá hố mắc lưới nhiều hơn.
Trước đây, ngư dân đánh bắt cá hố bằng lưới cước hoặc làm nghề câu khơi nhưng sản lượng đánh bắt thấp và hiệu quả kinh tế không cao. Hình dạng cá hố gần giống dạng lươn, mỏ nhô nhọn ra phía trước, mắt hơi to, miệng rộng, nhiều răng hàm tách biệt và răng nhỏ ở cả hai hàm.
Cá hố trưởng thành có chiều dài từ 0,7 – 1,2 m; trọng lượng đạt từ 0,8-2 kg (nhiều con cá hố có thể đạt trọng lượng từ 3 – 4 kg). Loài cá này đánh bắt bằng lưới rê siêu bùng nhùng ở ngư trường xung quanh đảo Cồn Cỏ (cách bờ khoảng 40 – 50 hải lý) thường có chiều dài từ 1 – 1,2 m và nặng 1 – 2 kg nên có giá trị kinh tế cao.
Cá hố sinh sống ngoài biển khơi ở độ sâu từ khoảng 70 – 100 m. Từ tháng 11 của năm trước kéo dài cho đến tháng 3 (âm lịch) năm sau, cá hố thường xuất hiện theo đàn ở vùng biển gần bờ. Vì vậy, cá hố có thể đánh bắt quanh năm ở vùng biển xa bờ.
Anh Thành cho biết, mặc dù hiện nay nghề đánh bắt cá hố bằng lưới rê siêu bùng nhùng chưa phổ biến như nghề vây rút chì, pha xúc, rê bùng nhùng nhưng hiệu quả kinh tế mang lại của nghề này không hề thua kém.
Đơn cử, từ tết Nguyên đán Giáp Thìn – 2024 đến nay, tàu đánh bắt xa bờ có công suất 400 CV của anh đã có 4 chuyến đánh bắt cá hố bằng lưới rê siêu bùng nhùng ở ngư trường xung quanh đảo Cồn Cỏ với sản lượng đánh bắt bình quân đạt 6 – 8 tạ cá hố/chuyến biển; giá thị trường hiện tại được thương lái thu mua giao động từ 100 – 120 nghìn đồng/kg thì mỗi chuyến biển sẽ có thu nhập từ 70 – 100 triệu đồng.
Những năm trước đây, cá hố được thương lái thu mua với giá từ 150 – 200 nghìn đồng/kg để xuất khẩu sang Trung Quốc. Hiện tại, cá hố chỉ được tiêu thụ ở thị trường nội địa với giá từ 100 – 120 nghìn đồng/ kg. Nghề đánh bắt cá hố bằng lưới rê siêu bùng nhùng mặc dù mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng ngư dân Quảng Trị còn gặp khó khăn về nguồn vốn để đầu tư mua sắm thêm ngư lưới cụ. Hiện chiều dài tối đa của vàng lưới rê siêu bùng nhùng của các tàu đánh bắt xa bờ chỉ từ 2 – 5 hải lý.
Trong khi ngư dân các tỉnh như: Thanh Hóa, Nam Định, Quảng Bình khi đến đánh bắt ở ngư trường xung quanh đảo Cồn Cỏ luôn sử dụng lưới có chiều dài từ 8 – 10 hải lý; sản lượng đánh bắt vì thế nhiều gấp đôi tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Quảng Trị và mỗi chuyến biển đánh bắt cá hố ngư dân có thu nhập 1 – 2 tỉ đồng là chuyện bình thường.
Theo ngư dân Hồ Sĩ Dưỡng ở thôn Đông Luật, xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, cá hố là một trong những loài thủy hải sản có giá trị kinh tế cao, mang lại nguồn thu nhập cho ngư dân vùng biển bãi ngang với mỗi chuyến biển có thu nhập vài triệu đồng. Bây giờ đang trong mùa biển động, muốn vươn khơi nhiều ngư dân vùng biển bãi ngang thôn Đông Luật từ ngày hôm trước phải xuống biển xem màu nước, sóng biển, hướng gió để dự đoán dòng hải lưu, sau đó quyết định sẽ ra khơi vào lúc mấy giờ trong đêm.
Thông thường khoảng 4 – 5 giờ sáng hôm sau, ngư dân thôn Đông Luật bắt đầu lên thuyền ra biển. Ngư trường đánh bắt loài cá hố vùng lộng chỉ cách bờ khoảng 1 – 2 hải lý nên sau khi buông xong vàng lưới rê thì trời bắt đầu sáng. Lúc này, cái lạnh giá mới thực sự ngấm vào da thịt của ngư dân. Chỉ đến khi kéo vàng lưới rê lên với lấp lánh ánh bạc của những con “cá biển mình rồng” thì cái lạnh mới tan biến lúc nào không hay…
Hải An