Cuối tháng 3/2024, huyện đảo Cồn Cỏ sẽ tổ chức khởi động “Năm Du lịch huyện đảo Cồn Cỏ 2024”. Thông qua hoạt động giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa lịch sử, tài nguyên, sản phẩm du lịch và các hoạt động sẽ diễn ra trong Năm Du lịch 2024, góp phần thúc đẩy phát triển ngành du lịch của tỉnh nói chung và huyện đảo Cồn Cỏ nói riêng, thu hút khách du lịch và các đơn vị lữ hành đến với Cồn Cỏ.
Bình minh trên đảo Cồn Cỏ -Ảnh: BẢO BÌNH
Ngay sau tết Nguyên đán, vợ chồng chị Hoàng Thị Thủy, chủ quán ăn Thân Thương tranh thủ sửa sang lại quán, mua sắm thêm bàn ghế mới, chuẩn bị các điều kiện để đón khách du lịch ra đảo Cồn Cỏ khi thời tiết thuận lợi. Gắn bó với huyện đảo hơn 20 năm, kinh doanh dịch vụ ăn uống hơn 10 năm, chị Thủy có nhiều kinh nghiệm để phục vụ khách du lịch chu đáo khi lưu trú tại đảo. “Khách du lịch đến với Cồn Cỏ thường mong muốn thưởng thức những món đặc sản của đảo. Vì thế, ngoài các loại tôm, cá, mực, quán chúng tôi luôn chủ động chuẩn bị các món mới lạ như hàu răng cưa, ốc mắt ngọc, ốc đồi, ốc thổ, hải sâm, rong nho… để chế biến những món ăn tươi ngon, hấp dẫn du khách”.
Trên địa bàn huyện hiện có 5 điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát đảm bảo phục vụ cho khoảng 500 khách với những món ăn đặc trưng của đảo. Có 7 địa điểm kinh doanh dịch vụ lưu trú với số lượng 73 phòng nghỉ, phục vụ trên 250 khách lưu trú.
Trong đó có 5 nhà khách và 6 homestay (Trâm Anh, Sao Biển, Hoàng Liên, Hưng Phương, Hải Âu, Thánh Duyên). Huyện đã tạo điều kiện và khuyến khích các hộ gia đình đầu tư, trang bị thêm cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng các dịch vụ như đầu tư xe điện, sửa chữa nhà nghỉ (theo mô hình homestay), nâng cấp nhà hàng… để đáp ứng chất lượng phục vụ. Về phương tiện vận chuyển, hiện có 2 đơn vị là Công ty TNHH một thành viên 189 (Bộ Quốc phòng) với tàu ConCo Tourist (sức chở 80 khách) và Công ty TNHH Chín Nghĩa Quảng Trị với tàu Chín Nghĩa Quảng Trị (sức chở 156 khách).
Khách du lịch đến đảo Cồn Cỏ sẽ được trải nghiệm các loại dịch vụ giải trí đa dạng như thuê tàu đi quanh đảo, câu cá, lặn ngắm san hô, thuê các phương tiện di chuyển tham quan quanh đảo. Cồn Cỏ cũng ngày càng hấp dẫn với du khách với các điểm tham quan như Cột cờ Tổ quốc, nhà truyền thống, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, Bến Nghè, Bến Tranh, hầm Quân y thời kháng chiến chống Mỹ, giếng mội cổ.
Du khách có cơ hội ngắm toàn cảnh đảo Cồn Cỏ từ ngọn hải đăng, tham quan dã ngoại rừng nguyên sinh Cồn Cỏ qua đường dạo trong rừng, cùng với nhiều loại hình du lịch biển kết hợp du lịch sinh thái như lặn biển để khám phá sự đa dạng sinh học ở Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ. Theo thống kê, đến cuối năm 2023, lượng khách du lịch ra đảo đạt 8.681 lượt khách, đạt 91,4 % kế hoạch năm, cao hơn so với năm 2022, tổng doanh thu từ dịch vụ, du lịch ước đạt trên 11 tỉ đồng.
Năm 2024, huyện đảo Cồn Cỏ phấn đấu thu hút từ 9.500 – 10.000 lượt khách tham quan đảo, doanh thu đạt khoảng 15 tỉ đồng.
Để đạt được mục tiêu này, huyện tiếp tục khuyến khích, đẩy mạnh khai thác hiệu quả sản phẩm du lịch hiện có, hình thành thêm một số sản phẩm du lịch mới phục vụ du khách như ngắm san hô từ tàu đáy kính, đốt lửa trại, giao lưu văn hóa văn nghệ giữa du khách với quân dân trên đảo.
“Huyện đưa một số công trình vào hoạt động phục vụ khách tham quan du lịch như Đài quan sát Thái Văn A và các điểm tham quan Cụm bàng vuông, Hầm quân y, Nhà truyền thống. Triển khai các hoạt động tham quan, du lịch về đêm tại bãi Bến Nghè như đốt lửa trại… để đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, hấp dẫn du khách. Đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ về các điều kiện ăn, nghỉ, phối hợp giữa các đơn vị vận chuyển đưa đón hành khách ra đảo và vào đất liền thuận tiện. Cuối tháng 3/2024, huyện sẽ tổ chức lễ khởi động Năm Du lịch huyện đảo Cồn Cỏ 2024 nhằm tạo sức lan tỏa sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, du khách và các đơn vị lữ hành để thu hút nhiều hơn lượt khách du lịch đến với đảo”, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ Trương Khắc Trưởng cho biết.
Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, ngoài tiềm năng, điều kiện sẵn có, cần phải xây dựng hệ thống hạ tầng phục vụ du lịch hoàn chỉnh bao gồm hạ tầng giao thông, viễn thông và dịch vụ. Thời gian tới, huyện đảo Cồn Cỏ tiếp tục quan tâm đầu tư, tôn tạo một số điểm đến, danh thắng lịch sử, kêu gọi đầu tư hạ tầng du lịch.
Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các ban, ngành có liên quan nghiên cứu xây dựng bổ sung về quy hoạch phát triển du lịch huyện đảo Cồn Cỏ đến năm 2025 có tính đến năm 2030 tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh. Đồng thời tham mưu, trình UBND tỉnh phê duyệt một số công trình, dự án hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển du lịch như bãi tắm nhân tạo, biểu tượng huyện đảo Cồn Cỏ và lối chỉ dẫn Điểm A11…
Đẩy mạnh kêu gọi, huy động hiệu quả các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh, trong đó ưu tiên cho hạ tầng du lịch, dịch vụ (khách sạn, khu nghỉ dưỡng, bãi tắm…). Tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp thành lập công ty du lịch đặt trụ sở tại huyện làm đầu mối để liên kết các tour, tuyến du lịch, quảng bá, thu hút khách du lịch đến với huyện đảo.
Bảo Bình