Chiều nay 5/3, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) Công tác biên giới tỉnh Hà Sỹ Đồng chủ trì hội nghị tổng kết công tác biên giới năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng đề nghị giải quyết dứt điểm tình trạng người Lào di cư tự do sinh sống trong vùng biên giới nhưng chưa được cấp các giấy tờ liên quan – Ảnh: Lê Trường
Quảng Trị có đoạn biên giới đất liền dài 187,864 km tiếp giáp hai tỉnh Savannakhet và Salavan (Lào) với 67 vị trí/73 cột mốc, 23 vị trí/35 cọc dấu và 2 cọc dấu không số. Trên tuyến biên giới đất liền có 2 cặp cửa khẩu quốc tế là: Lao Bảo – Densavanh, La Lay – La Lay; 4 cặp cửa khẩu phụ gồm Tà Rùng – La Cồ, Cheng – Bản Mày, Thanh – Denvilay và Cóc – A Xóc. Tỉnh có bờ biển dài gần 75 km, vùng lãnh hải đặc quyền kinh tế của địa phương khoảng 8.400 km2 với 4 huyện ven biển và một huyện đảo.
Năm 2023, công tác quản lý, bảo vệ biên giới, biển đảo luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của trung ương và tỉnh.
Trong đó, duy trì tổ chức các cuộc hội đàm, gặp gỡ, trao đổi phối hợp giữa các địa phương của tỉnh và nước bạn Lào; các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan vùng biên giới tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân hai bên biên giới nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ đường biên, cột mốc; đẩy mạnh công tác tuần tra, đấu tranh với các loại tội phạm nhằm giữ vững an ninh chính trị và trật tự ạn toàn xã hội trên địa bàn biên giới; tích cực tham gia củng cố, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh…
Trong năm, các đồn biên phòng trên tuyến đất liền đã phối hợp các đơn vị, địa phương liên quan tổ chức 1.020 đợt tuần tra đơn phương và song phương với 7.260 lượt cán bộ, chiến sĩ hai bên tham gia. Qua đó, phát hiện 134 vụ/207 đối tượng liên quan đến ma túy, tang vật thu giữ hơn 382 kg và 754.015 viên ma túy tổng hợp; 65 vụ/73 đối tượng vi phạm quy chế quản lý biên giới về xuất nhập cảnh…
Song song đó, các lực lượng chức năng tích cực phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với chính quyền địa phương và ngư dân để nắm tình hình, kịp thời giải quyết, xử lý có hiệu quả các vụ việc xảy ra trên biển. Công tác quản lý, kiểm soát người, phương tiện hoạt động nghề cá trên biển đảm bảo chặt chẽ, đúng quy trình, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân vươn khơi bám biển.
Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về những khó khăn, phương hướng nhiệm vụ trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới, biển đảo thời gian tới.
Trong đó, có ý kiến cho rằng, cơ sở hạ tầng giao thông hiện chưa được đầu tư đồng bộ nên việc xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu quốc tế gặp nhiều trở ngại; thực trạng bờ sông biên giới Sê Pôn phía Việt Nam đoạn qua huyện Hướng Hóa sạt lở nghiêm trọng gây khó trong việc xác định chính xác đường biên giới để quản lý, bảo vệ.
Về nhiệm vụ năm 2024, cần tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện tốt Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới, Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam – Lào được Chính phủ hai nước ký vào năm 2016; hợp tác chặt chẽ trong trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin về quân sự, an ninh và biên giới; phối hợp đấu tranh, ngăn chặn, xử lý kịp thời mọi hành động xâm phạm đến an ninh biên giới; đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và ý nghĩa lịch sử của đường biên giới Việt Nam – Lào.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng đề nghị các sở, ban, ngành và địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và ý nghĩa lịch sử của đường biên giới Việt Nam-Lào, hệ thống mốc quốc giới; ý thức trách nhiệm công dân trong việc bảo vệ đường biên, cột mốc; rà soát nhân sự đề xuất UBND tỉnh kiện toàn BCĐ công tác biên giới tỉnh.
Sở Tư pháp chủ trì phối hợp rà soát, đề xuất biện pháp giải quyết dứt điểm tình trạng người Lào di cư tự do sinh sống trong vùng biên giới thuộc hai huyện Hướng Hóa và Đakrông nhưng chưa được cấp các giấy tờ liên quan; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì phối hợp Công an, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và các đơn vị, địa phương tăng cường tuần tra, ngăn chặn, xử lý các hoạt động vi phạm quy định biên giới trên đất liền và biển đảo.
Đồng thời, hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục đề xuất việc sửa chữa, duy tu các mốc quốc giới bị sạt lở, rạn nứt và có nguy cơ sạt lở để đảm bảo tính bền vững, lâu dài của hệ thống mốc quốc giới Việt Nam-Lào. UBND các huyện tuyến biển tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về chủ quyền biển đảo, công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) và giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường biển; thực hiện tốt công tác cứu hộ cứu nạn trên biển.
Lê Trường