Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và PTNT, những năm qua, do giá mủ cao su thấp nên người dân nhiều địa phương trong tỉnh không chú trọng đầu tư, chăm sóc mà chủ yếu khai thác tận thu làm ảnh hưởng đến khả năng phát triển, chống chịu của cây cao su. Đây cũng là lý do khiến các loại dịch hại trên cây cao su dễ phát sinh, gây hại trên diện rộng.
Hình ảnh minh họa – Ảnh: S.T
Được biết, hiện nay toàn tỉnh có khoảng 18.800 ha cây cao su, phân bố chủ yếu ở các huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa, Triệu Phong. Năng suất mủ cao su trung bình là 15 tấn/ha. Ước tính sản lượng cao su khai thác trong tỉnh đạt khoảng 20.000 tấn mủ tươi/năm.
Qua ghi nhận, những năm gần đây sự phát triển, chống chịu của cây cao su trên địa bàn có chiều hướng giảm sút. Nguyên nhân chính là do giá cao su thấp nên người dân không chú trọng đầu tư, chăm sóc mà chủ yếu khai thác tận thu. Từ cuối tháng 12/2023 đến nay, vì một số lý do, trong đó có việc người dân khai thác không đúng kỹ thuật nên nhiều diện tích cao su trên địa bàn bị rụng lá và ra lá mới không theo quy luật.
Do sức chống chịu của cây cao su bị giảm sút cộng với thời tiết bất lợi, gần đây, các loại dịch hại trên cao su phát sinh mạnh. Các loại bệnh phổ biến được ghi nhận là: xì mủ, loét sọc mặt cạo, phấn trắng, héo đen đầu lá…
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh hiện có 296 ha cao su nhiễm bệnh loét sọc mặt cạo, 156 ha nhiễm bệnh xì mủ, 30 ha nhiễm bệnh phấn trắng… Ngoài ra, hiện tượng khô cành, rụng lá đã và đang làm ảnh hưởng đến khoảng 600 ha cao su ở các huyện: Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh.
Dự báo thời gian tới, thời tiết đêm và sáng sớm có sương mù. Trong một số ngày, nhiệt độ có thể giảm do ảnh hưởng của không khí lạnh. Đây là điều kiện thuận lợi để các đối tượng dịch hại trên cây cao su nảy sinh, phát triển mạnh.
Trước tình hình đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đã đề nghị UBND các huyện và cơ quan, đơn vị liên quan tập trung triển khai những biện pháp phòng trừ đối tượng dịch hại. Tuy nhiên, về lâu dài, sự vào cuộc của người dân trong đầu tư, chăm sóc, bảo vệ, giúp cây cao su tăng khả năng hồi phục, phát triển tốt vẫn là giải pháp quan trọng, cần thiết nhất.
Quang Hiệp