Xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh từ lâu được biết đến với một số nghề ngư nghiệp truyền thống như: đóng thuyền nan, lặn bắt tôm hùm, thả lừ bẫy mực lá…Những năm gần đây, ngư dân Vĩnh Thái du nhập, cải tiến và phát triển nghề mới là đánh bắt cá bằng ánh sáng và lưới rê chim. Nhờ nghề biển, nhiều gia đình nơi đây từng bước vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống khấm khá hơn.
Bắt cá bằng ánh sáng
Những ngày cuối tháng 12, trời mưa lạnh. Dọc các làng biển ở xã Vĩnh Thái, những chiếc thuyền nan công suất nhỏ nằm dài trên bãi cát đợi ngày nắng lên. Nhà của Chi hội phó Chi hội Nông dân thôn Thái Lai Nguyễn Quảng cách bờ biển chỉ vài trăm mét. Anh Quảng là ngư dân thạo nghề, có tiếng tăm trong vùng. Trước đây anh chuyên đóng thuyền nan, thuyền composite cho ngư dân trong tỉnh và đánh bắt thủy sản bằng các nghề truyền thống như thả lưới, giã ruốc, thả lừ…Anh cũng là người tiên phong trong việc chuyển đổi sang nghề mới-đánh bắt cá bằng ánh sáng.
Anh Nguyễn Quảng kiểm tra máy phát điện và hệ thống đèn chiếu sáng – Ảnh: T.T
Hôm chúng tôi đến, biển động nên anh Quảng ở nhà. Bên trong nhà kho, anh Quảng cẩn thận kiểm tra, lau chùi máy phát điện, bộ đèn led, đèn sợi đốt… Thấy tôi chăm chú quan sát, anh cười hiền: “Bộ máy phát điện và dàn đèn này trị giá khoảng 15 triệu đồng. Nó phục vụ việc đánh cá rất hiệu quả. Nghề mới của ngư dân Thái Lai đấy. Mùa này biển động nên tôi phải tháo máy phát điện, hệ thống đèn chiếu sáng đưa lên nhà bảo quản, để dưới thuyền là hỏng hết. Khi nào trời nắng ấm, biển êm trở lại thì tôi mới mang xuống thuyền lắp vào để đi đánh cá”.
Qua tìm hiểu tôi được biết, năm 2020, anh Quảng mua một máy phát điện cỡ nhỏ và 3 bóng đèn sợi đốt, công suất 1.000-1.500W/bóng. Máy phát điện được anh nối với máy nổ trên thuyền thông qua dây curoa. 3 bóng đèn cao áp được lắp đặt vào mạn thuyền. Để hành nghề xúc cá bằng ánh sáng, anh Quảng sắm thêm nhiều cái vợt cá cỡ lớn (cán dài khoảng 2m, đường kính vợt khoảng 1m).
Nghề xúc cá bằng ánh sáng đèn chủ yếu đánh bắt cá cơm, duội, me, mờm sữa, thời gian kéo dài từ tháng 3-7 âm lịch hằng năm. Bởi thời gian này, gió Tây Nam mang theo luồng hơi ấm, sóng êm biển lặng, nước trong xanh. Giữa mặt biển đêm, ánh sáng phát ra từ những bóng đèn công suất lớn thu hút loài cá cơm, me, duội, mờm sữa kéo đến. Khi đàn cá áp sát mạn thuyền, anh Quảng và bạn thuyền dùng vợt vớt cá đổ vào những chiếc thùng lớn đã được chuẩn bị sẵn.
Cứ như vậy, công việc của họ tiếp diễn cho đến khi các thùng đã đầy cá thì cho thuyền vào bờ. Nếu trúng luồng cá lớn, một thuyền có thể vớt được vài tạ cá mỗi chuyến. Để đánh bắt được loài cá này, ngư dân thôn Thái Lai không tìm luồng cá trong vùng biển hẹp mà họ tìm đến những ngư trường xa hơn, như vùng giáp ranh với huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình hoặc vào biển Mỹ Thủy, huyện Hải Lăng.
Anh Quảng cho biết, năm ngoái anh đầu tư mua thêm 2 dàn đèn led công suất lớn để sử dụng thay thế 2 bóng đèn sợi đốt, giúp tiết kiệm điện, bền bỉ và hiệu quả chiếu sáng tốt hơn. Hiện tại, trên thuyền anh sử dụng 1 bóng đèn sợi đốt và 2 dàn đèn led với tổng công suất chiếu sáng 2.500W. “Từ khi tôi chuyển sang sử dụng đèn led thì xúc được nhiều cá hơn vì cường độ chiếu sáng tốt hơn, đèn led bền, lâu hỏng nên tiết kiệm chi phí hơn. Tuy nhiên, tôi vẫn giữ 1 bóng đèn sợi đốt trên thuyền để duy trì ánh sáng trong quá trình gom cá.
Theo anh Quảng, nghề xúc cá bằng ánh sáng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn các nghề truyền thống. Trung bình mỗi mùa, anh Quảng thu được 5-6 tấn cá tươi các loại từ nghề xúc cá. Những loại cá nhỏ này có giá trị dinh dưỡng khá cao, được thị trường ưa chuộng nên giá cả ít biến động, thương lái tìm đến mua ngay tại bến. Vì thế, sau mỗi mùa, anh thu được khoảng 150-170 triệu đồng, trong khi đó chi phí bỏ ra khá thấp. Hiện nay, thôn Thái Lai có 60 chiếc thuyền thì có tới 40 chiếc với hơn 100 ngư dân hành nghề xúc cá bằng ánh sáng.
Tiếp tục phát triển đa ngành nghề
Rời thôn Thái Lai, chúng tôi đến nhà ngư dân Ngô Thế Tiễn ở thôn Tân Mạch. Anh Tiễn là một trong những người tiên phong trong việc chuyển đổi ngành nghề, du nhập nghề đánh bắt thủy sản bằng lưới rê chim. Trong khoảng 3 năm nay, nghề lưới rê chim phát triển mạnh ở thôn Tân Mạch, nhiều thuyền khác cũng áp dụng và đều đạt hiệu quả cao.
Ngư dân xã Vĩnh Thái đánh bắt cá me vào ban đêm- Ảnh: T.T
Với lưới rê chim đầm thì anh thả vào khoảng 6 giờ sáng, đến sáng ngày hôm sau mới kéo lên để gỡ cá rồi lại tiếp tục thả lưới xuống biển. Nghề lưới rê chim hoạt động cách bờ khoảng 2 – 3 hải lý. Nghề lưới rê chim có thể làm quanh năm, mang lại hiệu quả cao hơn những nghề thả lưới truyền thống khác rất nhiều.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Thái Nguyễn Hữu Thành cho hay, xã Vĩnh Thái có 7 thôn thì 6 thôn làm nghề biển. Trong 6 thôn này, có 4 thôn phát triển mạnh nghề khai thác, đánh bắt thủy sản, gồm: Thái Lai, Tân Mạch, Đông Luật, Tân Hòa. Ngư dân Vĩnh Thái tự bao đời nay bám biển mưu sinh với các nghề truyền thống như lặn bắt tôm hùm, giã ruốc, thả lừ bắt mực, đánh lưới cá trích, lưới đằm… Những năm gần đây, ngư dân đã mạnh dạn đầu tư cải hoán tàu thuyền, mua sắm ngư lưới cụ để phát triển thêm nghề mới là xúc cá bằng ánh sáng và lưới rê chim.
Bãi biển Vĩnh Thái- Ảnh: T.TUYỀN
Toàn xã hiện có 206 chiếc thuyền công suất nhỏ từ 8 – 24 CV. Nhờ đa dạng ngành nghề, đầu tư cải tiến máy móc, mua sắm ngư lưới cụ và chăm chỉ làm ăn nên trong năm 2023, tổng sản lượng đánh bắt thủy sản trong xã đạt 1.100 tấn, vượt kế hoạch đề ra (900 tấn), ước đạt 25 tỉ đồng.
“Điều đó chứng tỏ rằng nghề đánh bắt thuỷ sản đang có chiều hướng phát triển tốt, tình hình an ninh trên biển được đảm bảo. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ, động viên, khuyến khích hội viên, ngư dân trên địa bàn mạnh dạn đầu tư cái tiến nghề cũ, phát triển nghề mới để từng bước cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, vươn lên làm giàu trên quê hương”. Ông Nguyễn Hữu Thành nhấn mạnh thêm.
Trần Tuyền