Đo lường có vai trò quan trọng trong mọi lĩnh vực KT-XH. Ngay từ thời kỳ đầu mới thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 08/SL ngày 20/1/1950, quy định về đo lường hợp pháp của Việt Nam.
Sắc lệnh số 08 đã thống nhất sử dụng trong cả nước đơn vị đo lường theo hệ mét, quản lý việc sử dụng và sản xuất dụng cụ đo, chế tài xử lý các vi phạm về đo lường, các quy định về thi hành đảm bảo sự bình đẳng, quyền lợi của người dân, hiệu lực trong quản lý xã hội. Đây là nền tảng, điểm xuất phát đánh dấu sự ra đời và phát triển của ngành đo lường Việt Nam.
Để ghi nhận những đóng góp của ngành đo lường Việt Nam, ngày 11/10/2001, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 155/2001/QĐ-TTg lấy ngày 20/1 hằng năm là Ngày Đo lường Việt Nam.
Hiệu chỉnh đồng hồ nước lạnh tại Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh – Ảnh: V.T.H
Thực hiện Quyết định số 996/QĐ-TT ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tập trung tham mưu UBND tỉnh triển khai có hiệu quả Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp (DN) Quảng Trị nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa dựa trên nền tảng KHCN và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 – 2030; đồng thời triển khai áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh.
Để thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đo lường, công tác tuyên truyền được sở chú trọng. Sở đã phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp nắm bắt và thực hiện các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn đo lường chất lượng.
Tuyên truyền về các nội dung đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; về quản lý hoạt động kinh doanh vàng và công tác quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường tỉnh Quảng Trị. Đồng thời, tổ chức 7 lớp tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ tiêu chuẩn đo lường chất lượng (TCĐLCL) cho hơn 463 lượt học viên.
Công tác tiêu chuẩn hóa được chú trọng, góp phần tạo thuận lợi cho DN đưa các sản phẩm ra thị trường, khích lệ được sự đổi mới sáng tạo trong DN và trong từng lĩnh vực sản xuất. Sở đã tiếp nhận và xử lý 7 hồ sơ đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu của 3 DN; tiếp nhận và xử lý 2 hồ sơ miễn kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu của 1 DN; tiếp nhận và xử lý 6 hồ sơ công bố hợp chuẩn đối với 9 sản phẩm của 3 DN; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân xây dựng 20 tiêu chuẩn cơ sở.
Bên cạnh đó, Sở KH&CN thực hiện nghiêm túc công tác quản lý phương tiện đo, đảm bảo công bằng trong mua bán và bảo vệ tốt quyền lợi người tiêu dùng. Sở đã thực hiện theo dõi 15 cửa hàng của các đơn vị thực hiện thủ tục sửa chữa và báo cáo sau sửa chữa 28 cột đo xăng dầu; quản lý 3 đơn vị được ủy quyền thực hiện công tác kiểm định và thử nghiệm trên địa bàn tỉnh. Năm 2023, các đơn vị đã kiểm định 45.089 phương tiện đo và thử nghiệm 2.553 mẫu.
Công tác kiểm tra nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng được tăng cường. Sở đã triển khai thực hiện 8 đợt kiểm tra tại 342 DN/cơ sở/hộ kinh doanh trên địa bàn 9 huyện, thị xã, thành phố với 3.598 sản phẩm và 805 phương tiện đo. Các nội dung chủ yếu là: kiểm tra về TCĐLCL và nhãn hàng hóa trước, trong và sau tết Nguyên đán; kiểm tra về TCĐLCL, nhãn hàng hóa và mã số mã vạch đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng đóng gói sẵn; kiểm tra đặc thù về đo lường trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, đồ chơi trẻ em, mũ bảo hiểm, cân ô tô, chất lượng và nhãn hàng hóa nhóm 2 nhập khẩu, cân đồng hồ lò xo tại các chợ trên địa bàn tỉnh.
Kết quả kiểm tra, 100% cơ sở được kiểm tra đều có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm theo đúng ngành, lĩnh vực đăng ký; các cột đo xăng dầu kiểm tra đã được kiểm định; tem kiểm định, giấy chứng nhận kiểm định còn hiệu lực, chì niêm phong và tem kiểm định còn nguyên vẹn…
Đã phát hiện 378/669 cân đồng hồ lò xo tại các chợ trên 9 huyện, thị xã, thành phố hết thời hạn hiệu lực kiểm định; 13/669 cân đồng hồ lò xo không đạt yêu cầu về đo lường; 12/23 cân ô tô hết hạn kiểm định; 634/2574 sản phẩm đồ chơi trẻ em không ghi nhãn sản phẩm hàng hóa đúng quy định và không gắn dấu hợp quy “CR”, vẫn còn tình trạng kinh doanh buôn bán đồ chơi trẻ em mang tính kích động, bạo lực; 9 cơ sở kinh doanh hàng đóng gói sẵn không đạt yêu cầu về đo lường, 2 cơ sở hết thời hạn sử dụng, 5 cơ sở ghi nhãn không đúng theo quy định về đo lường đối với lượng hàng đóng gói sẵn, 4 cơ sở trang bị phương tiện đo chưa phù hợp để kiểm soát về đo lường đối với hàng đóng gói sẵn; 34/958 mũ bảo hiểm các loại không ghi nhãn hàng hóa đúng quy định.
Đa số cơ sở kinh doanh đồ chơi trẻ em, mũ bảo hiểm không lưu giữ bản sao chứng nhận chất lượng. Thông qua hoạt động kiểm tra, đoàn kiểm tra đã yêu cầu DN/hộ kinh doanh khắc phục những thiếu sót do đoàn kiểm tra chỉ ra, kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn DN/hộ kinh doanh thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về TCĐLCL trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Năm qua, Sở KH&CN cũng đã tổ chức 1 đợt khảo sát về đánh giá tình hình sử dụng phương tiện đo, thiết bị đo lường tại các DN có sử dụng phương tiện đo trên địa bàn tỉnh. Đoàn đã tiến hành khảo sát tại 11 DN có sử dụng phương tiện đo, qua đó hướng dẫn các DN nâng cao năng lực đo lường thông qua các hoạt động kiểm định/hiệu chuẩn/thử nghiệm phương tiện đo.
Sở cũng tiến hành 1 đợt khảo sát đánh chất lượng thiết bị điện, điện tử trong kinh doanh sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên địa bàn tỉnh. Đoàn đã lấy 50 mẫu ngẫu nhiên tại các chợ trên địa bàn tỉnh để kiểm tra một số chỉ tiêu an toàn đối với thiết bị điện và điện tử của nhóm sản phẩm (ấm đun nước, máy sấy tóc, nồi cơm điện, quạt điện) lưu thông trên thị trường.
Kết quả sau khi gửi mẫu đi kiểm tra các chỉ tiêu về an toàn điện có 35/50 mẫu đạt yêu cầu, chiếm 70%; mẫu không đạt yêu cầu chiếm 30%. Qua khảo sát đoàn đã kiến nghị đưa vào nội dung kiểm tra thiết bị điện, điện tử trong kinh doanh sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị trường vào kế hoạch kiểm tra năm 2024.
Quyền trưởng Phòng Quản lý tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Sở KH&CN Lê Thị Hà Nhiên cho biết: Năm 2024, Sở KH&CN tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 996 của Thủ tướng Chính phủ bằng các giải pháp đồng bộ như: tăng cường phát triển hạ tầng đo lường tại địa phương; hỗ trợ các DN đổi mới công nghệ tiến tiến, công nghệ cao trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ.
Đẩy mạnh tuyền truyền về hoạt động đo lường, tuyên truyền chính sách, pháp luật, nâng cao nhận thức của DN và xã hội về hoạt động đo lường; xây dựng mô hình điểm áp dụng chương trình đảm bảo đo lường tại các đơn vị, DN nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Từ đó, làm cơ sở để nhân rộng mô hình Chương trình đảm bảo đo lường theo quy định của Bộ KH&CN; nâng cao hiệu của công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng trên địa bàn tỉnh.
Võ Thái Hòa