Không đầu tư nhiều vốn cũng không mất nhiều công chăm sóc song mô hình nuôi bồ câu của gia đình cựu chiến binh (CCB) Lê Văn Đán (sinh năm 1963), ở thôn Cam Vũ 1, xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ vẫn đạt được hiệu quả cao. Mô hình này không chỉ mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình mà còn mở thêm hướng sản xuất cho người dân địa phương.
Ông Lê Văn Đán kiểm tra những con chim bồ câu non -Ảnh: T.P
Theo lời giới thiệu của Chủ tịch Hội CCB xã Cam Thủy Trần Lê Hiền, ông Đán là một CCB anh dũng trong thời chiến và cần mẫn, sáng tạo trong thời bình. Mô hình nuôi bồ câu của ông không những giúp phát triển kinh tế gia đình, còn là địa chỉ cho nhiều người đến tham quan học hỏi, đặc biệt là những CCB có mong muốn tự mình vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Năm 1987, trở về quê hương sau 3 năm tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc tại chiến trường Vị Xuyên (tỉnh Hà Tuyên cũ, nay là Hà Giang), ông Đán gần như tay không lập nghiệp. Thứ duy nhất ông có được khi ấy là sức trẻ và quyết tâm khởi nghiệp làm giàu trên mảnh đất ông cha để lại. Thế nên từ trồng lúa, trồng khoai đến nuôi gà, nuôi lợn, ông không nề hà bất cứ công việc gì.
Nhớ lại những năm tháng đó, ông Đán chia sẻ: “Cả đời gắn bó với đồng ruộng, dù không đói nghèo nhưng cuộc sống của gia đình tôi chẳng có gì dư giả. Tôi trăn trở với câu hỏi phải làm gì khác để phát triển kinh tế gia đình. Năm 2017, một lần tình cờ, vợ chồng tôi biết đến mô hình nuôi bồ câu thông qua người bạn nên nuôi thử nghiệm và gắn bó với loài vật nuôi này cho đến bây giờ”.
Buổi đầu vốn ít, kinh nghiệm chưa có, để tránh thất bại, ông Đán xây dựng chuồng nuôi nhỏ và mua 10 cặp bồ câu ta về nuôi.
Trao đổi với phóng viên, người CCB ấy cho biết, so với bồ câu Pháp, giống bồ câu ông nuôi tuy có kích thước nhỏ hơn nhưng khả năng sinh sản tốt hơn, ít bị dịch bệnh. Bước chọn giống quyết định phần lớn sự thành công của mô hình nên ông không mua giống ồ ạt mà tìm đến các nơi mua những con khỏe mạnh về làm giống. Quá trình nuôi thử nghiệm, ông Đán thấy bồ câu dễ nuôi, nhanh lớn, thức ăn đơn giản, chủ yếu là lúa và bột bắp, không đòi hỏi quá nhiều công chăm sóc trong khi nhu cầu thị trường lại cao.
Từ những kinh nghiệm học hỏi và tích góp được, vợ chồng ông quyết định mở rộng quy mô. “Ưu điểm của bồ câu ta là không cần diện tích chuồng trại rộng, tuổi sinh sản kéo dài từ 4-5 năm nên khả năng thu hồi vốn nhanh. Tuy ít dịch bệnh nhưng vợ chồng tôi cũng thiết kế, xây dựng chuồng trại sạch sẽ, khô thoáng. Hằng ngày, ngoài 3 lần cho ăn vào các giờ cố định, tôi dọn vệ sinh chuồng nuôi, cho chim uống vitamin, men tiêu hóa, thuốc giải độc gan… để tăng sức đề kháng”, ông Đán chia sẻ.
Hiện gia đình ông có tổng cộng 3 trại nuôi bồ câu. Từ 10 cặp giống ban đầu, đến nay, ông có gần 400 cặp bồ câu. Đặc biệt, toàn bộ số bồ câu nói trên đều được vợ chồng ông tự nhân giống. Trung bình mỗi cặp bồ câu một tháng rưỡi sinh sản một lần, 20 ngày sau có thể bán chim thịt. Ông không sử dụng thức ăn công nghiệp trong chăn nuôi nên chất lượng thịt bồ câu thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng. Giá bán bồ câu khoảng 100 nghìn đồng/cặp.
Với kinh nghiệm 7 năm nuôi bồ câu, hoàn toàn có thể chủ động về kỹ thuật nuôi và chăm sóc, thế nhưng ông vẫn không ngừng học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm để luôn thành công. Không chỉ phát triển hiệu quả mô hình nuôi bồ câu, ông Đán còn chăn nuôi 4 con bò sinh sản, 2 con lợn nái, trồng 1 mẫu lúa, hàng chục gốc bưởi da xanh và ổi các loại… Trung bình mỗi năm, tổng thu nhập của mô hình kinh tế mang lại cho gia đình ông trên 250 triệu đồng, trong đó riêng thu nhập từ bồ câu trên 150 triệu đồng.
Tuy bận rộn với công việc nhưng ông Đán vẫn tích cực giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất với hội viên và người dân trên địa bàn; năng nổ trong các hoạt động do hội CCB các cấp và địa phương triển khai.
Trúc Phương