Với lợi thế địa phương có hơn 80% dân số lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, đất đai màu mỡ, hạ tầng thủy lợi đảm bảo, thời gian qua, huyện Triệu Phong ban hành nhiều chính sách để phát triển kinh tế nông nghiệp, trong đó có Nghị quyết số 07 ngày 12/11/2021 của Huyện ủy Triệu Phong về phát triển kinh tế – xã hội vùng gò đồi, giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 32 ngày 28/7/2022 của HĐND huyện ban hành quy định chính sách hỗ trợ phát triển một số cây trồng, con nuôi trên địa bàn huyện, giai đoạn 2022- 2026…
Huyện Triệu Phong xây dựng cánh đồng lớn tạo thuận lợi để đưa máy móc vào làm đất -Ảnh: N.V
Một trong những kết quả đạt được đó là nhiều địa phương đã hình thành được các vùng sản xuất tập trung, trong đó vùng sản xuất lúa đóng vai trò chủ lực. Hằng năm, huyện Triệu Phong gieo trồng hơn 12.000 ha lúa, trong đó diện tích lúa chất lượng cao chiếm 80%, năng suất bình quân đạt 60 tạ/ha.
Huyện cũng sớm hình thành và phát triển một số mô hình sản xuất lúa liên kết theo chuỗi giá trị đảm bảo an toàn thực phẩm như mô hình sản xuất lúa theo hướng canh tác tự nhiên không dùng phân bón hóa học, không sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, không sử dụng thuốc trừ cỏ tại 4 xã: Triệu Trung, Triệu Sơn, Triệu Tài, Triệu Trạch với diện tích 60 ha do Hợp tác xã Nông sản sạch Triệu Phong liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm.
Trong đó đã có 12 ha được chứng nhận đạt tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ quốc gia, một số mô hình sản xuất lúa được chứng nhận hữu cơ, VietGAP. Ở vùng gò đồi hai xã Triệu Ái và Triệu Thượng phát triển mạnh cây ăn quả như bưởi da xanh, cam, trong đó mô hình cam xã Triệu Thượng đã được chứng nhận hữu cơ.
Trên lĩnh vực chăn nuôi, nhiều hộ dân đã chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang trang trại tập trung theo hướng công nghiệp, công nghệ cao đảm bảo môi trường và an toàn dịch bệnh. Hiện nay, toàn huyện có 55 cơ sở chăn nuôi đạt quy mô trang trại theo Luật Chăn nuôi, nhiều hộ chăn nuôi đã được chứng nhận VietGAHP.
Cùng với đó, huyện phát triển mạnh nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản. Hằng năm, toàn huyện nuôi trồng thủy sản đạt từ 800- 900 ha. Việc nuôi trồng thủy sản phát triển theo hướng thâm canh, đa dạng đối tượng nuôi và phương thức nuôi, áp dụng công nghệ cao và thích ứng với biến đổi khí hậu, hình thành vùng nuôi tôm công nghệ đem lại giá trị cao. Sản lượng nuôi trồng thủy sản hằng năm đạt khoảng 1.924 tấn, sản lượng khai thác thủy, hải sản khoảng 3.525 tấn…
Để giúp người dân phát triển hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, nhiều đơn vị thuộc ngành nông nghiệp tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật thông qua công tác đào tạo, tập huấn, thông tin tuyên truyền và xây dựng các mô hình về trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, làm thay đổi nhận thức cũng như phương thức sản xuất truyền thống cho người dân.
Các mô hình thực hiện thành công được áp dụng hiệu quả như chương trình cải tạo đàn bò sử dụng tinh zebu và tinh ngoại chuyên thịt ( bò BBB, Brahman), mô hình chăn nuôi bò thịt thâm canh (bò BBB), mô hình chăn nuôi lợn thịt an toàn sinh học sử dụng lưới chắn côn trùng đảm bảo an toàn dịch bệnh, các mô hình: trồng lúa theo hướng hữu cơ, trồng khoai lang ruột vàng ở vùng đất cát, nuôi tôm hai, ba giai đoạn theo công nghệ Biofloc, nuôi xen ghép tôm- cua- cá ở các vùng nuôi thấp triều, nuôi cá leo trong lồng ở hồ chứa nước.
Bên cạnh đó, hằng năm Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện tổ chức tập huấn cho nông dân về quản lý dịch bệnh tổng hợp trên các loại cây trồng chính, hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, an toàn, hiệu quả.
Thời gian tới, huyện Triệu Phong tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp và triển khai kế hoạch phát triển chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp giai đoạn 2021-2025. Theo đó, đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng, trong đó mở rộng mô hình kinh tế hiệu quả, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, phát triển sản xuất bền vững, đồng thời chuyển dịch hợp lý cơ cấu kinh tế theo hướng giảm dần tỉ trọng nông nghiệp, tăng dần tỉ trọng công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, thương mạidịch vụ.
Tiếp tục xây dựng, phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã theo mô hình kinh doanh đa ngành, mở rộng loại hình dịch vụ tín dụng nội bộ, dịch vụ tiêu thụ sản phẩm, đồng thời sử dụng đất đai hiệu quả thông qua chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Quan tâm củng cố và phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác trong lĩnh vực chăn nuôi, sản xuất rau màu, thủy sản, hướng hoạt động của hợp tác xã, tổ hợp tác tập trung vào sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất sạch, an toàn và nâng cao giá trị sản phẩm, đảm bảo sức cạnh tranh trên thị trường.
Mặt khác, đẩy mạnh thực hiện cơ giới hóa, chuyển đổi số phục vụ sản xuất nông nghiệp nhằm tăng năng suất, giảm chi phí và tổn thất sau thu hoạch.Thực hiện hiệu quả đề án cơ cấu lại nông nghiệp theo sản phẩm chủ lực của huyện, chuyển diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây màu có giá trị kinh tế cao, nuôi trồng thủy sản. Hỗ trợ kinh tế hộ phát triển, liên kết nông dân với nông dân, giữa nông dân với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị, đảm bảo chất lượng, có quy mô lớn, từng bước xây dựng thương hiệu hàng hóa nông sản của huyện.
Bên cạnh đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp về quy hoạch hình thành vùng sản xuất tập trung theo quy trình, gắn với công nghệ chế biến, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; thực hiện có hiệu quả chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ cung ứng giống, vật tư, chuyển giao kỹ thuật, thu mua và chế biến nông sản, phát triển thương mại, dịch vụ nông thôn và đầu tư phát triển công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn.
Đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản; thực hiện hiệu quả chương trình OCOP gắn với phát triển du lịch, hỗ trợ phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn; thúc đẩy đầu tư phát triển sản xuất gắn với chế biến, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn…
Nguyễn Vinh