Chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) là các loại chất thải ở dạng rắn phát sinh trong quá trình sinh hoạt hằng ngày của con người. Theo số liệu thống kê năm 2022, khối lượng CTRSH phát sinh trên toàn tỉnh Quảng Trị khoảng 126.921,4 tấn, trong đó, tỉ lệ CTRSH ở đô thị chiếm 47,4%, tương đương 60.202,8 tấn/năm, tỉ lệ CTRSH ở nông thôn chiếm 52,6%, tương đương 66.718,6 tấn/năm.
Rác thải sinh hoạt đã được người dân phân loại trước khi đưa về bãi chôn lấp tập trung -Ảnh: T.N
Hiện nay, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã thành lập các trung tâm, công ty, hợp tác xã thu gom, vận chuyển chất thải rắn về bãi chôn lấp tập trung. Qua đó, tỉ lệ CTRSH được thu gom tăng lên đáng kể, phương tiện và trang thiết bị thu gom, vận chuyển và xử lý từng bước được đầu tư, nâng cấp.
Hiện tại tỉ lệ thu gom, xử lý CTRSH ở khu vực thành thị đạt khoảng 98%, ở khu vực nông thôn khoảng 77,3%. Đến nay trên địa bàn tỉnh đã đầu tư 8 bãi chôn lấp chất thải rắn, 1 bãi chôn lấp đang đầu tư xây dựng, 3 lò đốt.
Rác thải hiện nay được xử lý chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp, một phần nhỏ xử lý bằng phương pháp đốt. Nhìn chung CTRSH đã được chú trọng thu gom, đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Trước hết là công tác tuyên truyền về phân loại, thu gom, xử lý rác sinh hoạt và bảo vệ môi trường (BVMT) chưa thực sự sâu rộng, hiệu quả, chưa tạo được chuyển biến từ ý thức thành hành động; chưa gắn trách nhiệm của cộng đồng và người dân về BVMT trong sinh hoạt cộng đồng; ý thức của một bộ phận người dân, tổ chức, đơn vị về công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải còn hạn chế; việc chấp hành các quy định về BVMT, đóng nộp giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt còn chưa đảm bảo. Việc phân loại rác tại nguồn ở các địa phương triển khai chậm, chưa đồng bộ, ở các khu vực đô thị hiệu quả đạt được chưa cao.
Nguyên nhân chính là do pháp luật về BVMT trước đây chưa có quy định bắt buộc phân loại chất thải rắn tại nguồn mà chỉ ở mức độ khuyến khích; người dân chưa chủ động hoặc chưa có thói quen phân loại chất thải sinh hoạt tại gia đình.
Phương tiện, trang thiết bị thu gom, vận chuyển còn thiếu và chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu dẫn đến tần suất thu gom thấp. Một số địa phương, rác sau phân loại do không đủ phương tiện nên thu gom, vận chuyển chung dẫn đến không đạt được mục tiêu của việc phân loại.
Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch chất thải rắn chưa thực hiện kịp thời đầy đủ, còn nhiều hạn chế (việc quy hoạch khu xử lý còn mang tính manh mún, chưa có tính chiến lược, dài hơi; việc xây dựng các khu xử lý, điểm tập kết, trung chuyển còn bất cập, phụ thuộc nguồn lực nhà nước, nhiều nơi tự phát không theo quy hoạch, không đảm bảo vệ sinh môi trường…). Một số địa phương không có khu xử lý. Hiện nay vẫn tồn tại nhiều điểm tập kết rác thải không đúng quy hoạch; hiện tượng tập kết rác lâu ngày, tập kết ngổn ngang, đốt thủ công hoặc chôn lấp hoặc vừa đốt vừa chôn lấp rác tại các điểm trung chuyển vẫn còn xảy ra ở một số địa phương.
Công nghệ xử lý chất thải nhìn chung còn lạc hậu, chủ yếu xử lý bằng hình thức chôn lấp (chôn lấp chiếm 92%, đốt 8%). Hầu hết các bãi chôn lấp chưa quan tâm quy trình vận hành, nhiều bãi đang gây ô nhiễm thứ cấp. Một số bãi chôn lấp đã ngừng tiếp nhận, hiện trạng rác ngổn ngang nhưng chưa thực hiện đóng cửa theo đúng quy trình kỹ thuật (các bãi chôn lấp cũ tại thị trấn Cửa Tùng, thị trấn Bến Quan của huyện Vĩnh Linh); một số bãi rác, khu xử lý không đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định nhưng đang vận hành gây bức xúc trong Nhân dân như ở bãi chôn lấp rác ở thị trấn Khe Sanh và thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa.
Công tác xã hội hóa dịch vụ môi trường còn chậm, gặp nhiều khó khăn, đặc biệt cơ chế tài chính, vốn, thủ tục, mô hình hoạt động, mô hình quản lý, đánh giá hiệu quả đầu tư. Nguồn thu ngân sách còn hạn chế nên kinh phí đầu tư cho việc thu gom, xử lý rác thải chưa đáp ứng yêu cầu. Cơ chế khuyến khích, thu hút xã hội hóa chưa tạo động lực hấp dẫn để các doanh nghiệp đầu tư vào xử lý rác thải.
Mặt khác, với lượng rác thải thu gom khoảng 348 tấn rác thải/ngày như hiện nay, dự kiến lượng rác thải này sẽ tăng dần trong những năm tới nên công suất xử lý của các bãi rác hiện tại không thể đáp ứng được các nhu cầu xử lý CTRSH.
Việc xây dựng các bãi chôn lấp rác thải tốn nhiều quỹ đất, gặp khó khăn trong việc huy động vốn để xây dựng bãi chôn lấp. Vậy nhưng, theo Kế hoạch số 530/ KH-UBND ngày 11/2/2019 của UBND tỉnh về thực hiện chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã đưa ra mục tiêu: “Đến năm 2025, 85% các đô thị còn lại có công trình tái chế chất thải rắn phù hợp với việc phân loại tại hộ gia đình; tỉ lệ CTRSH xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp đạt tỉ lệ dưới 30% so với lượng chất thải được thu gom”.
Để đạt mục tiêu này, phải có sự nỗ lực, đầu tư lớn. Ngày 1/12/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 41/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách trong tăng cường quản lý chất thải rắn, trong đó có một số nội dung chỉ thị cho Chủ tịch UBND tỉnh như: “Rà soát, đánh giá công nghệ xử lý rác thải hiện có trên địa bàn, yêu cầu các cơ sở xử lý phải có lộ trình đổi mới công nghệ xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu về BVMT, thực hiện trước năm 2023”; “Có lộ trình tăng dần giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải nhằm giảm dần hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước”, “Quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn dựa trên khối lượng hoặc thể tích đã được phân loại theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường”, “Phấn đấu đến hết năm 2025 giảm tỉ lệ rác thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp xuống dưới 30%”.
Để thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh và Chỉ thị số 41/CT-TTg, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các quy định liên quan, giải quyết những vấn đề bức xúc về nhu cầu xử lý rác thải hiện tại và trong thời gian tới, Sở TN&MT đã xây dựng đề án: “Đánh giá thực trạng và xây dựng Đề án phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, đã được UBND tỉnh phê duyệt đề cương và dự toán nhiệm vụ tại Quyết định số 2769/QĐ-UBND ngày 28/10/2022.
Việc xây dựng đề án này không chỉ phù hợp với quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các nghị định của Chính phủ mà còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, gắn với các mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành và nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH.
Tân Nguyên