Mỗi lần nhắc đến địa danh Mỹ Chánh, xã Hải Chánh – Hải Lăng, ai cũng nhớ ngay đến bánh lọc – một món ăn chân quê nhưng có vị ngon đến lạ. Nhằm đưa sản phẩm đặc trưng của địa phương ngày càng vươn xa trên thị trường, vợ chồng anh chị Hồ Minh Thạnh và Nguyễn Thị Huệ ở thôn Mỹ Chánh đã xây dựng thương hiệu “Bánh lọc Huệ”.
Từ món ăn dân dã…
Kế thừa nghề làm bánh lọc của ông cha để lại, hơn chục năm nay, vợ chồng anh Thạnh và chị Huệ không chỉ duy trì mà luôn tìm tòi, sáng tạo để xây dựng nên thương hiệu món ăn đậm đà vị quê nhà, đó là “Bánh lọc Huệ”. Vì thế, cơ sở sản xuất của họ luôn được đông đảo du khách thập phương dừng chân thưởng thức tại chỗ hoặc mua về làm quà biếu cho người thân, bạn bè.
Cơ sở sản xuất bánh lọc Huệ luôn lựa chọn thực phẩm ngon để làm bánh chất lượng – Ảnh: K.S
Với mong muốn đưa đặc sản của quê hương Hải Chánh đi đến nhiều vùng miền, “Bánh lọc Huệ” không chỉ dừng lại ở ngon, chất lượng, giá thành phù hợp mà còn thể hiện sự chu toàn, nhiệt huyết của chủ cơ sở khi đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng.
Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm được cơ sở đặt lên hàng đầu, quy trình chế biến kỹ lưỡng, không có chất phụ gia bảo quản, nguyên liệu đầu vào được theo dõi qua quá trình sản xuất, sản phẩm được kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm theo định kỳ. Bình quân mỗi ngày, cơ sở sản xuất từ 1.500- 3.000 cái bánh. Bánh làm ra đến đâu hết đến đó. Khách hàng của cơ sở phần lớn là xe khách ngoài tỉnh đi qua ghé lại mua, chiếm trên 50% tổng số sản phẩm bán ra.
Nhiều khách ở tận Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Vinh… đặt hàng, anh chị nhận làm và gửi kịp thời cho họ. Đặc biệt, có những khi cao điểm vào dịp lễ, Tết hoặc tiệc cưới, hỏi… khách đặt với số lượng lớn từ 8.000-10.000 bánh/ ngày nên cơ sở tăng cường làm thêm bánh phục vụ tận tình.
Doanh thu của Cơ sở sản xuất bánh lọc Huệ bình quân mỗi năm khoảng 1,5 tỉ đồng, trừ chi phí lãi khoảng 500 triệu đồng/năm; tạo việc làm ổn định cho 6 lao động, trong đó có 3 lao động ở địa phương với mức thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Đến sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu
Với tâm huyết giữ gìn, phát triển, sống và làm giàu chính đáng từ nghề bánh lọc, anh Thạnh và chị Huệ dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu của thị trường để mở rộng sản xuất. Số lượng đơn đặt hàng ngày càng nhiều, được sự hỗ trợ của nguồn vốn khuyến công tỉnh (45 triệu đồng) anh Thạnh và chị Huệ đầu tư thiết bị, máy móc hiện đại với tổng kinh phí hơn 140 triệu đồng để sản xuất như: máy hấp, máy hút chân không, máy đánh bột, máy nghiền bột, nồi hấp công nghiệp.
Anh Thạnh luôn nghiên cứu, tìm tòi cách thức bán hàng hiệu quả qua internet – Ảnh: K.S
Tiếp đó, anh Thạnh tìm hiểu các thủ tục hồ sơ, đăng ký nhãn mác, thương hiệu sản phẩm bánh lọc Huệ; đầu tư xe tải nhỏ để ship hàng tận nhà cho khách.
Nhiều năm nay, họ tích cực tham gia giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại nhiều chương trình, điểm hội chợ xúc tiến thương mại do huyện, tỉnh tổ chức; đăng ký bán hàng qua kênh google maps; liên kết với hai cửa hàng nông sản sạch tại thành phố Đông Hà và một doanh nghiệp để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, đặc biệt bánh lọc Huệ đã có mặt tại Co.opmart Đông Hà.
Sản phẩm “Bánh lọc Huệ” tham gia và đạt giải Ba sản phẩm tiêu biểu cấp huyện năm 2018; đạt hạng sản phẩm 3 sao chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cấp tỉnh năm 2021; đạt giải Nhất sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện năm 2022; là 1 trong 22 sản phẩm/bộ sản phẩm được chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn cấp tỉnh năm 2022.
Vừa qua, anh chị đầu tư xây dựng bảng hiệu, cửa hàng và khai trương điểm bán hàng 10 sản phẩm OCOP của tỉnh tại Mỹ Chánh, trong đó có bánh lọc Huệ.
“Mong muốn của tôi hiện nay là sớm thành lập được tổ hợp tác bánh lọc Mỹ Chánh để tất cả 35 hộ sản xuất bánh lọc ở địa phương đều có thể hỗ trợ cho nhau về đầu ra, đảm bảo chất lượng sản phẩm, không chỉ tạo thu nhập cao hơn cho các thành viên trong tổ hợp tác mà còn đưa sản phẩm đặc trưng của địa phương ra thị trường rộng lớn hơn.”, anh Thạnh chia sẻ.
Kô Kăn Sương