Hôm nay 29/10, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội nghị nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam chủ trì hội nghị.
Tỉnh Quảng Trị hiện có 232 cơ sở giáo dục phổ thông (GDPT) và giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên (GDNN – GDTX). Tổng số học sinh hiện có 140.609 em. Tổng số biên chế cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, lao động hợp đồng là 13.441 người; tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn còn diễn ra.
Đại biểu dự hội nghị nâng cao chất lượng GDPT – Ảnh: TH
Tính đến đầu năm học 2024-2025, toàn ngành có 4.055 phòng học, số phòng học kiên cố đạt tỉ lệ 87,84%; hầu hết các cơ sở giáo dục tiểu học có đủ phòng học để triển khai dạy học 2 buổi/ngày, tỉ lệ đạt 0,99 phòng/lớp; các trường THCS, THPT có đủ phòng học theo quy định, có phòng học bộ môn để tổ chức thực hành, thí nghiệm và đạy học môn ngoại ngữ, tin học.
Nhìn chung, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDPT 2018. Về chất lượng GDPT, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đạt trung bình 3 năm là 99.82%. Điểm thi trung bình thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2024-2025 có chuyển biến so với năm học 2023-2024, tuy nhiên điểm đạt thấp: có 3/9 huyện, thị xã, thành phố (Đông Hà, thị xã Quảng Trị, Vĩnh Linh) đạt điểm thi trung bình 3 môn thi (Toán, Ngữ văn, tiếng Anh) trên 5,0 điểm, 6/9 huyện còn lại có điểm thi trung bình 3 môn dưới 5 điểm. Chất lượng bài thi tuyển sinh của các huyện miền núi rất thấp, điểm bình quân 3 môn ở huyện Đakrông 2,99 điểm và Hướng Hóa 3,88 điểm.
Độ lệch điểm trung bình bài thi so với điểm trung bình đánh giá tổng kết lớp 9 theo môn là rất lớn, từ 2 – 4 điểm. Tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT có chuyển biến trong 5 năm qua, từ 94,09% (năm 2020) tăng đến 97,36% (năm 2024). Thứ hạng năm 2020 tỉnh Quảng Trị đứng thứ 41/63 tỉnh, thành trên cả nước, đến nay Quảng Trị xếp thứ 56/63 tỉnh, thành cả nước.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung phân tích làm rõ 10 tồn tại, hạn chế trong công tác GDPT và 10 vấn đề đặt ra để giáo dục tỉnh nhà bứt phá đi lên. Trong đó, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các cơ quan quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục; có chính sách đột phá để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; phát huy tính năng động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục; quy hoạch trường lớp và đội ngũ, cơ sở vật chất giáo dục hợp lý; giải pháp thúc đẩy dạy học, kiểm tra đánh giá đúng thực chất; chuyển đổi số trong giáo dục và công tác đanh giá thi đua – khen thưởng để tạo được động lực phấn đấu trong nhà trường…
Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, trong đó vai trò nồng cốt của ngành GD&ĐT đã góp phần tạo những chuyển biến tích cực về chất lượng GDPT trong thời gian qua.
Mặc dù chất lượng giáo dục có nâng lên, tuy nhiên thứ hạng từ vị trí 41/63 tỉnh, thành tụt xuống vị trí 56/63 tỉnh, thành là một sự tổn thương lớn của vùng đất hiếu học Quảng Trị chưa theo kịp bạn bè cả nước.
Để tạo chuyển biến hơn nữa chất lượng GDPT trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam đề nghị cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong nhân dân, phụ huynh học sinh về vị trí, chủ trương, quan điểm phát triển giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục, về công tác xã hội hóa giáo dục và trách nhiệm của toàn xã hội đồng hành với ngành giáo dục trong phát triển sự nghiệp GD&ĐT; có nhận thức đúng về phân luồng học sinh sau THCS, về việc học nghề sau THPT để lập thân, lập nghiệp.
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đối với sự nghiệp phát triển GD&ĐT; gắn kết quả hoàn thành việc thực hiện các tiêu chí về giáo dục với kết quả hoàn thành nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Sở GD&ĐT chủ trì phối hợp các sở, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, hoàn thiện hoặc xây dựng, ban hành bổ sung một số cơ chế, chính sách mới để điều hành, khuyến khích việc huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; có chế độ động viên, khuyến khích sự phấn đấu của cán bộ quản lý, nhà giáo, học sinh và toàn xã hội vì sự nghiệp giáo dục.
Tiếp tục củng cố và phát triển mạng lưới, quy mô trường lớp học; cải thiện cơ sở vật chất phục vụ dạy và học. Phát triển, mở rộng quy mô các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú để đáp ứng tối đa nhu cầu học tập của học sinh dân tộc thiểu số.
Tập trung chỉ đạo củng cố và phát triển phương thức giáo dục thường xuyên, rà soát, sắp xếp các trung tâm GDNN-GDTX hợp lý để phát huy được chức năng, nhiệm vụ, củng cố hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng, tạo cơ hội học tập suốt đời cho mọi đối tượng có nhu cầu trong xã hội. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và nhà giáo đảm bảo đủ số lượng và chất lượng đáp ứng yêu cầu GDPT 2018. Thực hiện đảm bảo đầy đủ, kịp thời các chính sách đối với đội ngũ nhà giáo theo quy định.
Đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý giáo dục; coi trọng quản lý chất lượng và đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ, có hiệu quả việc cải tiến chất lượng giáo dục của các nhà trường và đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trong toàn ngành. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, đưa chất lượng giáo dục chuyển mình lên một tầm cao mới, đáp ứng được kỳ vọng của chính quyền và nhân dân toàn tỉnh.
Thanh Hải
Nguồn: https://baoquangtri.vn/10-van-de-dat-ra-nham-nang-cao-chat-luong-giao-duc-pho-thong-189340.htm