Những khó khăn của thị trường thế giới đã ảnh hưởng mạnh đến hoạt động xuất nhập khẩu của năm 2023. Tuy nhiên, trên bức tranh xuất nhập khẩu của năm 2023 vẫn có những điểm sáng đáng ghi nhận như cán cân thương mại cả nước đã tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng ước đạt gần 30 tỷ USD, tăng gần gấp 3 lần năm 2022.
Điểm sáng từ nhiều nhóm ngành hàng
Gạo ST 25 đã tiếp tục được vinh danh gạo ngon nhất thế giới năm 2023. Gạo Lộc Trời 28, Nàng Hoa 9 của Tập đoàn Lộc Trời; gạo TBR39, TBR39_1 của Tập đoàn Thái Bình Seed cũng thắng giải ở cuộc thi này. Điều này cho thấy, gạo Việt Nam hoàn toàn có đủ sức cạnh tranh với những cường quốc xuất khẩu gạo trên thế giới về cả chất lượng và giá trị.
Gạo là một trong những nhóm ngành hàng điểm sáng trên bức tranh xuất khẩu năm 2023. Theo Tổng cục Hải quan, tính đến hết nửa đầu tháng 12, Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 7,9 triệu tấn gạo, trị giá hơn 4,5 tỷ USD, tăng 11% về lượng và 29% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Kết quả này đã cao hơn dự báo trước đó là cả năm xuất khẩu khoảng 7,1 triệu tấn gạo và gần đạt bằng mức sản lượng dự tính của Bộ Công thương trước đó là cả năm xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn, kim ngạch khoảng 4,5 tỷ USD.
Với đà này, các chuyên gia ước tính, năm 2023, xuất khẩu gạo có thể lên tới 8,2 triệu tấn với kim ngạch đạt gần 4,8 tỷ USD, đạt mức cao nhất từ năm 1989 (năm Việt Nam bắt đầu xuất khẩu gạo) tới nay.
Trước đó, kỷ lục về sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 7,1 triệu tấn vào năm 2011 và 2022.
Theo Bộ Công thương, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 ước đạt 683 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 354,5 tỷ USD, nhập khẩu ước đạt 328,5 tỷ USD.
Với kết quả như vậy, cán cân thương mại cả nước đã tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng ước đạt gần 30 tỷ USD, tăng gần gấp 3 lần năm 2022, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế. Đây cũng là mức xuất siêu kỷ lục trong nhiều năm qua.
Kết quả xuất siêu kỷ lục được coi là một trong những điểm sáng của hoạt động ngoại thương. Bởi xét từ đầu năm đến nay, xuất nhập khẩu gặp rất nhiều khó khăn. Xuất khẩu – một trong ba chân kiềng quan trọng của tăng trưởng kinh tế (là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng) đã tăng trưởng âm tới hai con số ngay từ quý đầu tiên của năm 2023 – với mức giảm tới 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, nhiều nước nhập khẩu đặt ra các yêu cầu cao về phát triển bền vững, sản xuất thân thiện với môi trường nên sản phẩm hàng hóa của Việt Nam ngày càng phải cạnh tranh gay gắt hơn.
Đặt trong bối cảnh đó, năm 2023, các bộ ngành, trong đó có Bộ Công thương cùng các doanh nghiệp, hiệp hội đã nỗ lực rất lớn để đưa hoạt động xuất nhập khẩu “về đích” mục tiêu năm 2023. Do đó, dù xuất khẩu hàng hóa trong năm 2023 đã không đạt mục tiêu đề ra, tuy nhiên, điểm tích cực là liên tục trong khoảng 7 tháng cuối năm, xuất khẩu đã lấy lại đà tăng trưởng sau thời gian giảm sâu trước đó. Đặc biệt, từ tháng 7 đến hết năm, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt con số hơn 30 tỷ USD/tháng (tháng 7 đạt 30 tỷ USD; tháng 8 đạt 32,37 tỷ USD; tháng 9 đạt 31,41 tỷ USD, tháng 10 đạt 32,3 tỷ USD).
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương khẳng định: “Trong bức tranh xuất nhập khẩu không nhiều điểm sáng của năm 2023, xuất khẩu nhiều mặt hàng vẫn đạt được kết quả cao, tiêu biểu là rau quả và gạo. Đây cũng là kết quả tích cực, thể hiện sự nỗ lực của doanh nghiệp trong mở rộng thị trường cũng như sự phục hồi của hoạt động xuất khẩu”.
Hoặc với mặt hàng rau quả, Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo xuất khẩu rau quả năm 2023 dự kiến đạt tới 5,6 tỷ USD – mức kỷ lục của ngành hàng này từ trước tới nay.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhìn nhận, thời gian qua, Nhà nước, Chính phủ, các Bộ ngành đã nỗ lực đàm phán để mở cửa thị trường, ký nhiều hiệp định, ký các nghị định thư với Trung Quốc cũng như các nước để nhằm tạo điều kiện đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp, nông sản, rau quả của Việt Nam được tiêu thụ rộng rãi khắp thế giới. Ngoài ra, người nông dân và doanh nghiệp Việt Nam ngày càng được hướng dẫn cách trồng trọt đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng được yêu cầu, thị hiếu của các nước nhập khẩu.
Cơ hội nào cho xuất nhập khẩu năm 2024?
Năm 2024, nền kinh tế được nhận định sẽ tiếp tục phục hồi và cơ hội cho xuất khẩu hàng hoá sẽ mở rộng. Tuy nhiên, những khó khăn vẫn còn rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh các thị trường ngày càng siết chặt những quy định về tiêu chuẩn chất lượng. Xu hướng bảo hộ thương mại xuất hiện nhiều hơn. Một số quốc gia đưa đầu tư về trong nước, dựng nên các rào cản thương mại để bảo vệ, thúc đẩy sản xuất của nước mình.
Do đó, để xuất nhập khẩu thực sự mang lại hiệu quả tích cực nhất cho nền kinh tế, theo TS Lê Quốc Phương, Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương), muốn xuất khẩu đóng góp thực sự vào tăng trưởng kinh tế thì phải chuyển từ nền công nghiệp gia công, lắp ráp sang nền công nghiệp nội địa hóa cao, hàm lượng công nghệ cao. Cần đẩy mạnh xuất khẩu trong các lĩnh vực tạo ra giá trị gia tăng lớn. Thí dụ, trong nông nghiệp cần đẩy mạnh chế biến để tăng giá trị gia tăng.
Bên cạnh đó, cần tập trung thúc đẩy các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh như nông sản. Đồng thời, cần đặc biệt chú ý đến vấn đề chất lượng. Riêng với xuất khẩu thủy sản, cần tích cực tháo gỡ thẻ vàng của Liên minh châu Âu. Nếu không gỡ được sẽ kiềm chế xuất khẩu thủy sản, một trong những mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam.
Đối với Bộ Công thương, thời gian tới, Bộ sẽ đẩy mạnh các giải pháp xúc tiến xuất khẩu xanh để tìm hướng đi bền vững hơn và hiệu quả hơn.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương cho biết, chuyển đổi xanh là xu thế tất yếu, vì thế, Bộ Công thương đã và đang tập trung vào 3 nhóm công việc cần phải làm để hỗ trợ doanh nghiệp, ngành hàng, các địa phương thực hiện trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
Bộ Công thương cũng đã xây dựng Bộ chỉ số về năng lực xúc tiến thương mại, nhưng sắp tới Bộ chỉ số đó sẽ được bổ sung thêm những chỉ số về chuyển đổi xanh trong xúc tiến thương mại và trong xúc tiến xuất khẩu. Chính phủ chúng ta đã có chương trình liên quan đến hoàn thiện khung khổ pháp lý từ giai đoạn 2023-2027. Theo đó, các bộ, ngành cũng đã xây dựng chương trình hoàn thiện pháp luật cho giai đoạn 2023-2027 liên quan đến chuyển đổi xanh, liên quan đến hoạt động sản liên quan đến kinh tế tuần hoàn và kinh doanh có trách nhiệm.
Song song với xúc tiến thương mại, để phát triển thị trường xuất khẩu, các giải pháp sẽ được Bộ Công thương triển khai thời gian tới là đẩy mạnh đàm phán, ký kết các Hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới, ký kết các Hiệp định FTA, Hiệp định thương mại với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng (UAE, MERCOSUR…) để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.
Song song với đó, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, các cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các hiệp định.
Bộ Công thương cũng sẽ phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam như bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa, chanh, dưa lưới… Nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam – Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch…
Năm 2024, Bộ Công thương đặt mục tiêu đưa tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trên 6% so với năm 2023; Cán cân thương mại tiếp tục có xuất siêu… Với các giải pháp đã đề ra, cộng với nỗ lực của doanh nghiệp, kỳ vọng rằng, con số xuất siêu của năm 2024 không chỉ ấn tượng mà còn đóng góp tốt hơn nữa cho sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.