Với những khó khăn từ xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo xuất khẩu rau quả tháng 1/2025 đạt dưới 400 triệu USD.
Xuất khẩu rau quả tháng 1 dự báo giảm 5,2%
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam – cho hay, Hiệp hội tổng hợp số liệu từ Tổng cục Hải quan và đưa ra dự báo, tháng 1/2025, xuất khẩu rau quả đạt sơ bộ 416,528 triệu USD, giảm 11,3% với tháng trước (tháng 12/2024 đạt 529,056 triệu USD) và giảm 5,2% so với cùng kỳ năm 2024 (tháng 1/2024 đạt 490,218 triệu USD).
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu rau quả tháng 1/2025 sơ bộ đạt 284,530 triệu USD, giảm 6,6% so với tháng trước (tháng 12/2024 đạt 304,277 triệu USD) và tăng 31,4% so với cùng kỳ (tháng 1 năm 2024 đạt 216,595 triệu USD). Như vậy, tháng 1/2025, ngành rau quả dự kiến xuất siêu khoảng 131,998 triệu USD.
Tuy nhiên, với những khó khăn từ xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc do vấn đề liên quan đến chất vàng O, ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng, xuất khẩu rau quả tháng 1/2025 ước đạt dưới 400 triệu USD.
Trước đó, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, năm 2024, xuất khẩu hàng rau quả Việt Nam ghi nhận mức cao kỷ lục với kim ngạch đạt xấp xỉ 7,15 tỷ USD, tăng 27,6% so với năm 2023. Tính riêng tháng 12/2024, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt trên 529 triệu USD, tăng 15,5% so với tháng 11/2024 và tăng 29,8% so với tháng 12/2023.
Năm 2024, ngành hàng rau quả Việt Nam đã khai thác tốt hầu hết các thị trường xuất khẩu truyền thống và tiềm năng, ngoại trừ thị trường Hà Lan. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang các thị trường chủ lực đều ghi nhận mức tăng trưởng cao trong năm 2024 so với năm 2023.
Theo đó, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt trên 4,63 tỷ USD, tăng 27,3%; Hoa Kỳ tăng 39,8%; Hàn Quốc tăng 39,6%; Thái Lan tăng 73,7%; Nhật Bản tăng 15,3%; thị trường Đài Loan (Trung Quốc) tăng 10,9%; Australia tăng 25,9%… Điều này phản ánh những nỗ lực của ngành hàng rau quả trong việc nâng cao chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường, đặc biệt là tận dụng tốt cơ hội từ các FTA mang lại.
Lo ngại mục tiêu 8 tỷ USD
Cục Xuất nhập khẩu nhận định, nhiều tín hiệu tích cực từ thị trường quốc tế đang mở ra cơ hội tốt cho ngành hàng rau quả Việt Nam trong năm 2025. Nhu cầu tiêu thụ trái cây, rau củ và sản phẩm chế biến trên thế giới có xu hướng ngày càng tăng nhờ lợi ích đối với sức khỏe.
Theo https://www.statista.com, doanh thu trên thị trường trái cây tươi toàn cầu sẽ đạt 778,4 tỷ USD vào năm 2025. Dự kiến mức tăng trưởng bình quân hàng năm giai đoạn 2025 – 2029 ở mức 6,22%. Trong khi đó, ngành hàng rau quả Việt Nam ngày càng khẳng định được vị thế của mình trên thị trường thế giới.
Hiện ngành hàng rau quả Việt Nam giữ thị phần lớn thứ 2 tại Trung Quốc, thị phần tại các thị trường xuất khẩu truyền thống như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Australia… ngày càng được mở rộng. Đây được cho là cơ sở để ngành hàng rau quả Việt Nam đạt mục tiêu xuất khẩu 8 tỷ USD trong năm 2025.
Tuy nhiên, cạnh tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc; xung đột địa chính trị ở một số quốc gia là những thách thức lớn đối với xuất khẩu rau quả trong năm 2025. Bên cạnh đó, thách thức đối với ngành hàng rau quả nước ta là chuỗi cung ứng còn nhiều hạn chế như: sản phẩm dễ bị nhiễm hóa chất, vi phạm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật do quy mô sản xuất nhiều nơi còn nhỏ lẻ, phân tán, dẫn đến chất lượng không đồng đều; hoặc thiếu các thông tin về thị trường nên khó khăn trong việc áp dụng thực hiện những tiêu chuẩn quy định của các nước nhập khẩu.
Để ngành hàng rau quả xuất khẩu ổn định và tăng trưởng bền vững, Cục Xuất nhập khẩu khuyến nghị, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp. Hợp tác sẽ giúp nâng cao giá trị nông sản và khẳng định thương hiệu Việt Nam trên bản đồ xuất khẩu toàn cầu.
Hiện sầu riêng chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Ông Đặng Phúc Nguyên nhận định, nếu những khó khăn về thị trường xuất khẩu không sớm được giải quyết, khả năng mục tiêu 8 tỷ USD xuất khẩu đặt ra cho năm nay khó có thể đạt được.