Vượt qua những cơn gió ngược bởi tác động từ vòng xoáy kinh tế thế giới, xuất khẩu Việt Nam đã có những tín hiệu tích cực và dự báo sẽ tiếp tục khởi sắc.
Tuy nhiên, khó khăn trong phục hồi sản xuất kinh doanh còn nhiều. Mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới tiềm ẩn nhiều nguy cơ tăng giá, rủi ro về tỷ giá tạo sức ép lên chi phí nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu trong nước… Do đó, để đạt được mục tiêu đề ra, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu ngành công thương theo dõi chặt biến động cung cầu, giá cả hàng hóa để sẵn sàng phương án ứng phó, tạo đà cho xuất khẩu tăng trưởng.
Xuất khẩu dần cải thiện
Nhận định từ các chuyên gia cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đã dần được cải thiện qua các quý. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu quý I/2023 giảm 11,9%; quý II giảm 11,8% nhưng đến quý III chỉ giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2022. Từ những tín hiệu tích cực này, các chuyên gia khẳng định có thể kỳ vọng nhu cầu thế giới đang có dấu hiệu hồi phục, doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu có xu hướng nhập khẩu nhiều hơn giúp xuất khẩu của Việt Nam đạt tăng trưởng khá trong những tháng cuối năm.
Theo các chuyên gia, nhiều nhóm hàng nông sản, gạo, trái cây hiện đã tận dụng được cơ hội mở cửa thị trường và giá tăng cao để đẩy mạnh xuất khẩu nên tốc độ tăng trưởng đạt cao nhất trong các nhóm hàng (tăng 3,1%). Hơn nữa, Việt Nam cũng đã thực hiện tốt việc đa dạng hóa thị trường khi xuất khẩu sang thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU và các thị trường châu Phi, Đông Âu, Bắc Âu, Tây Á.
Ngoài ra, hàng loạt giải pháp thúc đẩy xuất khẩu sang các nước có chung đường biên giới đã được triển khai hiệu quả, giúp hàng hóa cơ bản không bị ách tắc. Điều này góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc là thị trường xuất khẩu duy nhất của Việt Nam đạt mức tăng 2,1%.
Một ngành hàng khác cũng được các chuyên gia chỉ rõ đang có những tín hiệu tích cực và nhiều khả năng phục hồi là dệt may. Bởi gần đây, đối tác từ châu Âu, Đông Bắc Á, Đông Nam Á… đến tìm hiểu sản phẩm may mặc có xu hướng tăng nhanh so với các tháng trước đó. Xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, EU cũng xuất hiện nhiều tín hiệu khởi sắc hơn.
Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty May mặc Dony chia sẻ: Trong bối cảnh đơn hàng tại thị trường Hoa Kỳ, EU sụt giảm mạnh, doanh nghiệp đã chuyển hướng sang khối các thị trường Trung Đông và Đông Nam Á như Singapore, Indonesia, Malaysia và Campuchia. Mới đây, công ty đã ký được một đơn hàng với thị trường Malaysia. Mặc dù đây là những thị trường có biên độ cạnh tranh cao nhưng vẫn có thể làm được và thuận lợi về logistics.
Tương tự, ông Phạm Văn Việt- Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean) cho hay, quý IV/2023, ngành dệt may khởi sắc hơn khi thị trường nội địa và xuất khẩu đã có nhu cầu trở lại. Tuy thị trường xuất khẩu chưa đạt được mục tiêu như các năm nhưng đơn hàng của doanh nghiệp đã dần phục hồi khoảng 80% so với trước. Điều này đã tạo động lực thôi thúc doanh nghiệp tập trung vào sản xuất và hoàn thành đơn hàng sản xuất.
Đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nhấn mạnh: Ngành dệt may đã qua “đáy xấu nhất” và đang xuất hiện nhiều điểm sáng. Gần đây, đối tác từ châu Âu, Đông Bắc Á, Đông Nam Á… đến tìm hiểu sản phẩm may mặc đã tạo kỳ vọng cho sản lượng xuất khẩu hàng dệt may tăng trưởng tích cực.
Nhận định về vấn đề này, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, hàng tồn kho ở các thị trường mà Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu đã giảm. Chẳng hạn như tại Hoa Kỳ 6 tháng đầu năm tồn kho ở mức 20% nhưng đến tháng 8 đã giảm còn 10% và dự báo đến cuối năm 2023 sẽ tiệm cận về mức 0%. Đây là cơ hội cho hàng hóa sang Hoa Kỳ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Ứng phó với những bất ổn
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết: Doanh nghiệp Việt Nam vốn có sức chống chịu, linh hoạt và chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là xuất khẩu. Đồng thời, phát huy sự chủ động sáng tạo, tìm kiếm thị trường mới để bù đắp, thay thế thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng, khai thác tốt ưu đãi, lợi thế từ những FTA thế hệ mới. Bên cạnh đó, tại địa phương, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã xây dựng kế hoạch và đưa ra sản phẩm mới để xuất khẩu trong thời gian tới.
Đồng tình với quan điểm này, theo các chuyên gia, thời gian tới doanh nghiệp cần chuẩn bị đầy đủ điều kiện để duy trì, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa. Cùng đó, doanh nghiệp sẽ phải đa dạng, đảm bảo nguồn cung cho sản xuất của từng nhóm nguyên vật liệu của mỗi ngành để không phụ thuộc vào một thị trường, một khu vực.
Các chuyên gia cũng đề xuất nên đẩy mạnh liên kết kinh tế giữa các doanh nghiệp. Đây vừa là giải pháp ứng phó với bất ổn, vừa là công cụ để cạnh tranh chiến lược, nâng cao năng lực và khả năng thích ứng trước biến động khó lường của kinh tế thế giới. Mặt khác, doanh nghiệp cần chia sẻ nguồn cung nguyên vật liệu, đơn hàng, thị trường, đổi mới dây chuyền công nghệ sản xuất; tạo sự khác biệt cho thương hiệu của doanh nghiệp để gia tăng lợi thế cạnh tranh và thu hút nhà đầu tư.
Để xuất khẩu tăng tốc và cán đích, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định: Bộ Công Thương sẽ chủ động nâng cao năng lực dự báo, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả để tham mưu, đề xuất đối sách và đưa ra giải pháp phù hợp, khả thi. Cùng đó, Bộ Công Thương đẩy nhanh tiến độ đàm phán, ký kết các cơ chế hợp tác song phương và đa phương mới với các nước, khu vực còn tiềm năng. Ngoài ra, phát huy tốt vai trò của hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong việc cung cấp thông tin về thị trường và quy định, chính sách mới của nước sở tại.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng cảnh báo sớm về rào cản mới của đối tác và vụ việc phòng vệ thương mại, giúp doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước có phản ứng chính sách phù hợp; khai thác hiệu quả các FTA mà Việt Nam làm thành viên để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và mặt hàng xuất nhập khẩu. Đặc biệt, tập trung giải quyết vướng mắc về vốn, cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, duy trì tốt chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết thêm, Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập thị trường mới nổi, thị trường ngách, tiềm năng; đồng thời, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu. Mặt khác, Bộ đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, tạo điều kiện thuận lợi mở rộng thị trường nhằm thúc đẩy xuất khẩu bền vững.