Theo Tổng cục Thống kê, ngày từ đầu năm hoạt động sản xuất, xuất khẩu công nghiệp, cơ khí trong nước có nhiều điểm sáng trên đà hồi phục nhanh.
Phục hồi tích cực sau nhiều tháng sụt giảm
Báo cáo của Tổng cục Thống kê chỉ ra, trong tháng 1/2024 giá trị xuất khẩu hàng hóa đã đạt 4,02 tỷ USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác cũng là một trong những nhóm hàng hóa có giá trị xuất khẩu có chiều hướng tăng tích cực. Trước những tín hiệu này, Tổng cục Thống kê nhìn nhận hoạt động sản xuất, xuất khẩu công nghiệp, cơ khí trong nước có nhiều điểm sáng để hồi phục nhanh và phát triển trong năm nay.
Sức cầu của các nền kinh tế thế giới đang ghi nhận xu hướng phục hồi, kim ngạch nhập khẩu từ các nền kinh tế lớn tăng, những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam như Mỹ, châu Âu… đã có tín hiệu tăng trưởng trở lại.
Trước đó báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng đề cập đến điểm sáng trong xuất khẩu hàng hóa ngành cơ khí là giá trị xuất khẩu đã có xu hướng phục hồi về các tháng cuối năm 2023. Cụ thể, trong quý IV/2023, giá trị xuất khẩu bình quân nhóm hàng hóa ngành cơ khí đã đạt trên 4 tỷ USD/tháng, tăng gần 10% so với quý III và cao hơn 24% so với 2 quý đầu năm.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giá trị xuất khẩu của nhóm ngành cơ khí gồm máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đã tăng nhanh trong những năm qua, đạt tốc độ bình quân 26%/năm suốt giai đoạn 2010-2022, từ mức hơn 3 tỷ USD năm 2012 lên tới gần 45,8 tỷ USD năm 2022. Theo đó, giá trị xuất khẩu ngành cơ khí Việt Nam đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng “thần tốc” trong hơn một thập niên và luôn nằm trong top 3 ngành hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất.
Khẳng định kim ngạch xuất – nhập khẩu của ngành cơ khí những năm qua là rất lớn, song ông Nguyễn Chỉ Sáng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cơ khí Việt Nam (VAMI) thừa nhận, thị phần dành cho các sản phẩm cơ khí của các DN trong nước còn rất khiêm tốn, tỷ trọng sản phẩm xuất nhập khẩu của ngành cơ khí phần lớn vẫn thuộc về khối DN đầu tư nước ngoài (FDI).
“Công nghiệp cơ khí trong nước chưa có mặt hàng truyền thống, trong khi các doanh nghiệp vẫn ngại thay đổi quy mô sản xuất. Sản phẩm cạnh tranh chủ yếu bằng giá nhân công, nguyên liệu vật tư lại phụ thuộc vào nước ngoài. Trong quá trình tìm kiếm thị trường, doanh nghiệp cơ khí không có đại diện bán hàng theo khối, liên kết lỏng lẻo trong quá trình tìm kiếm khách hàng. Ngoài ra, những hạn chế về thương mại điện tử, thiếu kiến thức về luật thương mại quốc tế của doanh nghiệp cơ khí đã khiến các khách hàng nước ngoài chưa hài lòng”- lãnh đạo VAMI cho hay.
Thực tế trong 2 năm trở lại đây, thị trường sản phẩm cơ khí suy giảm khoảng 20% đơn hàng. Tuy vậy, lĩnh vực cơ khí cũng có thêm nhiều khách hàng mới do sự dịch chuyển thị trường đầu tư.
Cần nhiều hơn vai trò kết nối, khơi mở thị trường xuất khẩu
Để mở rộng thị trường và gia tăng giá trị xuất khẩu cho sản phẩm cơ khí Việt Nam, Hiệp hội Cơ khí Việt Nam đề xuất một số chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong ngành. Đó là hỗ trợ tăng cường kết nối, tiếp xúc giữa doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, hiệp hội đối tác của các thị trường để trao đổi, hợp tác phát triển kinh doanh sản xuất, xuất khẩu. Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, tiếp cận đối tác qua thương mại điện tử – một kênh thông tin hiệu quả và là xu hướng phát triển tất yếu trong thời gian tới.
Theo bà Trương Thị Chí Bình- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, hiện thị trường mới, tiềm năng của sản phẩm cơ khí Việt Nam phải kể tới là UAE. Đây là thị trường dễ tiếp cận do không có nhiều tiêu chuẩn phức tạp, giá lại tốt. Hoa Kỳ cũng đang là thị trường tiềm năng đối với xuất khẩu sản phẩm cơ khí của Việt Nam. “Tuy nhiên, doanh nghiệp đang gặp khó khăn về thanh toán tại thị trường UAE. Do vậy rất cần sự hỗ trợ để doanh nghiệp có thể nắm bắt cơ hội tiếp cận thị trường, đáp ứng được các yêu cầu từ đối tác“, bà Bình kiến nghị.
Hay với thị trường Nhật Bản, đây là thị trường xuất khẩu truyền thống của sản phẩm cơ khí Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng cơ khí đang chiếm tỷ trọng 5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản. Dù có nhiều cơ hội, song một số chuyên gia cũng nêu cụ thể những điểm yếu, cụ thể do ngành cơ khí của Việt Nam vẫn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu như thép và nhôm công nghệ cao…Chính vì vậy các doanh nghiệp cơ khí trong nước cần đầu tư thêm chi phí cho mảng nghiên cứu, phát triển sản phẩm nhằm chủ động nguồn nguyên liệu, tăng năng lực sản xuất để có thể gia công sản phẩm có giá trị cao và bình đẳng hơn với doanh nghiệp Nhật Bản, qua đó tăng thêm cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
TS. Đỗ Hữu Hào – Chủ tịch Tổng hội Cơ khí Việt Nam cũng đề xuất một số giải pháp để hỗ trợ ngành cơ khí phục hồi nhanh, như rà soát lại các nhóm sản phẩm cơ khí trọng điểm, tạo ra thị trường và bảo vệ thị trường nội địa cho các doanh nghiệp trong nước thông qua các Luật và văn bản dưới Luật. Đề xuất Chính phủ sớm sửa lại Luật Đấu thầu theo hướng có lợi hơn cho các doanh nghiệp trong nước, có quy định mới để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các nguồn tài chính.
Ngoài ra, Chủ tịch Tổng hội Cơ khí Việt Nam cũng cho rằng từ phía doanh nghiệp cũng cần tự đầu tư theo hướng “chuyên môn hoá sâu, hợp tác hóa rộng” nâng cao năng lực cạnh tranh.
Dưới góc độ cơ quan quản lý, để giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp cơ khí, Bộ Công Thương cho biết sẽ đẩy mạnh đàm phán, ký kết các Hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới, từ đó đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng. Đồng thời, Bộ cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cam kết trong các Hiệp định FTA đã ký để đẩy mạnh xuất khẩu.
Ông Ngô Khải Hoàn – Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua Cục Công nghiệp đã phối hợp triển khai nhiều chương trình hỗ trợ cho ngành cơ khí, nhất là xúc tiến thương mại công nghiệp chế biến, chế tạo. Mặt khác, Cục đã phối hợp triển khai hoạt động nâng cao năng lực của doanh nghiệp như tổ chức hoạt động đào tạo tư vấn viên, với mục đích lan tỏa kiến thức cho các doanh nghiệp trong nước. Bên cạnh đó thúc đẩy phát triển sản xuất và xuất khẩu ngành cơ khí, hỗ trợ doanh nghiệp ngành cơ khí tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu.