Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy, tính đến ngày 15/10, kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước.
Ngày 17/11, tại Đồng Tháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn(NN&PTNT) tổ chức Hội nghị tổng kết ngành hàng cá tra năm 2024, bàn giải pháp năm 2025.
Theo Cục Thủy sản – Bộ NN&PTNT, sản lượng cá tra năm nay ước đạt 1,6 triệu tấn, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Tính đến ngày 15/10, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 1,5 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, mức độ tăng trưởng không đồng đều do có sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia và dòng sản phẩm cá thịt trắng khác.
Hiện cả nước có 1.920 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá tra, trong đó có 2 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống bố mẹ; 76 cơ sở sản xuất giống và 1.842 cơ sở ương dưỡng cá tra bột lên cá giống.
Theo Cục Thủy sản, sản phẩm cá tra có giá trị gia tăng cao còn chiếm tỉ trọng nhỏ, chủ yếu sản phẩm đông lạnh. Phụ thuộc vào một số thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, Trung Quốc, ASEAN… khiến hàng cá tra có thể gặp bất lợi nếu các thị trường này có thay đổi về chính sách hoặc yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng, an toàn thực phẩm. Ngoài ra, thiếu sự phối hợp và cạnh tranh quá mức giữa các nhà chế biến, xuất khẩu Việt Nam cùng với chất lượng chưa đồng đều đã ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu sản phẩm cá tra Việt Nam.
Định hướng của ngành cá tra đến năm 2025 sẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị sản xuất các lĩnh vực có lợi thế, thâm dụng tài nguyên thấp. Đồng thời, đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng đầu mối thiết yếu đáp ứng yêu cầu sản xuất cho trên 30 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung và vùng sản xuất giống tập trung; Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định cho trên 30% sản lượng sản phẩm nuôi trồng thủy sản.
Ông Nguyễn Phước Thiện – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp – cho biết, năm nay, giá trị sản xuất cá tra của tỉnh ước đạt hơn 8.800 tỷ đồng, tăng 2,8% so năm 2023, chiếm trên 17% tổng giá trị sản xuất ngành nông – lâm – thủy sản tỉnh. Diện tích thả nuôi cá tra thương phẩm đạt 2.630ha (tăng 10ha so với năm 2023), với sản lượng ước đạt 540.000 tấn (tăng 15.000 tấn so với năm 2023).
Tại hội nghị, các đại biểu cũng chỉ ra những thách thức trong thời gian tới như: Sự cạnh tranh các loài thủy sản khác; giá xuất khẩu cá tra Việt Nam so với các nước khác; tác động của biến đổi khí hậu; các quy định về giảm phát thải trong nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra; các rào cản kỹ thuật, thương mại của các nước nhập khẩu về sản phẩm cá tra.
Bên cạnh đó, các chuyên gia, đại biểu đã đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển ngành hàng cá tra, như: Cần có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người nuôi để đảm bảo cung – cầu của thị trường; quản lý điều kiện sản xuất đối với cơ sở giống thủy sản, cơ sở sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường; hình thành vùng nuôi cá tra bền vững; ứng dụng các giải pháp khoa học tiên tiến, công nghệ trong quản lý và sản xuất cá tra giống, thương phẩm.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT – Phùng Đức Tiến đề nghị, các địa phương cần phát triển giống cá tra theo hướng công nghiệp, với quy mô sản xuất lớn, đảm bảo an toàn sinh học; kiểm soát chặt chẽ trong quản lý, sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng.
Ông Tiến lưu ý cần quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất giống cá tra, đảm bảo chất lượng nguồn giống; sản xuất, chế biến cá tra phải hướng đến sản xuất xanh, giảm phát thải; nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học trong nuôi trồng, sản xuất cá tra.
Cũng theo ông Tiến, các địa phương, doanh nghiệp cần hình thành chuỗi khép kín trong sản xuất – chế biến – tiêu thụ; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, tận dụng các phụ phẩm nhằm gia tăng giá trị sản phẩm. Ngoài các thị trường truyền thống cần tìm kiếm và phát triển các thị trường mới tiềm năng, trong đó có thị trường Hồi giáo đáp ứng được yêu cầu chứng nhận Halal.