Nguồn cung hạn chế khiến xuất khẩu cà phê đã không giữ được sự khởi sắc như nửa đầu năm 2023. Nhưng, một niên vụ cà phê mới lại bắt đầu với nhiều tín hiệu tích cực về thị trường và giá cả.
Vì vậy, cà phê Việt lại có cơ hội tiếp tục khẳng định vị thế và được kỳ vọng sẽ phá kỷ lục về giá trị xuất khẩu trong năm 2023.
Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, 11 tháng năm 2023, dự kiến xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,36 triệu tấn, trị giá thu về gần 3,5 tỷ USD.
Xuất khẩu cà phê sẽ dần tăng trở lại khi Việt Nam đã bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2023 – 2024. Niên vụ cà phê mới bắt đầu khi giá xuất khẩu cà phê bình quân tháng 10/2023 của Việt Nam tiếp tục lập mức cao kỷ lục mới 3.603 USD/tấn, tăng 8,9% so với tháng 9/2023 và tăng 40,7% so với tháng 10/2022. Tính chung 10 tháng năm 2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê đạt mức 2.535 USD/tấn, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá cà phê trong nước hiện cũng đang ở mức tốt, khoảng 60.000 đồng/kg. Giá cà phê có xu hướng tăng trở lại do giá trên thị trường thế giới tăng. Tuy nhiên, vụ cà phê này được Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam dự báo sản lượng tiếp tục giảm khoảng 10% do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; diện tích trồng xen tăng, người nông dân sẽ đầu tư vào các cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn như sầu riêng, cây ăn trái khác.
Thị trường khởi sắc có thể sẽ khiến người dân thu hái cà phê khi còn xanh, chưa đạt chất lượng về độ chín khi mới đầu vụ. Ông Đoàn Mạnh Trình, Phó Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu cà phê Tám Trình (Lâm Đồng) cho hay: Tình trạng hái cà phê đầu mùa quá xanh không chỉ mới xuất hiện trong niên vụ năm 2023-2024 mà đã có từ nhiều năm trước. Nếu người dân hái xanh tỷ lệ cao, trái chín thấp thì tỷ lệ hao hụt sẽ rất cao, kéo theo chất lượng đi xuống.
Theo các doanh nghiệp, trong khi các nước trên thế giới, các vùng cà phê sản xuất bài bản, chất lượng nâng cao thì Việt Nam cũng phải tăng chất lượng và khả năng cạnh tranh để không mất thị trường.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, việc người dân thu hái quả chưa chín có thể do giá cà phê đang cao nên thu hái sớm để tránh mất trộm, nhất là tại các nương cà phê xa khu dân cư, khó bảo vệ.
Để đảm bảo đúng quy trình thu hái cà phê, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn về việc thu hái cà phê đúng thời điểm, đúng kỹ thuật đối với từng loại cà phê. Theo đó, sản phẩm thu hoạch có tỷ lệ quả chín đạt từ 90% trở lên và tỷ lệ tạp chất không quá 2%; đợt tận thu cuối vụ, tỷ lệ quả chín đạt trên 80%.
Nhìn lại niên vụ 2022-2023 (từ tháng 10/2022 đến tháng 9/2023), xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,66 triệu tấn, giảm 4,5% so với niên vụ 2021-2022. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu vẫn tăng 3,4% lên mức kỷ lục 4,08 tỷ USD nhờ giá tăng cao.
Đánh giá về thành công trên, ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco DakLak) bày tỏ: Sản lượng xuất khẩu giảm nhưng tỷ lệ cà phê rang xay tăng khá, nên giá trị xuất khẩu tăng. Giá cà phê nhân xuất khẩu tăng cũng chứng tỏ sự ổn định về chất lượng từ vườn trồng, đến hệ thống thu mua, xuất khẩu đã có sự đầu tư về khoa học kỹ thuật, công nghệ. Cà phê Việt Nam được các nhà nhập khẩu đánh giá là ngon và khá ổn định. Do đó, các nhà rang xay trên thế giới đều ưu tiên mua cà phê Việt Nam.
Theo ông Lê Đức Huy, những năm vừa qua, cà phê Việt Nam đã chú trọng nâng cao chất lượng, giúp thay đổi giá trị xuất khẩu. Trong khoảng 10 năm, giá trị xuất khẩu cà phê Việt Nam đã tăng trưởng gấp đôi, từ khoảng 2 tỷ USD lên 4 tỷ USD năm 2022 và có thể tăng hơn nữa trong năm 2023.
Để kim ngạch cà phê tiếp tục tăng và có thể sớm đạt 6 tỷ USD như hiệp hội kỳ vọng, ông Lê Đức Huy cho rằng cần đẩy mạnh sản lượng lên từ 2 -2,2 triệu tấn. Như vậy, câu chuyện tái canh cà phê cần được chú trọng và duy trì để tránh mất lợi thế cạnh tranh.
Còn về chế biến sâu, theo ông Lê Đức Huy vẫn là câu chuyện nguồn nguyên liệu. Đó là sự ổn định, đảm bảo chất lượng, sản lượng về nguồn nguyên liệu để doanh nghiệp có thể yên tâm đầu tư, cũng như thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp nước ngoài vào mảng này.
Cục Trồng trọt cho biết, hiện cả nước có hơn 710.000 ha cà phê. Việt Nam hiện đứng thứ 6 thế giới về diện tích cây cà phê, song nhờ năng suất cao nhất thế giới nên Việt Nam đạt sản lượng cà phê thu hoạch hàng năm lớn thứ hai thế giới, từ 1,75 – 1,85 triệu tấn.
Trong tổng số hơn 710.000 ha, Việt Nam mới chỉ có hơn 185.000 ha diện tích cà phê đạt chứng nhận sản xuất bền vững, với các chứng nhận: Utz Certified, Rainforest, 4C, VietGAP… Theo các doanh nghiệp, các địa phương cần quy hoạch vùng cà phê trọng điểm; đẩy mạnh tái canh, áp dụng quy trình sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận VietGAP, 4C, Rainforest, hữu cơ… để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu gắt gao của các thị trường quốc tế.
Hiện thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam là EU, tiếp đến là Mỹ, Nhật Bản… Tuy xuất khẩu cà phê sang Trung Quốc chưa chiếm tỷ trọng cao, song nhiều doanh nghiệp Việt cũng đang quan tâm tới thị trường này. Bởi, Trung Quốc có tốc độ nhập khẩu cà phê tăng bình quân hơn 25%/năm. Giới trẻ nước này ngày càng thích cà phê hơn trà. Cà phê Việt Nam đang có cơ hội xuất khẩu sang Trung Quốc, thị trường có tiềm năng lớn với sức mua cao. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường cạnh tranh cao, đòi hỏi các doanh nghiệp cần đầu tư vào đa dạng hóa sản phẩm cà phê đặc sản, cà phê chế biến và đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng khắt khe.
Chuyên gia thị trường cà phê Nguyễn Quang Bình phân tích: Hiện các thị trường lớn như EU, Mỹ đang có sự thay đổi nhu cầu tiêu thụ từ nhập cà phê nhân chuyển sang cà phê chế biến. Vì vậy, Việt Nam cũng phải ưu tiên đầu tư các cơ sở chế biến sâu để gia tăng giá trị sản phẩm cà phê và hướng tới phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Quang Bình dự báo, giá cà phê niên vụ 2023 – 2024 sẽ tiếp tục neo ở mức cao. Đến tháng 6/2024 nếu các nền kinh tế lớn trên thế giới tiếp tục giảm lãi suất, xuất khẩu cà phê sẽ tiếp tục hưởng lợi. Bởi, đây là lúc các nhà rang xay trên thế giới mua tích trữ nên giá cà phê khó có cơ hội đi xuống.