Bài toán nguyên liệu trong lĩnh vực xuất khẩu cá ngừ vẫn chưa có lời giải khi sản lượng nguyên liệu trong nước thấp, các doanh nghiệp vẫn phụ thuộc phần lớn vào nguồn cung từ nước ngoài để phục vụ chế biến.
Xuất khẩu cá ngừ đóng vai trò quan trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam, mỗi năm mang về trung bình hơn 800 triệu USD. Tuy nhiên, thời gian qua, nguồn nguyên liệu cá ngừ phục vụ chế biến xuất khẩu trong nước lại rất thấp, chỉ chiếm từ 30% đến 40% nhu cầu của các doanh nghiệp. Số lượng còn lại, các doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên liệu từ các nước khác để phục vụ chế biến.
Xuất khẩu cá ngừ tăng mạnh
Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, tính đến hết tháng 7/2024, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ ước đạt hơn 550 triệu USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023. Tất cả các nhóm mặt hàng cá ngừ xuất khẩu đều tăng trong thời gian này; trong đó, cá ngừ đông lạnh có chiều hướng tăng giá trị, đạt mức cao nhất từ đầu năm đến nay với hơn 44 triệu USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước, có xu hướng tiếp tục tăng trong thời gian từ nay đến cuối năm.
Trong khi đó, các sản phẩm cá ngừ đóng hộp lại giảm 11%, ước đạt gần 20 triệu USD – bà Nguyễn Thị Vân Hà, chuyên gia thị trường cá ngừ, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) thông tin.
Cũng theo VASEP, xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường chính như Mỹ, châu Âu hay Israel vẫn tiếp tục tăng trong những tháng qua, lần lượt là 18%, 56% và 50%.
Đáng chú ý, tại khối thị trường châu Âu, xuất khẩu cá ngừ sang Italia và Hà Lan đang tăng “phi mã”, ở mức ba con số. Cùng đó, xuất khẩu cá ngừ sang Nga cũng tăng mạnh, ở mức ba con số trong hai tháng qua. Với sự tăng trưởng cao liên tục từ đầu năm, Nga trở thành một trong những thị trường xuất khẩu cá ngừ hàng đầu của Việt Nam.
Hiện nay, nhu cầu của các thị trường đang ngày càng tăng để chuẩn bị cho các dịp lễ cuối năm, và đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Tổng Thư ký VASEP Trương Đình Hòe đánh giá, ngành cá ngừ của Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển trong năm nay, nhất là khi nhu cầu tiêu thụ trên thế giới đang có xu hướng tăng. Mỹ và châu Âu vẫn sẽ là hai thị trường chính.
Các thị trường tiềm năng như Israel, Nga và Hàn Quốc cũng đang mở ra nhiều cơ hội mới. Việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) sẽ tạo đà cho xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam. Các hiệp định này không chỉ giúp giảm thuế mà còn tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong việc xuất khẩu sản phẩm sang những thị trường lớn.
Gỡ “nút thắt” nguyên liệu
Một trong những thách thức lớn nhất đối với ngành cá ngừ Việt Nam hiện nay là nguyên liệu. Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định Cao Thị Kim Lan chia sẻ, hơn 50% giá trị xuất khẩu cá ngừ được tạo ra từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu, do khai thác trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu cho chế biến xuất khẩu và không ổn định.
Nghị định số 37/2024/NĐ-CP được Chính phủ ban hành trong tháng 4 vừa qua để hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản, có quy định về kích thước tối thiểu được phép khai thác của các loài thủy sản sống trong vùng nước tự nhiên, trong đó có loài cá ngừ vằn, nguyên liệu chủ lực của ngành chế biến và xuất khẩu cá ngừ đóng hộp. Quy định này nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tuy nhiên, nhiều ngư dân và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá ngừ bày tỏ sự băn khoăn về quy định kích thước cá ngừ vằn trong khai thác và cho rằng cần có lộ trình để thực hiện.
Theo nghị định, kể từ ngày 19/5, cá ngừ vằn được phép khai thác phải có chiều dài tối thiểu là 500 mm. Nếu dưới kích cỡ này thì các doanh nghiệp sẽ không được thu mua để chế biến xuất khẩu. Quy định nhằm bảo vệ nguồn lợi cá ngừ, tránh khai thác cá ngừ ở kích thước nhỏ.
Tuy nhiên, trong thực tế khai thác ở nước ta, số lượng cá ngừ vằn đạt được kích cỡ từ 500 mm trở lên thường chỉ chiếm khoảng 10 đến 20% mẻ lưới. Sản lượng khai thác cá ngừ vằn mỗi năm của nước ta là khoảng 60 nghìn tấn. Trong khi sản lượng khai thác cho phép là 200 nghìn tấn.
Cá ngừ vằn là nguyên liệu chủ lực để chế biến, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp. Năm 2023, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp chiếm đến 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ 800 triệu USD. Các doanh nghiệp cho rằng, việc tuân thủ quy định mới về kích cỡ cá ngừ vằn có thể kéo theo việc không đủ nguồn cung nguyên liệu để chế biến, xuất khẩu.
Theo đề xuất của Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam, trước mắt nên xem xét kích cỡ cho phép khai thác đối với cá ngừ vằn cái là 380mm và cá đực là 387mm. Bởi theo nghiên cứu, với kích cỡ này cá ngừ vằn đã sinh sản. Bên cạnh đó, cá ngừ vằn là loài cá di cư có trữ lượng lớn, cho nên các quốc gia và những tổ chức quản lý nghề cá thường áp dụng hạn ngạch khai thác, chứ không quản lý kích thước khai thác.
Lãnh đạo VASEP cho rằng, tiềm năng và dư địa cho ngành cá ngừ Việt Nam còn lớn hơn nhiều nếu toàn ngành nỗ lực vượt qua những thách thức nội tại, giải quyết được những khó khăn với sự quan tâm và hỗ trợ của các cơ quan quản lý Nhà nước. Các doanh nghiệp xuất khẩu kỳ vọng năm 2024, cá ngừ Việt Nam sẽ có cơ hội quay lại mốc một tỷ USD nếu những bất cập về vấn đề nguyên liệu được tháo gỡ.