Tháng 6 vừa qua, Công ty CP Xử lý chất thải miền Đông đã được cấp phép đủ điều kiện sản xuất đại trà phân bón hữu cơ để lưu thông trên thị trường. Theo ông Phạm Tiên Phong, Giám đốc Công ty, thông qua kết quả phân tích khoa học của đơn vị chức năng, sản phẩm phân hữu cơ của đơn vị sản xuất đạt các tiêu chuẩn: Tỷ lệ hữu cơ cao hơn 25%, không lẫn kim loại nặng, không có hoặc có tỷ lệ rất thấp vi khuẩn bất lợi, tỷ lệ vi sinh vật hữu ích rất cao và có khả năng phát triển mạnh sau khi phân được sử dụng trong đất.
Cùng với Công ty CP Xử lý chất thải miền Đông, Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh cũng đang phối hợp đơn vị tư vấn triển khai dự án thu gom, phân loại rác thải hữu cơ tại các chợ, nhà hàng khu vực TX Đông Triều để xử lý thành phân hữu cơ phục vụ các vùng canh tác trên địa bàn. Hiện dự án này đã tạo sản phẩm và bước đầu đưa vào sử dụng thử nghiệm tại các cánh đồng lúa nếp cái hoa vàng và các nhà vườn trồng na, kết quả được đánh giá khả quan.
Trước đó mô hình hoai ủ, phối trộn để biến lượng rác thải hữu cơ phát sinh trong sinh hoạt hàng ngày của gia đình thành phân bón cây trồng đã được hội nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh… trên toàn tỉnh khuyến khích các hội viên tham gia và nhân rộng.
Theo các đơn vị chuyên môn của Sở NN&PTNT đánh giá, việc xử lý rác thải thành phân hữu cơ mang lại nhiều lợi ích. Không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, biến chất có hại, thành vô hại và thành chất có lợi, giảm chi phí xử lý rác thải, thậm chí làm gia tăng giá trị từ rác thải… mà việc xử lý rác thải thành phân hữu cơ đã đáp ứng hiệu quả nhu cầu sử dụng phân bón phù hợp cho những vùng trồng trọt hữu cơ hoặc các vùng trồng trọt hướng tới các tiêu chuẩn canh tác nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP…).
Hiện nay, toàn tỉnh đang có gần 1.100ha diện tích nông nghiệp hữu cơ, gần 100ha vùng trồng trọt hữu cơ, 14 vùng trồng cây ăn quả, gần 470 hộ hoặc cơ sở canh tác áp dụng quy trình quản lý chất lượng tiên tiến (GMP, SSOP, HACCP…), nhiều diện tích nông nghiệp khác đang canh tác theo hướng VietGAP, chờ được công nhận đạt chuẩn. Tất cả diện tích nông nghiệp này đều cần thiết sử dụng phân bón hữu cơ, đặc biệt là các vùng canh tác trồng trọt và vùng cây ăn quả.
Được biết hiện nay, Quảng Ninh đang trong quá trình triển khai Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu là đến năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 1% diện tích cây chủ lực được công nhận đạt chuẩn hữu cơ; 1,5% tổng sản lượng nông sản chủ lực là nông sản được chứng nhận hữu cơ; tỷ lệ chăn nuôi hữu cơ là 2%, tổng sản phẩm chăn nuôi hữu cơ là 2%, trong đó nguồn thức ăn xơ của vật nuôi được chế biến từ nguồn chất xơ có sử dụng phân bón hữu cơ. Trong khi đó, các vùng canh tác nông nghiệp chỉ được chứng nhận hữu cơ khi sử dụng các nguyên vật liệu đầu vào được chứng nhận hữu cơ.
Có thể thấy việc sản xuất phân bón hữu cơ từ rác thải hữu cơ cần được khuyến cáo đảm bảo đúng quy trình, có kiểm nghiệm và đánh giá chất lượng trước khi đưa vào phân phối lưu thông trên thị trường hoặc khi các hộ dân đưa vào sử dụng. Thực tế quá trình xử lý rác thải hữu cơ thành phân hữu cơ nếu không đảm bảo quy trình dễ dẫn tới một dạng ô nhiễm môi trường khác, sản phẩm tạo ra có thể nhiễm kim loại nặng hoặc không triệt tiêu được các đối tượng vi sinh vật có hại, khi sử dụng có thể gây nhiễm độc hoặc phát sinh mầm bệnh trong đất, trong cây trồng hoặc vật nuôi, làm ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng. Đây là bài toán cần được tính đến trong quá trình các đơn vị khuyến khích, nhân rộng các mô hình xử lý rác thải thành phân hữu cơ như hiện nay.