Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho rằng, để xử lý ô nhiễm nguồn nước ở các dòng sông cần nguồn lực lớn, thời gian dài, chưa kể cần có giải pháp xây dựng và vận hành nhà máy xử lý nước thải.
Chiều 6/11, tham gia phiên chất vấn đối với nhóm lĩnh vực kinh tế ngành, nhiều đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm đến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng ở một số con sông, đòi hỏi phải có giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng này.
Nước hệ thống Bắc Hưng Hải và sông Cầu ô nhiễm nghiêm trọng
Đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (đoàn Long An) cho biết, Nghị quyết số 499 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV có yêu cầu cơ chế, chính sách phù hợp để giải quyết ô nhiễm môi trường của hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.
Tuy nhiên, qua giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho thấy, tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở hệ thống Bắc Hưng Hải chưa được giải quyết triệt để, còn gặp nhiều khó khăn.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng thông tin về những chính sách mà Bộ đã ban hành hoặc tham mưu ban hành, cũng như giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại hệ thống Bắc Hưng Hải.
Cũng có chung mối quan tâm, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (đoàn Bắc Giang) cho hay nhiều năm qua, tình trạng nguồn nước sông Cầu bị ô nhiễm rất nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân một số huyện ở Bắc Giang và Bắc Ninh.
Theo đại biểu Hà, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Quốc hội tỉnh cũng đã từng chất vấn tư lệnh ngành tài nguyên và môi trường về vấn đề này, nhưng đến nay tình trạng nêu trên vẫn chưa được xử lý triệt để.
“Vì sao nhiều năm qua tình trạng này vẫn chưa được giải quyết? Bộ có những giải pháp nào để thời gian sớm nhất giải quyết được dứt điểm tình trạng này?”, đại biểu Hà đặt câu hỏi.
Làm rõ vấn đề các đại biểu nêu, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, vừa qua Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các bộ, ngành kiểm tra và nhận thấy từ một hệ thống thủy nông, hệ thống Bắc Hưng Hải hiện “gánh thêm” một nhiệm vụ nữa là nơi xả thải cho một phần của Hà Nội và các tỉnh Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên.
Số liệu thống kê cho thấy, hiện nay hệ thống Bắc Hưng Hải một ngày tiếp nhận 450-500 nghìn m3 xả thải của các địa phương. Riêng khu vực từ cống Xuân Thủy xả thải vào 260 nghìn m3/ngày đêm, hầu hết đến từ cụm công nghiệp làng nghề, khu đô thị và khu dân cư.
“Các địa phương đều chưa có hệ thống xử lý nước thải, do đó nước sinh hoạt hòa với nước mưa xả thẳng ra Bắc Hưng Hải. Đặc biệt, vừa qua Hà Nội cố gắng xây dựng nhà máy xử lý nước thải nhưng chưa xây xong nên hai quận Long Biên và Gia Lâm cũng xả thẳng ra hệ thống thủy lợi này”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cũng thừa nhận tình trạng ô nhiễm diễn ra tương tự tại khu vực sông Cầu chảy qua địa phận tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Theo đó, nguồn ô nhiễm là từ sông Ngũ Huyện Khê, một ngày xả thải 15 nghìn m3 chưa được xử lý từ các cụm công nghiệp, cụ thể là cụm công nghiệp giấy Phong Khê.
Huy động doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải
Về giải pháp, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì họp Chính phủ và yêu cầu có giải pháp thích hợp, ngắn hạn và dài hạn để xử lý ô nhiễm tại hệ thống Bắc Hưng Hải cũng như các sông ngòi khác.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Bộ Công an rà soát nghiêm khu công nghiệp, cụm công nghiệp và xử phạt hành chính rất nhiều doanh nghiệp xả thải không đúng quy định.
Đồng thời, tăng cường quan trắc ở hệ thống thủy lợi và làm việc với các địa phương, từ đó dùng các nguồn lực để tiếp tục cố gắng xử lý nước thải của đô thị và nông thôn vào hệ thống này.
Hiện nay, một số địa phương như Hưng Yên đã có những giải pháp thu gom, xử lý nước thải tại các khu dân cư. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, việc này cần rất nhiều nguồn lực, chưa kể cần có giải pháp xây dựng nhà máy xử lý và vận hành nhà máy.
Để xử lý dứt điểm vấn đề ô nhiễm trên sông ngòi, kênh rạch, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề xuất cần có chương trình xử lý nước thải ở tầm quốc gia; đồng thời, phải có cơ chế, chính sách để kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư hệ thống xử lý nước thải, rác thải. Đặc biệt, những tổ chức, cá nhân xả thải nhiều cần phải có trách nhiệm với cộng đồng hơn.
Cùng với đó, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh giải pháp tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và tăng cường công tác quan trắc môi trường và kịp thời kiểm tra, giám sát.
Về nguồn ô nhiễm là các làng nghề như với trường hợp sông Cầu, Bộ trưởng cho rằng cần đề nghị các tỉnh có quy hoạch để di chuyển các làng nghề và có các khu để thu gom, xử lý nước thải từ các làng nghề, như vậy mới giúp xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm. “Để làm được điều này cần nguồn lực lớn từ cả ngân sách Trung ương và địa phương, các tỉnh phải phối hợp với nhau”, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nói.
Theo tư lệnh ngành tài nguyên và môi trường, cần phải có một chương trình mục tiêu quốc gia để xử lý các dòng sông chết, xử lý ô nhiễm các dòng sông và xử lý về môi trường, rác thải và nước thải nói chung. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng đề xuất này khó khả thi, thay vào đó có thể khôi phục lại các chương trình mục tiêu trước đây của Chính phủ về xử lý vấn đề này.