Trong 3 tháng đầu năm, tình hình dịch dại trên chó diễn biến phức tạp tại một số địa phương của Quảng Ninh. Nhờ các giải pháp khoanh vùng, khống chế dịch, bảo vệ sức khỏe người dân được triển khai khẩn trương, chặt chẽ, đồng bộ, nên các ổ dịch phát sinh đã cơ bản được xử lý dứt điểm.
Thống kê từ ngày 11/1 đến 14/3, toàn tỉnh đã phát sinh 5 ổ dịch bệnh dại trên chó (tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2023) tại 5 xã, thị trấn thuộc 3 địa phương: Đầm Hà, Hạ Long, Bình Liêu. Số người bị chó dại cắn là 28 người; phải tiến hành tiêu hủy số chó dại, nghi dại là 22 con. Trong khi đó, dại được xác định là bệnh nguy hiểm, hiện nay chưa có thuốc điều trị, có nguy cơ tử vong cao nếu không được tiêm vắc-xin phòng ngừa. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% đối với cả người và động vật.
Bên cạnh đó, nhìn chung người dân vẫn còn chủ quan, thiếu hiểu biết về mức độ nguy hiểm của bệnh dại. Hoạt động tiêm vắc-xin phòng dại trên động vật còn nhiều hạn chế… Vì vậy, trong các tháng vừa qua khi tình hình bệnh dại trên địa bàn có diễn biến tương đối phức tạp, công tác ứng phó đã được tỉnh quan tâm chỉ đạo, ngành y tế và các địa phương phối hợp triển khai quyết liệt.
Tại huyện Đầm Hà, ổ dịch dại trên chó được xác định vào ngày 28/2, khi 1 con chó dại bất ngờ chạy vào trường học tại xã Dực Yên, tấn công 13 học sinh và 1 giáo viên. Ngay sau đó, huyện Đầm Hà đã chỉ đạo ngành chức năng và các xã, thị trấn tiến hành khoanh vùng, rà soát tổng đàn chó, mèo trên địa bàn gần 10.000 con để triển khai tiêm vắc-xin. Các tổ công tác lập tức ra quân, kết hợp các kênh tuyên truyền và trực tiếp đến từng tổ dân, ngõ xóm để giám sát chặt chẽ địa bàn, không để tình trạng chó, mèo thả rông, không có rọ mõm tại các khu vực công cộng, xử phạt nghiêm theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, người dân được khuyến cáo theo dõi biểu hiện của chó, mèo nhà, nếu nhận thấy có các biểu hiện bất thường, cần báo ngay cho chính quyền địa phương để được hướng dẫn, hỗ trợ xử lý theo quy định an toàn.
TP Hạ Long là địa phương thứ 2 xuất hiện ổ dịch dại trên chó. Cụ thể là vào ngày 9/3, sau khi ghi nhận phát sinh ổ dịch dại trên chó tại địa bàn xã Tân Dân, UBND thành phố đã lập tức công bố dịch, yêu cầu chính quyền cơ sở khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định Luật Thú y. Bao gồm các biện pháp: Tổ chức tiêu hủy chó ngay khi có biểu hiện nghi mắc bệnh dại trong khu vực ổ dịch; tổ chức tổng vệ sinh xử lý chất thải, thức ăn khu vực bắt chó và nhốt chó bị dại; phun tiêu độc khử trùng… Tại các khu vực lân cận thôn phát sinh ổ dịch, lực lượng chức năng cũng đã tiến hành rà soát, thống kê và tiêm phòng cho toàn bộ đàn chó, mèo đạt 100%.
Tại TP Móng Cái, dù không xuất hiện ổ dịch, nhưng các biện pháp phòng, chống dịch đang được quan tâm đẩy mạnh. Cụ thể, UBND thành phố đã yêu cầu Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp cùng các cơ quan chuyên môn khẩn trương kiểm tra, chuẩn bị sẵn sàng nguồn vắc-xin tiêm phòng dại và tiến hành tiêm cho 100% tổng đàn chó, mèo nuôi xong trước ngày 25/3 theo chỉ đạo của tỉnh. Chủ tịch UBND xã, phường được yêu cầu chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức tiêm phòng cho toàn bộ đàn chó, mèo. Công tác thông tin, tuyên truyền cũng được thành phố đẩy mạnh từ sớm, để người dân nhận biết đầy đủ về diễn biến và tính chất nguy hiểm của dịch bệnh dại. Từ đó giúp cho công tác phòng ngừa, xử lý dịch được tiến hành khẩn trương, thuận tiện, hiệu quả.
Có thể thấy, nhờ công tác chỉ đạo và triển khai rất nhanh chóng, đồng bộ, chặt chẽ, từ khoanh vùng, khống chế dịch, bảo vệ sức khỏe người dân… nên các ổ dịch phát sinh đã cơ bản được xử lý dứt điểm. Tuy nhiên, những nguy cơ mất an toàn vẫn còn tiềm ẩn, đặt ra yêu cầu phải tiếp tục chú trọng công tác phòng, chống dịch tái bùng phát. Trong đó bao gồm việc hướng dẫn người dân chấp hành nghiêm quy định tiêm phòng, không để chó, mèo thả rông; khi đưa chó, mèo ra nơi công cộng, khu dân cư, chung cư phải rọ mõm, có dây xích…
Tại Việt Nam, mỗi năm có gần 500.000 người bị chó, mèo cắn phải điều trị dự phòng bằng vắc-xin dại tại các cơ sở y tế. Trung bình mỗi năm, nước ta ghi nhận 75 trường hợp tử vong do bệnh dại. Nguyên nhân trực tiếp gây tử vong dại trên người chủ yếu là do người bị chó mèo cắn không tiêm phòng dại. Nguyên nhân gián tiếp là do tỷ lệ tiêm phòng trên đàn chó mèo còn thấp.
Ngành Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại định kỳ theo khuyến cáo của ngành thú y: Không thả rông chó, mèo, phải rọ mõm chó khi cho ra đường; không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo; thực hiện diệt ngay chó và các động vật lên cơn dại hoặc nghi mắc dại trong khu vực ổ dịch; người dân khi bị chó, mèo cắn, cào làm tổn thương da hoặc niêm mạc cần rửa ngay vết thương bằng xà phòng, nước sạch và đến cơ sở y tế để tiêm phòng dại kịp thời; người dân tuyệt đối không tự chữa trị tại nhà hoặc dùng thuốc nam sau khi bị chó, mèo cắn…
|